Các nghiên cứu ở Việt Nam cho thấy ung thư lưỡi chiếm khoảng 30% trong các ung thư vùng miệng, kỹ thuật mới ứng dụng giúp bệnh nhân có cơ hội tái tạo lưỡi.
|
Nên khám định kỳ tai mũi họng để phát hiện sớm những biểu hiện của ung thư. vùng miệng Ảnh: L.N. |
Mất lưỡi vì chủ quan
Phát hiện ở lưỡi nổi lên một lớp sừng nhưng bệnh nhân Nguyễn Văn T. 44 tuổi ở Đồng Nai chủ quan không nghĩ đây là dấu hiệu bệnh lý.
Đến khi vết loét lan rộng hai bên rìa lưỡi, gây đau kèm theo khó khăn khi nói chuyện, anh T. mới đến BV Ung bướu TPHCM thăm khám và phát hiện mình bị ung thư lưỡi giai đoạn cuối.
Giải pháp tốt nhất được bác sĩ chỉ định đối với tình trạng bệnh là phải cắt bỏ một phần lưỡi bị ung thư xâm lấn.
Các đây vài tháng, anh Trần Đình H., 51 tuổi ở TPHCM thấy lưỡi xuất hiện một vết loét. Khám tại một phòng khám tư về tai mũi họng thì bác sĩ chẩn đoán anh “bị nhiệt miệng” nên cho thuốc về uống.
Sau hai tháng vết “nhiệt miệng” không những không lành mà còn lan rộng ra đầu lưỡi, nhưng do không có cảm giác đau nhiều nên anh H. vẫn ngại đến bệnh viện.
Đến khi vết loét chảy máu lan ra hết đầu lưỡi, anh H. mới đến Khoa Tai mũi họng Bệnh viện Chợ Rẫy để khám thì phát hiện ra bị ung thư lưỡi giai đoạn 3 buộc phải cắt một phần đầu lưỡi.
Bác sĩ ở khoa Tai mũi họng cho biết nguyên nhân gây nên ung thư lưỡi của anh H có thể do uống rượu và hút thuốc lá nhiều.
Theo TS-BS Trần Phan Chung Thủy- Trưởng khoa Tai Mũi Họng Bệnh viện Chợ Rẫy căn bệnh này ngày càng gia tăng nhưng hầu hết bệnh nhân mắc bệnh đều phát hiện khi đã muộn buộc phải cắt một phần lưỡi hoặc cắt toàn bộ.
Bác sĩ Thủy cho biết, tỷ lệ mắc ung thư lưỡi khoảng 3/100 nghìn dân. Mỗi năm có khoảng trên 20 nghìn người mắc căn bệnh này, chiếm từ 10-15% ca mắc trong các bệnh ung thư. Đa số người mắc thường từ 40-60 tuổi.
Cơ hội tái tạo lưỡi sau phẫu thuật
Đã có 7 bệnh nhân bị ung thư lưỡi sàn miệng các giai đoạn 3 và 4 được các bác sĩ Khoa Tai Mũi Họng Bệnh viện Chợ Rẫy dùng phương pháp sử dụng vạt cơ dưới móng để tái tạo lại cho lưỡi vốn đã bị cắt đi một phần.
Đây được xem là thành công lớn khi giúp bệnh nhân giữ được chức năng của lưỡi và tính thẩm mỹ.
Bác sĩ Trần Phan Chung Thủy cho biết, trong số 7 bệnh nhân bị ung thư lưỡi điều trị thời gian qua đều là bệnh nhân nhập viện trong tình trạng muộn buộc phải cắt u lưỡi, làm ảnh hưởng đến chức năng nuốt và nói của bệnh nhân.
Bác sĩ Thủy cho biết, ung thư lưỡi đang gia tăng nhưng hầu hết bệnh nhân phát hiện khi đã muộn. Để biết có ung thư lưỡi hay không người bệnh nên đến khám các bác sĩ tai mũi họng ngay khi phát hiện ở lưỡi có những vết loét lâu ngày, màu trắng, đỏ ở hai
bên lưỡi hoặc khi thấy ngứa, chảy máu lưỡi, đau tai, đau rát lưỡi lúc ăn uống.
|
“Việc tạo hình lại lưỡi vì vậy cũng không dễ dàng. Lâu nay, đối với bệnh nhân bị cắt lưỡi thường dùng phương pháp vạt da cơ và vạt tự do để tạo hình. Tuy nhiên, hiệu quả không như mong muốn. Vì vậy, nghiên cứu phương pháp sử dụng vạt da cơ dưới móng để tái tạo lại những u vùng đầu cổ bị cắt mang lại hiệu quả cao hơn và thẩm mỹ hơn”- bác sĩ Thủy cho biết.
Để trả lại chức năng cho lưỡi, các bác sĩ đã vạt lấy cơ dưới móng, sau đó tạo hình lưỡi bị cắt. Trong 7 bệnh nhân điều trị ung thư lưỡi và được tái tạo lưỡi đều được xạ trị và tái khám định kỳ, kết quả cho thấy không có trường hợp nào gây hoại tử vạt và tái phát sau mổ. Chức năng nói và nuốt sau tạo hình lưỡi không bị ảnh hưởng nhiều.
Theo bác sĩ Thủy, với cách làm này có thể ứng dụng trong nhiều trường hợp ung thư đầu cổ do phương pháp vạt này có ưu điểm là dễ làm, khả năng lành cao, giữ được chức năng của lưỡi và có tính thẩm mỹ.
Nguồn: tienphong.vn