Lẹo mắt còn được biết đến với tên khác là mụn lẹo, mọc xung quanh bờ mi mắt do bị nhiễm khuẩn cục bộ. Vậy nguyên nhân nào làm lẹo xuất hiện, triệu chứng nhận diện như thế nào và điều trị ra sao, nội dung dưới đây sẽ cho bạn câu trả lời đầy đủ.
07/12/2022 | Chảy nước mắt do đâu, khi nào cần đi khám? 02/12/2022 | Bệnh lác mắt - Cẩm nang các thông tin cần biết! 01/12/2022 | Khô mắt: Dấu hiệu nhất biết và phương pháp điều trị
1. Lẹo mắt - nguyên nhân và triệu chứng nhận diện
1.1. Lẹo mắt là gì?
Lẹo mắt là tình trạng nhiễm khuẩn cục bộ gây sưng và phù lan tỏa quanh bờ mi mắt. Có hai loại lẹo mắt là:
- Lẹo ngoài: mọc lẹo ở bờ của lông mi.
- Lẹo trong: mọc lẹo ở một trong các tuyến dầu nhỏ ở trong mí mắt.
Lẹo mắt gồm có lẹo bên trong và lẹo bên ngoài mí mắt
1.2. Tại sao bị lẹo mắt?
Tụ cầu khuẩn hoặc vi khuẩn được xem là nguyên nhân chính gây ra lẹo mắt. Chúng xâm nhập vào tuyến chân lông mi và gây viêm nhiễm cấp tính và làm tắc nghẽn ống tuyến tiết dầu, từ đó gây ra viêm tuyến và hình thành lẹo mắt. Ngoài ra, lẹo mắt cũng có thể là kết quả của tình trạng viêm bờ mi có sẵn khiến cho viêm nhiễm lan rộng.
Các yếu tố nguy cơ sau góp phần phát triển lẹo mắt ở nhiều người:
- Người đã từng bị lẹo mắt ở thời gian gần trước đó.
- Mắc một số bệnh lý mạn tính về da như: rosacea, viêm da.
- Có vấn đề về sức khỏe liên quan như: tiểu đường, cholesterol tăng cao, sưng mí mắt.
- Dùng lớp trang điểm cũ hoặc không thường xuyên tẩy trang vùng mắt trước khi tiến hành các bước chăm sóc da ở nhà.
1.3. Triệu chứng nhận diện lẹo mắt
Trong một thời điểm nhất định, lẹo mắt thường chỉ có ở một bên mắt chứ ít khi bị ở cả hai bên mắt. Ban đầu, triệu chứng mọc lẹo tương đối nhẹ, thường là cảm giác hơi khó chịu hoặc bị mẩn đỏ dọc bờ mi, có thể bị kích thích ở bên mắt bị ảnh hưởng.
Thời điểm lẹo phát triển có thể gây nên các triệu chứng:
- Có vết sưng đỏ giống mụn dọc mí mắt.
- Giữa vết sưng xuất hiện các đốm nhỏ màu vàng.
- Cảm thấy cồm cộm phía trong mắt.
- Bị nhạy cảm trước ánh sáng.
- Có ghen ở dọc mí mắt hoặc chảy nước mắt.
- Có nốt sần cứng, không đau ở mi mắt.
2. Phương pháp điều trị lẹo mắt như thế nào?
2.1. Cách thức chẩn đoán lẹo mắt
Để chẩn đoán lẹo mắt bác sĩ sẽ thăm khám lâm sàng thông qua việc quan sát, nhận diện bất thường ở mí mắt và vùng mắt. Một loại đèn chuyên dụng sẽ được bác sĩ dùng để rọi vào mắt sau đó bác sĩ dùng kính lúp kiểm tra mí mắt.
Bác sĩ thường dùng đèn chuyên dụng để khám, chẩn đoán lẹo mắt
2.2. Điều trị lẹo mắt
Điều trị tại nhà: cho mắt nghỉ ngơi, vệ sinh mắt bằng nước muối sinh lý ấm, chườm ấm lên vùng da quanh mắt. Cách làm được khuyến nghị là đặt túi chườm ấm lên trên mắt trong khoảng 10 - 15 phút, mỗi ngày vài lần để cho lỗ chân lông ở mí mắt bị chặn cùng với các tuyến dầu bị tắc được mở ra. Việc làm này còn giúp xoa dịu triệu chứng sưng đỏ mắt do lẹo.
Nếu đã thực hiện chườm ấm tại nhà mà lẹo mắt không thoái triển hoặc ngày càng nghiêm trọng hơn với các triệu chứng sau thì nên đến gặp bác sĩ ngay:
- Bị chảy máu ở vùng mọc lẹo.
- Thị lực bị ảnh hưởng.
- Tầm nhìn của mắt bị lẹo che khuất.
- Má hoặc các vùng khác trên khuôn mặt có mẩn đỏ.
Để điều trị lẹo mắt, tùy vào từng trường hợp mà bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp xử lý phù hợp:
- Điều trị nội khoa: sử dụng thuốc kháng sinh đường uống hoặc nhỏ mắt tại chỗ với trường hợp bị nhiễm trùng nghiêm trọng. Thuốc nhỏ mắt có thể là dạng mỡ hoặc dạng nước với tác dụng giúp mắt hết sưng. Một số trường hợp có thể dùng thuốc giảm đau không kê đơn để giảm bớt sự khó chịu bởi các triệu chứng đau nhức của lẹo mắt.
Nếu đã chườm ấm mà lẹo mắt không thuyên giảm người bệnh nên khám bác sĩ chuyên khoa
- Điều trị ngoại khoa: rạch dẫn lưu mủ với những trường hợp lẹo quá lớn hoặc không đáp ứng với điều trị nội khoa sau khoảng 1 - 2 tuần.
- Điều trị bệnh lý liên quan: dành cho các trường hợp bị mụn trứng cá đỏ, viêm bờ mi mạn tính.
2. 3. Gợi ý phòng ngừa nguy cơ bị lẹo mắt
Để tránh bị lẹo mắt, tốt nhất nên:
- Thường xuyên rửa tay để loại bỏ bụi bẩn bám trên da, khi tiếp xúc với mắt sẽ làm tắc nghẽn ống tuyến tiết dầu nhờn. Việc làm này còn giảm kích ứng, tránh được nguy cơ mắc hoặc làm nặng thêm lẹo mắt sẵn có.
- Không trang điểm che đậy nốt lẹo vì nó dễ làm chậm quá trình hồi phục tổn thương, kích ứng mụn lẹo và làm cho nhiễm trùng thêm trầm trọng. Mặt khác, có nhiều vi khuẩn dễ lây lan từ vị trí mọc lẹo mắt qua chì kẻ mắt và cọ trang điểm nên cần thay mới dụng cụ trang điểm định kỳ hoặc khi có dấu hiệu nhiễm bần. Bên cạnh đó cũng cần chú ý vệ sinh cọ trang điểm thường xuyên để loại bỏ môi trường sống của vi khuẩn. Cuối ngày nhớ tẩy trang để vùng da mặt được làm sạch.
- Khi dùng kính áp tròng cần thận trọng, rửa sạch tay trước khi lấy kính ra đeo hoặc tháo kính ra cất vào trong hộp đồng thời chú ý vệ sinh kính định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ, tránh chạm tay vào vùng mắt để không cho vi khuẩn lây sang vùng da quanh mắt.
Muốn hạn chế tốc độ phát triển lẹo mắt, cần chú ý:
- Luôn giữ sạch sẽ vùng da tay, lông mày, da đầu và mặt.
- Tránh hoặc hạn chế sử dụng phấn trang điểm mắt.
- Không tự ý nặn chích lẹo.
- Dừng dùng kính áp tròng cho tới lúc đã loại bỏ hoàn toàn lẹo.
- Trong thời gian mọc lẹo mắt, cần kiêng một số loại thực phẩm dễ làm kích ứng mắt như: tỏi, hành, kinh giới, thủy - hải sản, đồ ăn có tính nhiệt như đầu lợn, thịt chó, thịt dê,...
Dù đại đa số các trường hợp bị lẹo mắt đều có thể tự khỏi không cần can thiệp y khoa nhưng tốt nhất người bệnh vẫn nên thăm khám để điều trị tích cực theo hướng dẫn của bác sĩ, tránh được những nguy cơ biến chứng xấu cho thị lực.