Khi nhắc tới bồ công anh, chắc hẳn trong số chúng ta ai cũng sẽ liên tưởng ngay đến hình ảnh của đóa hoa mỏng manh, xinh đẹp nhưng ít ai biết rằng bồ công anh còn là loài thảo mộc góp mặt trong rất nhiều bài thuốc chữa bệnh cho con người.
01/07/2022 | Gợi ý thực đơn cho người cao huyết áp từ chuyên gia dinh dưỡng 14/06/2022 | Chuyên gia dinh dưỡng giải đáp: Tiểu đường uống nước cam được không? 16/05/2022 | Dinh dưỡng cho người tiểu đường hỗ trợ kiểm soát bệnh tốt
1. Tìm hiểu về loài cây bồ công anh
Ngoài cái tên bồ công anh đã quá quen thuộc thì trong dân gian người ta còn gọi loài cây này là rau bồ cóc, cây diếp hoang, rau lưỡi cày hay rau mũi mác. Bồ công anh thuộc họ cúc Asteraceae và tên khoa học là Lactuca Indica.
Thân cây bồ công anh khá nhỏ, chiều cao từ 1 - 3m mọc theo hướng thẳng đứng, bề mặt thân nhẵn, có rất ít cành hoặc không có cành. Lá cây được cấu tạo bởi nhiều hình dáng khác nhau, cả lá và thân cây đều chứa nhựa màu trắng sữa, có vị đắng. Hoa bồ công anh đặc trưng bởi màu tím hoặc màu vàng, trong đó hoa vàng còn được gọi là hoàng hoa địa đinh, còn hoa tím là tử hoa địa đinh và cả 2 loại này đều có giá trị chữa bệnh trong Y học cổ truyền.
Hoa bồ công anh vàng
Bồ công anh được gieo trồng từ hạt, nên bắt đầu vụ trồng vào khoảng tháng 3, tháng 4 hoặc thời điểm tháng 9, tháng 10 hàng năm. Sau 4 tháng là bồ công anh có thể thu hoạch được. Cả lá, thân và hoa đều được dùng để chữa bệnh, tùy theo mục đích sử dụng mà người dân có thể dùng tươi hoặc phơi, sấy khô, chia nhỏ để sử dụng dần mà không cần thông qua công đoạn chế biến đặc biệt nào.
2. Bồ công anh và giá trị thực tiễn đem lại cho sức khỏe con người
Trong hoa và lá của bồ công anh có chứa các khoáng chất và vitamin như sắt, canxi, vitamin A, C,... nên được tận dụng làm nguyên liệu trong các bài thuốc chữa bệnh. Cụ thể bồ công anh có ích lợi như sau:
-
Hỗ trợ kiểm soát lượng đường trong máu: dược chất trong bồ công anh giúp kích thích tuyến tụy tiết insulin, có tác dụng điều hòa lượng đường trong máu;
-
Chữa các bệnh về da: nếu bạn mắc các bệnh ngoài da do nhiễm nấm, nhiễm khuẩn thì có thể dùng thân và lá bồ công anh để điều trị. Trong 2 bộ phận này chứa chất nhựa vị đắng, tính kiềm cao giúp sát khuẩn, tiêu diệt nấm và côn trùng,... nên rất hữu ích để chữa các bệnh như eczema, ghẻ, ngứa do nấm,...;
-
Tốt cho xương: hàm lượng canxi trong trong bồ công anh rất quan trọng cho sự phát triển của xương, ngoài ra nó còn là loài thực vật cung cấp các chất chống oxy hóa như vitamin C, luteolin chống lại các gốc tự do gây hại cho xương;
-
Phòng ngừa nguy cơ ung thư: bồ công anh tiết ra một số chất có tác dụng ngăn ngừa sự tăng sinh bất thường của các tế bào trong cơ thể - nguyên nhân hình thành các khối u ác tính ở người, nhất là ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt. Bên cạnh đó cây bồ công anh còn hỗ trợ giảm thiểu tác dụng phụ do hóa trị liệu gây ra, bảo vệ các tế bào khỏe mạnh trước tác động của hóa chất;
-
Cải thiện sức khỏe hệ tiêu hóa: chất nhầy và hoạt chất inulin do bồ công anh tiết ra sẽ kích thích cảm giác thèm ăn, xoa dịu đường tiêu hóa. Bên cạnh đó, chất chống oxy hóa trong bồ công anh còn giúp thanh lọc những hóa chất công nghiệp có hại trong thực phẩm, thúc đẩy sự phát triển của lợi khuẩn, nhờ đó đường ruột sẽ trở nên khỏe mạnh hơn;
-
Tốt cho gan: bồ công anh được dùng để đào thải độc tố, cân bằng điện giải và tái lập hydrat thúc đẩy chức năng hoạt động của gan và giảm gánh nặng cho gan;
-
Khắc phục các vấn đề về đường tiết niệu: một công dụng khác của bồ công anh đó chính là lợi tiểu.
Bồ công anh tím còn được gọi là tử hoa địa đinh
Tuy nhiên, bên cạnh những công dụng “vàng” đối với sức khỏe, loài cây này cũng có thể gây nên các tác dụng không mong muốn như buồn nôn và nôn, viêm da tiếp xúc, sỏi mật, viêm túi mật,...
3. Mách nhỏ một số bài thuốc trị bệnh từ bồ công anh
Trong dân gian lưu truyền rất nhiều bài thuốc với nguyên liệu làm từ những loại thảo mộc quen thuộc, bồ công anh cũng không ngoại lệ. Bạn sẽ bất ngờ vì chỉ từ một đóa hoa, khóm cây nhỏ bé có thể giúp chúng ta giải quyết được rất nhiều vấn đề về sức khỏe:
-
Bài thuốc trị đau dạ dày: dùng 20g lá bồ công anh, 10g khổ sâm, 15g lá tía tô đều ở dạng khô đem đun sôi với 1 lít nước, cho đến khi nước cạn còn tầm 400ml thì bỏ lá, lọc lấy nước uống trong ngày. Duy trì trong 10 ngày liên tục, tiếp theo nghỉ 3 ngày và tiếp tục liệu trình như vậy cho tới khi khỏi bệnh;
-
Bài thuốc trị tắc tia sữa, sưng vú: đun khoảng 20g lá bồ công anh với nước uống hàng ngày, hoặc thay vì lá khô thì dùng lá tươi từ 30 - 40g giã nát với một chút muối gạn lấy nước cốt uống, hấp bã và đắp lên vùng vú bị sưng. Áp dụng bài thuốc này từ 2 - 3 lần là đã thấy hiệu quả rõ rệt;
-
Bài thuốc trị mụn nhọt và ăn uống kém: 600ml nước sắc cùng 10 - 15g lá bồ công anh khô, đun cho tới khi còn khoảng 200ml nước thì tắt bếp, để nguội, uống hết trong ngày. Kiên trì uống trong vòng 3 - 5 ngày hoặc lâu hơn để đẩy lùi bệnh;
-
Bài thuốc giúp kiểm soát đường huyết, trị polyp túi mật và viêm túi mật: hãm khoảng 30 - 35g lá bồ anh khô với nước và uống mỗi ngày.
Tất cả những bài thuốc trên đều chỉ mang tính chất tham khảo. Nếu bạn muốn sử dụng thì tốt nhất vẫn nên tham vấn thêm ý kiến của các bác sĩ Đông y.
4. Đừng quên các lưu ý quan trọng khi dùng bồ công anh trị bệnh
Một số vấn đề bạn cần chú ý trước khi sử dụng bồ công anh:
-
Không dùng bồ công anh cho những đối tượng sau: trẻ em, phụ nữ có thai, người bị tắc ruột, tắc nghẽn ống mật, mắc hội chứng ruột kích thích, bệnh nhân mẫn cảm với các thành phần trong bồ công anh;
-
Trong thời gian dùng bồ công anh, cần theo dõi các phản ứng của cơ thể như mẫn cảm, dị ứng, viêm da tiếp xúc,... Ngừng sử dụng nếu các biểu hiện này xảy ra và nếu không đỡ thì nên đến các cơ sở y tế để thăm khám và khắc phục;
-
Bồ công anh ở dạng khô cần được bảo quản ở nơi thoáng khí, tránh ẩm, khô ráo, tránh ánh nắng chiếu trực tiếp để không làm mất đi giá trị dinh dưỡng của thảo dược.
Tuy mong manh là thế nhưng bồ công anh chứa đựng vô vàn dưỡng chất rất tốt cho cơ thể con người
Hy vọng rằng những kiến thức trên đây đã giúp bạn hiểu rõ hơn về loài cây bồ công anh và các ưu điểm của nó. Trong trường hợp muốn sử dụng bồ công anh để trị bệnh, trước hết bạn nên đi khám để biết được tình trạng bệnh mình đang mắc phải là gì, hướng khắc phục ra sao, hỏi ý kiến bác sĩ có nên dùng bồ công anh như một loại thuốc điều trị bổ trợ không để tránh trường hợp gặp phải tác dụng phụ ảnh hưởng tới sức khỏe.