Allopurinol là hoạt chất được coi như “vũ khí lợi hại”, biện pháp chính để làm giảm axit uric máu, yếu tố nguy cơ quan trọng nhất của bệnh gout (gút), có thể dùng cho mọi bệnh nhân gút. Dị ứng với allpourinol tuy chỉ gặp ở khoảng 5% số người sử dụng thuốc này nhưng đây lại là một điều rất không may cho bệnh nhân gút, vì họ sẽ phải chật vật thực hiện biện pháp khác thay thế để làm giảm bớt tiến triển xấu của bệnh gút.
Allopurinol điều trị bệnh gút
Axit uric là một sản phẩm của quá trình chuyển hoá protid trong cơ thể, khi được tăng tổng hợp hoặc giảm đào thải ra khỏi cơ thể, nồng độ trong máu sẽ tăng lên và khi bị bão hòa sẽ tạo thành các tinh thể. Sự lắng đọng các tinh thể axit uric ở khớp hoặc tổ chức liên kết gây ra triệu chứng của bệnh gút như: khớp bị viêm tấy, sưng nóng đỏ, đau nhức và hạn chế vận động. Nồng độ axit uric trong máu càng cao thì nguy cơ xuất hiện viêm khớp cấp do gút càng lớn.
Tổn thương do bệnh gút ở bàn chân.
Các biện pháp điều trị giảm nồng độ axit uric máu có vai trò quan trọng phòng ngừa những đợt cấp của bệnh gút và hạn chế các biến chứng mạn tính của bệnh như sỏi thận, suy thận mạn, tiêu xương... Đáp ứng mục tiêu này, thuốc allopurinol đã được bác sĩ cho người bệnh gút sử dụng rộng rãi và có hiệu quả trong nhiều năm qua nhờ tác dụng giảm tổng hợp và tăng đào thải axit uric qua nước tiểu. Allopurinol không phải là thuốc kháng viêm giảm đau nên không dùng lúc bệnh nhân đang có cơn viêm khớp gút cấp. Thuốc được sử dụng đều đặn, dài hạn (suốt đời) nhằm giữ cho lượng acid uric máu của người bệnh luôn ở mức bình thường, ngăn ngừa tái phát các đợt viêm khớp gút cấp, ngăn ngừa các biến chứng thận của bệnh gút, nên được coi là thuốc chữa bệnh gút.
Tuy nhiên, cũng như mọi thuốc, bên cạnh tác dụng điều trị, allopurinol có thể gây nên những phản ứng không mong muốn như dị ứng, viêm gan nhiễm độc, xáo trộn chức năng gan, buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy, chóng mặt... Dị ứng allopurinol là biểu hiện dễ gặp, thường xuất hiện sau dùng thuốc từ vài ngày đến vài tuần, hiện tượng này có thể nhẹ như nổi mẩn, ngứa nhưng cũng có thể nặng nề như tăng men gan, viêm thượng bì hoại tử, hội chứng Stevens Jonhson... Những phản ứng dị ứng nặng (hiếm gặp) thường xảy ra ở người có suy thận hoặc khi dùng cùng thuốc lợi tiểu thiazide.
Phải làm gì khi dị ứng allopurinol?
Xử trí dị ứng thuốc allopurinol bao gồm hai vấn đề cơ bản là điều trị tình trạng dị ứng và tìm biện pháp thích hợp để hạ axit uric máu.
Để điều trị dị ứng: người bệnh cần ngừng sử dụng allopurinol, chăm sóc tổn thương da, niêm mạc, truyền dịch, dùng các thuốc chống dị ứng (như cetirizin, loratadin, chlorpheniramin...). Các loại glucocorticoid (prednisolon, methylprednisolon) chỉ nên sử dụng trong những trường hợp dị ứng nặng.
Nếu dị ứng nặng, bệnh nhân sẽ phải ngừng sử dụng allopurinol suốt đời. Nếu dị ứng nhẹ, thầy thuốc có thể làm phương pháp giải mẫn cảm allopurinol (cho liều nhỏ, tăng dần) cho người bệnh, nếu không bị dị ứng nữa bệnh nhân sẽ được tiếp tục dùng thuốc, nếu vẫn tiếp tục bị dị ứng, người bệnh sẽ phải ngưng dùng thuốc.
Sau khi tình trạng dị ứng đã ổn định, cần tìm ra phương pháp hạ axit uric máu thích hợp và an toàn. Trước khi quyết định điều trị giải mẫn cảm với allopurinol, nên áp dụng các phương pháp hạ axit uric khác. Đó là những biện pháp không dùng thuốc như: hạn chế ăn đạm, giảm lượng đạm tiêu thụ hàng ngày, kiêng bia rượu. Uống các loại nước khoáng có bicarbonate, ăn nhiều rau xanh, uống nhiều nước để tăng thải axit uric ra đường tiểu. Đặc biệt, người bệnh gút cần tránh sử dụng aspirin liều thấp, thuốc lợi tiểu và những thuốc làm tăng nồng độ axit uric máu.
Giải pháp thay thế allopurinol: Hiện nay rất ít thuốc có thể thay được allopurinol, vì vậy dị ứng với allopurinol là một điều không may cho người bệnh đồng thời làm đau đầu các bác sĩ điều trị. Dùng thuốc thay thế khi dị ứng với allopurinol gồm:
Dùng febuxostat - một chất ức chế men xathine oxydase có thể thay thế allopurinol (khi dị ứng allopurinol). Febuxostat có hiệu quả gần tương đương allopurinol và tương đối an toàn vì không có mẫn cảm chéo với allopurinol nhưng giá thành tương đối cao. Trong trường hợp cần thiết có thể phối hợp hai thuốc này với nhau để tăng tác dụng điều trị.
Các thuốc làm tăng thải axit uric qua nước tiểu như probenecid và sulfinpyrazone có thể sử dụng ở bệnh nhân có chức năng thận còn tốt. Tuy nhiên, các thuốc này có nhiều tác dụng phụ và chống chỉ định (bệnh nhân lớn tuổi, bệnh nhân suy thận, bệnh nhân có sỏi thận...).
Khi đang dùng allopurinol người bệnh cần lưu ý các tương tác thuốc
Thuốc làm tăng khả năng dị ứng của allopurinol, được khuyến cáo không dùng khi bệnh nhân đang dùng allopurinol: Thận trọng khi dùng các thuốc ức chế men chuyển (đặc biệt là captopril) vì thuốc này làm tăng khả năng dị ứng với allopurinol. Không nên dùng corticosteroids và aspirin dài ngày vì hai loại thuốc này ảnh hưởng không tốt đến bệnh và gây tăng axit uric máu. Không dùng các thuốc lợi tiểu thiazide vì cản trở thải acid uric qua đường tiểu và tăng khả năng dị ứng alopurinol.
Hơn nữa, khi đang dùng alopurinol người bệnh còn được khuyên không nên dùng kháng sinh nhóm beta lactam (bao gồm các loại penicilline và cephalosporine, trong đó hay gặp nhất là ampicilline và amoxyclline), vì allopurinol làm tăng khả năng dị ứng của các kháng sinh này lên nhiều lần.
Đặc biệt lưu ý, allopurinol là thuốc sử dụng dài hạn nhưng người bệnh không thể tự dùng mà luôn luôn cần sự theo dõi và kiểm soát của thầy thuốc để điều chỉnh liều lượng cho hợp lý, tránh các tương tác bất lợi và tránh các tác dụng có hại của thuốc, đặc biệt là dị ứng với thuốc.
Nguồn: suckhoedoisong.vn