Các cấu trúc nang phát triển sau xương cùng dọc theo rãnh giữa hai mông, cách hậu môn khoảng 4-5cm, chứa lông và các mẩu tróc ra của da được gọi là nang tổ lông. Bình thường nang tổ lông không gây triệu chứng gì ngoài sự hiện diện của nó. Nhưng khi bị nhiễm khuẩn, nang gây đau và viêm nhiễm.
Nguyên nhân gây nang tổ lông
Tuy có nhiều giả thuyết về nguyên nhân gây bệnh nang tổ lông, nhưng các nhà khoa học cho rằng nang tổ lông là do mắc phải. Nguyên nhân có thể do các nang lông bị vùi xuống dưới da, lông bị đẩy vào trong các nang lông giãn rộng và vào mô dưới da, gây phản ứng viêm và hình thành một cấu trúc nang xung quanh lông và các mẩu da tróc. Có thể có một sức ép lớn hay các chấn thương lặp đi lặp lại ở vùng cùng cụt là tiền đề tạo ra nang hoặc kích thích một nang tổ lông đã có sẵn.
Hormon sinh dục bắt đầu được sản xuất vào tuổi dậy thì có ảnh hưởng đến các tuyến bã lông. Tỷ lệ mắc bệnh ở nam nhiều hơn ở nữ. Các yếu tố nguy cơ khác gồm: tiền sử gia đình đã có người mắc bệnh, người do nghề nghiệp phải ngồi lâu, người rậm lông, người có rãnh sâu giữa hai mông, người béo phì... thường bị tái phát nang tổ lông.
Dấu hiệu nhận biết
Theo một nghiên cứu cho biết: bệnh nang tổ lông có tần suất mới mắc vào khoảng 26/100.000 người; bệnh ở nam nhiều hơn nữ; người da trắng mắc bệnh nhiều hơn những người da màu; Nang tổ lông thường xảy ra ở lứa tuổi từ 15 - 30 tuổi, ít gặp ở tuổi sau 40.
|
Trên thực tế, có những bệnh nhân có nang tổ lông nhưng không có hoặc có rất ít triệu chứng như: chỉ thấy một vết lõm hay một lỗ rò ở da vùng cùng cụt. Trường hợp nang tổ lông nhiễm khuẩn sẽ có các triệu chứng: đau cột sống thấp, da vùng bệnh sưng, nóng, đỏ và đau. Có khi bị chảy mủ ở lỗ rò giữa hai mông, toàn thân có sốt. Một số trường hợp nang tổ lông có thể gặp ở những vùng khác của cơ thể như bàn tay.
Việc chẩn đoán bệnh nang tổ lông phải dựa vào các triệu chứng đặc trưng nói trên.
Bệnh nang tổ lông có thể gây các biến chứng là: hình thành ổ áp -xe; nang tổ lông tái phát nhiều lần; nhiễm khuẩn toàn thân; ung thư biểu mô tế bào vảy...
Phương pháp điều trị
Điều trị bệnh nang tổ lông tùy thuộc tình trạng tổn thương. Đối với trường hợp nang tổ lông nhiễm khuẩn, tạo thành áp-xe tổ lông phải rạch và dẫn lưu mủ. Bác sĩ phải gây tê tại chỗ, dùng dao phẫu thuật rạch da để mở rộng xoang nhiễm khuẩn dẫn lưu mủ, lấy bỏ lông và những mẩu da tróc tụ lại trong ổ áp-xe. Rửa vết thương sạch bằng nước muối sinh lý, nhét gạc dẫn lưu và băng lại. Bệnh nhân cần được dùng kháng sinh diệt vi khuẩn, dùng thuốc giảm đau, vitamin nhóm B và vitamin C để nâng cao thể trạng. Điều trị các nang tổ lông mạn tính, các nang biến chứng hay tái phát, thường dùng phẫu thuật. Mở các đường rò và nạo vét sạch mủ, mảnh da tróc, lông. Tùy theo mức độ bệnh nhẹ hay nặng mà thầy thuốc thường phải gây tê tại chỗ hay gây tê vùng hoặc gây mê để phẫu thuật. Dùng dao mổ mở rộng các đường rò chính và phụ, nạo đến tận đáy; sau đó chèn nhẹ một miếng gạc và băng lại. Điểm cần lưu ý là phải cạo sạch lông xung quanh cách bờ vết mổ từ 3 - 4cm để phòng ngừa nang tổ lông tái phát. Phương pháp tuy có thể điều trị được bệnh nhưng có nhược điểm là phải chăm sóc lâu dài vết thương với thời gian cần để lành vết thương từ 4 - 6 tuần và tỷ lệ tái phát từ 1 - 19%. Một phương pháp phẫu thuật nữa là cắt bỏ rộng nang tổ lông để loại bỏ hết các nang. Rồi tùy theo tổn thương mà có nhiều cách xử trí tiếp theo như: để hở da cho vết thương tự lành; khâu kín da; khâu kín da với phương pháp chuyển vạt da.
Bệnh nang tổ lông thường ảnh hưởng lớn đến thẩm mỹ và tâm lý bệnh nhân, nếu biến chứng nặng gây áp-xe hoặc nhiễm khuẩn toàn thân ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe bệnh nhân. Chúng ta đã biết rằng hormon sinh dục bắt đầu được sản xuất vào tuổi dậy thì, ảnh hưởng đến các tuyến bã lông và đây là cơ hội để bệnh nang tổ lông xuất hiện. Dựa vào đặc điểm này, tự bệnh nhân hoặc cha mẹ nếu chú ý và hiểu biết về bệnh sẽ phát hiện được nang tổ lông sớm để đi khám và điều trị sớm. Đối với các gia đình đã có người mắc bệnh nang tổ lông thì điều cần làm là chú ý phát hiện bệnh cho các con, nhất là khi chúng đến tuổi dậy thì. Bệnh này chủ yếu do mắc phải, gặp nhiều ở người do nghề nghiệp phải ngồi lâu, chẳng hạn nghề lái xe.
Để phòng tránh bệnh, cần thay đổi tư thế định kỳ, tránh ngồi lâu hoặc ngồi ở nơi dằn xóc nhiều. Những người rậm lông, người có rãnh sâu giữa hai mông, người béo phì cũng dễ bị bệnh. Vì thế, để phòng tránh bệnh này, cần dùng biện pháp triệt bớt lông, nhất là ở vùng cùng cụt; kiểm soát cân nặng tránh thừa cân béo phì để phòng nhiều bệnh trong đó có bệnh nang tổ lông. Đối với những người có yếu tố nguy cơ mắc bệnh, hàng ngày, cần phải vệ sinh tốt vùng cùng cụt, luôn giữ vùng này khô sạch, cạo lông hoặc dùng kem tẩy sạch lông vùng cùng cụt.