Một trong những tác dụng phụ thường gặp nhất của thuốc an thần đó là gây buồn ngủ trái khoáy vào ngày hôm sau. Vậy có cách nào để khắc phục tình trạng này?
Buồn ngủ - hệ lụy của lưu tồn thuốc
Thuốc an thần gây ngủ là một nhóm các thuốc có tác dụng an dịu thần kinh, gây ngủ và tạo ra giấc ngủ gần giống với giấc ngủ tự nhiên. Sử dụng các thuốc này, bác sĩ muốn tạo sự hồi phục cho thần kinh và các cơ quan khác. Có rất nhiều thuốc có tác dụng an thần gây ngủ. Chúng thuộc các nhóm khác nhau như dẫn xuất của barbiturat, thuốc nhóm monoureid, cloralhydrat, pireridindon, một số thuốc là dẫn xuất của benzodiazepin, rượu, bromid.
Tuy nhiên, do độc tính và tác dụng khác nhau, hiện nay chỉ còn một số thuốc được sử dụng, chủ yếu thuộc nhóm benzodiazepin. Chúng bao gồm các thuốc: diazepam, bromazepam (dẫn xuất benzodiazepin), levomepromazin, chlorpromazin (dẫn xuất phenothiazin), phenobarbital (dẫn xuất của barbiturat).
Tác dụng của thuốc an thần là tạo ra giấc ngủ cho người dùng, chống lại sự mất ngủ. Nhưng một trong các tác dụng phụ khó tránh của thuốc ngủ đó là gây buồn ngủ vào sáng ngày hôm sau.
Cơ chế gây ra cơn buồn ngủ gà gật vào sáng hôm sau là do tồn dư tự nhiên của thuốc. Khi thuốc an thần vào cơ thể, chúng nhanh chóng được hấp thu qua đường tiêu hóa rồi nhanh chóng vào máu. Chỉ mất chừng 30 phút đến 2 giờ sau khi uống, thuốc có thể đạt được nồng độ tối đa. Tức là nếu bạn uống thuốc lúc 10 giờ tối thì đến 12 giờ đêm, thuốc sẽ đạt nồng độ cao nhất. Thuốc nhanh chóng thấm qua hàng rào máu não và tạo ra sự ức chế thần kinh gây buồn ngủ cần thiết ngay sau chừng 15-20 phút và tạo ra hiệu ứng tối đa xoay quanh thời điểm giữa đêm này. Nhưng phiền một điều, các thuốc này thấm rất tốt vào mô mỡ nên thời gian bán thải của thuốc rất dài, chừng 15-20 giờ sau khi uống. Tức là nếu bạn uống lúc 10 giờ tối hôm trước thì tận 6 giờ tối ngày hôm sau thuốc mới thải được một nửa. Mức độ tồn dư thuốc trong cơ thể là rất lớn. Và đây chính là nguyên nhân gây ra tác dụng ngủ kéo dài khi đêm đã đi qua.
Cơn buồn ngủ này rất trái khoáy, nó làm cho bạn buồn ngủ vào giữa lúc giờ làm việc. Mới sáng dậy, bạn đã hết mỏi mệt nhưng đầu bạn lúc nào cũng mê muội và mắt thì cứ muốn nhắm lại. Điều này rất không tốt với người làm các công việc lao động khoa học, nghệ thuật, kỹ thuật. Vì nó làm giảm độ chính xác kỹ thuật, giảm khả năng tư duy lôgic khoa học và giảm sức sáng tạo trong ngành nghệ thuật. Thậm chí, trong một số tình huống nguy hiểm, tác dụng phụ có thể gây ra tai nạn như người tài xế lái xe đường dài hoặc người điều khiển các công trình trên cao...
Khắc phục thế nào?
Để giảm tác dụng phụ, bạn nên chọn các thuốc có tác dụng nhẹ đến trung bình. Các thuốc này có tác dụng gây ngủ không lớn nên hạn chế tác dụng phụ trên trung tâm hô hấp và tuần hoàn. Chúng lại có một ưu điểm là tan nhiều trong nước nên sự phân bố vào mô mỡ ít hơn và do đó mức độ tồn dư được giảm xuống. Các thuốc an thần Đông y như cốm an thần, tâm sen an thần, rotudin là những thuốc được ưu tiên lựa chọn đầu tiên.
Để giảm tác dụng phụ, một điều khuyến cáo nên áp dụng ngay đó là bạn nên uống thuốc liều thấp nhất. Với người chưa bao giờ uống thuốc ngủ hoặc ít khi uống, chỉ cần nửa viên seduxen là đã có thể đi vào giấc ngon lành. Với nồng độ thuốc thấp thì mức độ tồn dư sẽ hạn chế rất nhiều. Thêm vào đó, để hạ được nồng độ thuốc ngủ, khuyên bạn ngày khó ngủ, không nên dùng thêm chất kích thích vì chúng sẽ buộc bạn phải dùng thuốc ngủ với liều cao hơn.
Ngay sáng hôm sau, bạn nên uống ngay một cốc trà đá chừng 100-150ml. Lượng trà này đủ hàm lượng caphein cho bạn tỉnh táo đồng thời chất lợi tiểu trong trà sẽ giúp cơ thể bạn đào thải nhanh các thuốc an thần ra ngoài. Nếu bạn không quen uống trà đá thì có thể uống trà nóng nhưng phải 2-3 chén trà trở nên, ước chừng mỗi chén khoảng 10-15ml. Trong trường hợp bạn không uống được trà thì bạn có thể chọn cà phê. Một tách cà phê là đủ cho bạn tỉnh táo cả buổi sáng hôm sau khi dùng thuốc. Lưu ý, bạn cần uống các thức uống này trước 8 giờ sáng thì các chất hoạt hóa sẽ ngấm vào máu trước thời gian làm việc và bạn sẽ đạt được độ tỉnh táo tối đa. Không dùng chất kích thích vào tối ngày hôm trước nhưng sáng hôm sau thì bạn bắt buộc phải dùng. Nhớ uống sau ăn sáng.
Bạn cũng nên dùng đồ uống có chất lợi tiểu trong suốt ngày hôm đó. Mục đích chính là giúp cơ thể thải nhanh thuốc ngủ ra ngoài nhằm tránh tồn dư thuốc kéo dài. Không dùng các viên lợi tiểu tổng hợp vì thuốc ngủ tồn tại trong mỡ chứ không phải trong máu. Việc tác dụng lợi tiểu quá nhanh và mạnh chỉ làm rối loạn điện giải mà ít có tác dụng giảm thuốc an thần. Bạn nên dùng các dung dịch lợi tiểu Đông y như nước trà loãng, nước râu ngô, nước kim tiền thảo. Bạn có thể dùng tối đa 1.000ml nước này trong ngày.
Cách chế biến: sáng dậy, bạn có thể lấy một nắm râu ngô, thả vào ấm hãm. Khi chuẩn bị đi làm, bạn chỉ cần rót ra hai chai chia đều uống trong ngày rất có lợi cho việc đẩy nhanh thải trừ thuốc.
Không uống rượu vào ngày hôm sau, dù chỉ chút ít và dù đó là buổi sáng, bữa cơm trưa hay cơm tối. Vì rằng rượu làm tăng tác dụng hiệp đồng gây ngủ với các thuốc ngủ và rất khó làm bạn thức tỉnh.
Khi uống chung với một số thuốc điều trị khác thì bạn cần giảm liều so với liều thông thường. Vì các thuốc này làm chậm thải trừ thuốc ngủ càng làm tăng độ gà gật ngày hôm sau. Chúng bao gồm một số thuốc thường gặp như thuốc trị bệnh
tuyến giáp, thuốc trị đái tháo đường, thuốc trị bệnh viêm loét dạ dày, thuốc kháng sinh và thuốc tránh thai.
Nguồn: suckhoedoisong.vn