Ung thư dạ dày không còn là một căn bệnh xa lạ với chúng ta. Nó có thể xuất hiện ở bất kỳ đối tượng nào và không ngoại trừ độ tuổi cũng như giới tính gây bệnh. Tỷ lệ tử vong khi mắc ung thư dạ dày là rất lớn nhưng nếu được phát hiện và điều trị sớm ở giai đoạn mới khởi phát, cơ hội chữa khỏi bệnh là rất cao.
22/04/2022 | Đừng bỏ qua những lưu ý quan trọng về dinh dưỡng cho người ung thư dạ dày 22/04/2022 | Gợi ý địa chỉ xét nghiệm ung thư dạ dày uy tín tại Hà Nội 26/02/2022 | Những cách phòng tránh ung thư dạ dày đơn giản mà hiệu quả không ngờ
1. Đại cương về ung thư dạ dày
Khi các tế bào tại niêm mạc dạ dày tăng sinh mất kiểm soát không tự chết đi khi đã hết “nhiệm kỳ” hoạt động theo quy luật tự nhiên thì sẽ trở thành các tổn thương dạng loét hoặc chồi sùi. Sự thay đổi bất thường này được gọi là các khối u ác tính hay ung thư dạ dày.
Quá trình hình thành và phát triển của các khối u có thể mất vài tháng, thậm chí là vài năm và thông thường ở giai đoạn đầu rất khó để phát hiện ra bệnh. Bất kỳ phân đoạn nào của dạ dày cũng có thể bị ảnh hưởng bởi ung thư, nhưng hay gặp nhất là phần thân dạ dày, tiếp theo là nơi giao nhau giữa dạ dày và thực quản.
Sự tăng sinh bất thường của các tế bào sẽ dẫn đến sự hình thành của khối u tại dạ dày
Ung thư dạ dày xếp thứ 3 trong số các nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở cả nam giới và nữ giới trên toàn cầu. Dựa trên tính chất và mức độ của tổn thương, bệnh bao gồm 5 giai đoạn tiến triển như sau:
-
Giai đoạn 0: các tế bào ung thư bắt đầu nhen nhóm xuất hiện trên niêm mạc dạ dày. Giai đoạn sớm này còn được gọi với cái tên ung thư biểu mô;
-
Giai đoạn 1: khối u đã bắt đầu làm tổn thương sâu hơn, tiến vào lớp thứ 2 của dạ dày;
-
Giai đoạn 2: khối u gia tăng về kích thước và xâm lấn qua lớp niêm mạc dạ dày. Lúc này bệnh được gọi là ung thư dưới cơ;
-
Giai đoạn 3: các hạch bạch huyết lân cận và cơ quan khác đã bị tế bào ung thư xâm chiếm và làm tổn thương;
-
Giai đoạn 4: đây là giai đoạn cuối, khi mà các tế bào ung thư đã di căn tới nhiều nơi trên cơ thể và nguy cơ tử vong là vô cùng lớn.
2. Ung thư dạ dày là do đâu?
Dưới đây là một số yếu tố góp phần làm tăng nguy cơ mắc phải ung thư dạ dày:
-
Polyp dạ dày: là sự xuất hiện của các mô bất thường hình thành trên niêm mạc của dạ dày;
-
Nhiễm trùng do vi khuẩn HP: đây là vi khuẩn phổ biến thường tồn tại trong khoang miệng và dạ dày con người. Khi số lượng của chúng vượt quá giới hạn cho phép sẽ phát triển bệnh ung thư dạ dày;
-
Viêm loét dạ dày tái phát nhiều lần, hoặc bệnh nhân đã từng thực hiện phẫu thuật tại dạ dày trước đó;
-
Chế độ ăn thiếu lành mạnh: ăn nhiều thịt muối/xông khói, thực phẩm chế biến sẵn như xúc xích, thực phẩm lên men (dưa muối), thực đơn nghèo nàn chất xơ,...;
-
Nghiện thuốc lá hoặc sinh sống, làm việc trong môi trường tràn ngập khói thuốc;
-
Người thừa cân, béo phì;
-
Trong gia đình có người thân bị ung thư dạ dày, hoặc mắc các hội chứng/bệnh lý về đường tiêu hóa.
3. Các triệu chứng cảnh báo sự hình thành của ung thư dạ dày
Nhìn chung các biểu hiện của ung thư dạ dày là không đặc hiệu, khá mơ hồ do dễ gây nhầm lẫn sang triệu chứng của những bệnh lý thông thường khác của hệ tiêu hóa.
Một số dấu hiệu có thể bao gồm:
-
Rối loạn tiêu hóa: ợ hơi, ợ nóng, ợ chua, khó nuốt, buồn nôn hoặc nôn;
-
Cảm thấy đau: cơn đau có tính chất âm ỉ không theo quy luật, chu kỳ nhất định. Đặc biệt bị đau khi đói, đau ở khu vực dưới xương ức khi no.
Vì các dấu hiệu ở giai đoạn này không đặc trưng nên bệnh nhân thường lơ là cảnh giác, chủ quan không đi khám dẫn đến việc bỏ qua giai đoạn vàng để chữa khỏi bệnh.
Các vết loét bình thường ở dạ dày hoàn toàn có khả năng tiến triển thành ung thư nếu không được điều trị đúng cách
-
Rối loạn tiêu hóa: thường xuyên bị ợ chua, đầy hơi, chán ăn, buồn nôn và nôn ói, chán ăn, ăn ít nhưng luôn cảm thấy no;
-
Chảy máu dạ dày: phân lẫn máu hoặc phân đen, thiếu máu, da vàng;
-
Cảm giác đau: đau bụng âm ỉ hoặc đau dữ dội khi ăn, đau khi đói, khi ăn no bị đau vùng xương ức;
-
Rối loạn dinh dưỡng: do hấp thụ kém hoặc không hấp thụ, bệnh nhân bị sụt cân không rõ nguyên do, mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, giảm khả năng lao động.
4. Chẩn đoán ung thư dạ dày bằng phương pháp nào?
Bên cạnh dựa trên các biểu hiện lâm sàng, dưới đây là một số biện pháp được áp dụng để chẩn đoán ung thư dạ dày:
-
Nội soi: một ống dài, mềm và đầu có gắn camera siêu nhỏ đưa vào miệng, qua thực quản và đi xuống dạ dày của bệnh nhân để quan sát mọi thứ bên trong dạ dày. Trong trường hợp có tổn thương hoặc nghi ngờ khối u, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân thực hiện sinh thiết tế bào;
-
Sinh thiết: một ít mô tại các vị trí khác nhau trên niêm mạc dạ dày sẽ được lấy ra và đưa đến phòng thí nghiệm để soi dưới kính hiển vi. Điều này giúp xác định tế bào đó là lành tính hay ác tính;
-
Kiểm tra hình ảnh: chụp X-quang, chụp CT/MRI, xạ hình xương hoặc PET-CT dạ dày;
-
Xét nghiệm máu: mục đích là để kiểm tra bệnh nhân có bị thiếu máu hay không. Bên cạnh đó xét nghiệm máu còn giúp thăm dò chức năng gan, thận và tìm kiếm dấu vết ung thư,...
Để xác định một khối u là lành tính hay ác tính thì cần kết hợp nhiều biện pháp chẩn đoán khác nhau
5. Cơ hội điều trị cho những người bị ung thư dạ dày
Sau khi đã chẩn đoán được tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ giúp bệnh nhân lập ra kế hoạch và phương pháp điều trị phù hợp. Cụ thể như sau:
-
Phẫu thuật: tùy thuộc vào mức độ và giai đoạn của bệnh mà bác sĩ có thể sẽ chỉ định cắt bỏ một phần hay toàn bộ phần dạ dày bị tổn thương. Đôi khi là loại bỏ thêm các hạch lympho lân cận. Phương pháp phẫu thuật lúc này có thể là mổ mở, phẫu thuật robot hoặc nội soi;
-
Xạ trị: thường được áp dụng như một phương pháp bổ trợ sau phẫu thuật, có tác dụng hạn chế nguy cơ tái phát ung thư. Ngoài ra trong những trường hợp ung thư di căn xương, hạch,... cũng được chỉ định xạ trị để giảm nhẹ triệu chứng và kéo dài thời gian sống cho người bệnh;
-
Hóa trị liệu: hay điều trị hóa chất là biện pháp dùng thuốc qua đường uống hoặc truyền tĩnh mạch để tiêu diệt các tế bào ung thư. Phương pháp này có thể áp dụng song song với xạ trị, trước hoặc sau phẫu thuật;
-
Liệu pháp nhắm trúng đích: dùng trong các trường hợp bệnh ở giai đoạn tiến triển tại chỗ, di căn xa hoặc tái phát khi xạ trị hay phẫu thuật đơn lẻ không thể triệt tiêu hoàn toàn khối u ác tính. Khi đó bệnh nhân sẽ được chỉ định dùng thêm các thuốc điều trị trúng đích (có thể phối hợp cùng phương pháp hóa trị) để kìm hãm sự phát triển, lan rộng của tế bào ung thư.
Phương pháp hóa trị trong điều trị ung thư
Trường hợp bệnh nhân nếu được tiên lượng khó có thể điều trị dứt điểm hoàn toàn ung thư dạ dày, chăm sóc và điều trị giảm nhẹ sẽ là phương án được bác sĩ chỉ định cho bệnh nhân. Tức là ngoài chăm sóc y khoa thì sẽ kết hợp với điều dưỡng để cải thiện những biểu hiện đau đớn, giúp người bệnh nâng cao chất lượng cuộc sống.
Hy vọng rằng với những thông tin trên đây, bạn đã nắm được những điều cần biết về căn bệnh ung thư dạ dày. Phát hiện và điều trị sớm từ giai đoạn đầu sẽ tăng cơ hội sống lên rất nhiều, đồng thời giảm tải áp lực cũng như khó khăn cho công tác điều trị về sau.
Chuyên khoa Ung bướu của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC là một trong những địa chỉ uy tín, chất lượng trong thăm khám và chẩn đoán các bệnh lý ác tính, trong đó có ung thư dạ dày.
Bên cạnh đội ngũ các chuyên gia đầu ngành dày dặn kinh nghiệm, Chuyên khoa Ung bướu tại MEDLATEC còn được trang bị hệ thống máy móc tiên tiến, từ máy chụp X-quang, CT đến MRI, nội soi dạ dày và sinh thiết tế bào. Ngoài ra Trung tâm Xét nghiệm của Bệnh viện còn được công nhận là đơn vị đạt chuẩn ISO 15189:2012 và mới đây nhất là CAP do Hiệp hội Bệnh học Hoa Kỳ cấp. Công suất xét nghiệm tại mỗi cơ sở trên khắp cả nước có thể lên đến hàng nghìn mẫu/ngày. Những yếu tố này đã giúp hỗ trợ việc chẩn đoán bệnh trở nên nhanh chóng, chính xác và tiện lợi hơn.
Để đặt lịch khám trực tiếp, quý khách hàng hãy liên hệ tới Tổng đài 1900 56 56 56 của MEDLATEC ngay hôm nay!