Nhiễm khuẩn đường dẫn mật là tình trạng viêm nhiễm xảy ra tại đường dẫn mật trong gan hoặc ngoài gan. Bệnh hay gặp ở độ tuổi từ 20 - 40, nữ mắc bệnh nhiều hơn nam 2,4 lần. Vi khuẩn thường gặp nhất gây viêm đường mật là Escherichia coli và các vi khuẩn ký sinh trong đường ruột. Bệnh nhân khởi đầu bằng đau bụng vùng hạ sườn phải, sau đó xuất hiện sốt và vàng da. Nếu không chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể dẫn tới các biến chứng nghiêm trọng.
Mật do gan bài tiết liên tục trong ngày, nhưng giữa các bữa ăn thì mật được tích chứa trong túi mật và được cô đặc lại. Ngay sau các bữa ăn túi mật sẽ co bóp để tống mật xuống tá tràng giúp cho sự tiêu hóa thức ăn, đặc biệt là các chất mỡ béo.
Các tế bào gan tiết ra dịch mật rồi đổ vào các vi mật quản, sau đó đổ vào các ống mật ở trong gan. Các ống mật này sẽ kết lại thành ống gan phải và ống gan trái trước khi ra khỏi gan, sau đó hai ống gan phải và trái sẽ hợp lại thành ống gan chung rồi sáp nhập với ống túi mật thành ống mật chủ để đổ vào tá tràng qua lỗ cơ vòng oddy, chỗ bóng vater.
Như vậy, viêm đường mật hay nhiễm khuẩn đường mật là tình trạng nhiễm khuẩn đường mật trong hoặc ngoài gan. Và nếu nhiễm khuẩn ở túi mật thì đó là viêm túi mật. Nói tóm lại, nhiễm khuẩn trong hệ mật có thể xảy ra ở 1 hoặc 2, hay cả 3 vị trí của hệ mật, tức là ở túi mật, ở ống mật chủ và ở đường mật trong gan.
Biểu hiện của nhiễm khuẩn đường mật
Biểu hiện lâm sàng tương đối đa dạng, từ không triệu chứng đến biểu hiện rầm rộ với 3 triệu chứng điển hình là đau, sốt, vàng da, được gọi là tam chứng Charcot.
Tam chứng Charcot gồm có đau hạ sườn phải, sốt và vàng da. Đau hạ sườn phải biểu hiện bằng cơn đau quặn có thể gặp do sỏi kẹt cổ túi mật, sỏi kẹt đường mật hoặc các nguyên nhân khác. Trong trường hợp điển hình, đau xuất hiện đột ngột vùng hạ sườn phải, lan ra sau lưng và lên vai phải, thường đau thành cơn làm người bệnh lăn lộn, không dám thở mạnh; không điển hình có thể chỉ đau âm ỉ hoặc có cảm giác tức nặng hay gặp ở người già có thể trạng suy kiệt...
Sau đó sốt xuất hiện, là dấu hiệu của viêm nhiễm, sốt gặp ở khoảng 90% các ca viêm đường mật, thường sốt cao rét run. Cuối cùng biểu hiện vàng da và củng mạc mắt do tắc mật, tùy theo mức độ tắc mật mà vàng da nhẹ hay đậm, chỉ trong trường hợp sỏi đơn thuần ở túi mật mới không gây vàng da. Khoảng 50 - 70% các trường hợp viêm đường mật có biểu hiện điển hình của tam chứng Charcot.
Ngoài 3 triệu chứng trên, bệnh nhân còn có các triệu chứng: mệt mỏi, ăn không tiêu, ngứa da toàn thân.
Biến chứng nào có thể xảy ra?
Áp-xe gan - đường mật: Bệnh nhân lúc này có biểu hiện gan to và rất đau, kèm theo sốt cao với lạnh run; vàng da vàng mắt thì xuất hiện chậm hơn. Biến chứng này cần phải được điều trị bằng kháng sinh và có khi phải can thiệp bằng phẫu thuật mới qua khỏi.
Nhiễm khuẩn huyết và sốc nhiễm khuẩn: Đây là biến chứng nặng nề. Lúc đầu bệnh nhân chỉ có các biểu hiện nhiễm khuẩn đường mật. Sau đó bệnh nhân sẽ xuất hiện sốt cao liên tục, rét run, rối loạn tri giác, lơ mơ rồi huyết áp tụt... Nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn tới tử vong.
Chảy máu đường mật: Bên cạnh triệu chứng của nhiễm khuẩn đường mật, bệnh nhân có thêm các triệu chứng khác như thiếu máu, nôn ra máu hoặc đại tiện phân đen.
Suy thận cấp và hội chứng gan thận: Đây là biến chứng nặng nề, tỷ lệ tử vong cao.
Thấm mật phúc mạc: Tắc mật làm túi mật căng to và giãn mỏng, các đường mật cũng căng to làm mật thấm ra ngoài, vào ổ bụng. Bệnh nhân đau nhiều hơn và lan ra toàn bụng. Khám bụng có phản ứng thành bụng, nhất là hạ sườn phải.
Viêm hoại tử túi mật hoặc ống mật chủ: Thành túi mật và ống mật chủ có thể bị viêm dày, trên đó có những chỗ bị hoại tử. Những chỗ có thể được mạc nối hoặc các tạng xung quanh tới dính bít lại hoặc bục vào ổ bụng gây viêm phúc mạc, gặp ở túi mật nhiều hơn ở ống mật chủ, lâm sàng có hội chứng nhiễm khuẩn nhiễm độc nặng, bụng ngoại khoa. Chẩn đoán bằng siêu âm và chụp cắt lớp.
Bên cạnh các biến chứng cấp tính ở trên còn có thể gặp các biến chứng mạn tính như: Xơ gan do ứ mật, viêm nhiễm kéo dài và tái phát nhiều lần; Viêm túi mật mạn: Do viêm túi mật tái phát nhiều lần nhiễm khuẩn ít rầm rộ, túi mật không lớn, có thể có đám quánh vùng túi mật. Siêu âm thấy túi mật teo nhỏ, thành dày và thường có sỏi; Ứ nước túi mật: Gặp trong sỏi cổ túi mật hoặc viêm túi mật mạn gây tiết dịch lỏng; Viêm xơ cơ oddi: Do sỏi bóng Vater làm viên cơ oddi lâu ngày làm xơ và làm nặng thêm sự chít hẹp đường mật.
Điều trị và dự phòng
Khi được chẩn đoán nhiễm khuẩn đường mật, bệnh nhân cần được khám và điều trị tại cơ sở y tế. Kháng sinh là thuốc quan trọng nhất. Sử dụng kháng sinh tốt nhất theo kháng sinh đồ, trong trường hợp chưa làm được kháng sinh đồ thì điều trị phối hợp kháng sinh có tác dụng diệt vi khuẩn gram (-) và vi khuẩn kỵ khí. Trong trường hợp có tắc nghẽn đường mật, cần dùng thêm các thuốc giảm đau, giãn cơ và phẫu thuật nếu có chỉ định.
Bên cạnh đó, bệnh nhân cần thực hiện một chế độ ăn kiêng chất béo, nhất là phải kiêng mỡ động vật. Nên uống các loại nước thuốc Nam có tác dụng tốt cho gan, mật như nhân trần, actisô. Cần khám phát hiện các nguyên nhân gây tắc đường mật như sỏi mật, u lành hoặc ác tính của bóng vater, dị dạng đường mật... để điều trị dứt điểm. Cần tẩy giun định kỳ 6 tháng đến 1 năm một lần nếu sống ở vùng dễ nhiễm giun.
Nguồn: suckhoedoisong.vn