Sự khác biệt về tâm - sinh lý của hai giới có dẫn đến những khác biệt của thuốc liên quan đến giới tính hay không?
Cơ thể nam giới và nữ giới có những khác biệt về tâm - sinh lý. Một vấn đề được đặt ra: sự khác biệt về tâm - sinh lý của hai giới có dẫn đến những khác biệt của thuốc liên quan đến giới tính hay không?
Trước khi đưa ra thị trường, thuốc phải trải qua giai đoạn thử nghiệm lâm sàng nhằm đánh giá lại tác động của thuốc trên người và thường tiến hành chung cho hai giới. Tuy nhiên, trong thực tiễn, sự khác biệt về tâm - sinh lý giữa nam giới và nữ giới đã dẫn đến những khác biệt trong việc sử dụng thuốc.
Những khác biệt tâm - sinh lý giữa nam giới và nữ giới
Những khác biệt tâm lý:
Về mặt tâm lý, nữ giới thường quan tâm đến sức khỏe nhiều hơn nam giới. Khi cơ thể không được bình thường, nữ giới thường đến các cơ sở y tế để khám chữa bệnh và tuân theo các chỉ định điều trị của thầy thuốc. Ngược lại, ở nam giới ít quan tâm đến sức khỏe của mình, ít tự giác đi khám bệnh và thường không tuân thủ đầy đủ các chỉ định của thầy thuốc.
Chính vì những lý do trên, mà số lượng thuốc sử dụng ở nữ giới bao giờ cũng cao gấp nhiều lần ở nam giới!
Những khác biệt sinh lý:
Ở nam giới khối lượng cơ bắp chiếm nhiều hơn so với nữ giới. Và ngược lại, ở nữ giới khối lượng mỡ chiếm nhiều hơn.
Cấu trúc xương của nữ giới nhỏ và yếu hơn.
Tim và phổi của nam giới thường to hơn.
Nhu động ruột và tốc độ lọc cầu thận ở nữ giới kém hơn.
Sự tác động của các hoóc-môn sinh dục ở hai giới là khác nhau...
Ngoài ra, cơ thể nữ giới trong giai đoạn mang thai hay cho con bú có những thay đổi rất nhiều so với bình thường.
Một số tác động khác biệt của thuốc trên giới tính
Thuốc an thần benzodiazepine:
Ở nữ giới, do có một số enzyme ở gan giúp chuyển hóa nhanh các thuốc an thần benzodiazepine (diazepam, oxazepam, nitrazepam…), nên nữ giới đáp ứng với các thuốc này tốt hơn nam giới.
Thuốc chống trầm cảm:
Ở nữ giới, các tế bào não chứa nhiều các thụ thể gắn kết với serotonin hơn nam giới, nên nữ giới đáp ứng tốt hơn nam giới với các thuốc chống trầm cảm ức chế chọn lọc sự tái hấp thu serotonin (SSRI) như: fluoxetin, paroxetin, citalopram…
Thuốc chống loạn thần:
Cơ thể nữ giới có khối lượng mỡ nhiều hơn nam giới nên đáp ứng tốt hơn với các thuốc chống loạn thần như haloperidol, olanzapin, clozapin...
Digoxin:
Digoxin là một glycozit tim thường được sử dụng trong điều trị suy tim. Digoxin đào thải chủ yếu qua thận. Ở nữ giới tốc độ lọc ở cầu thận chậm, nên digoxin khi sử dụng cho nữ giới đảo thải chậm hơn so với nam giới.
Ngoài ra, một số loại thuốc như: thuốc aspirin, thuốc chẹn beta, thuốc giảm đau opioid cũng đều đáp ứng tốt hơn khi sử dụng cho nữ giới.
Vì vậy, khi sử dụng các thuốc này cho nữ giới, cần chú ý điều chỉnh liều cho phù hợp, tránh các tác hại gây ra do quá liều!
Với phụ nữ có thai hay cho con bú, một số loại thuốc có thể vượt qua hàng rào nhau thai hoặc xâm nhập vào trong sữa mẹ gây ra những tác hại cho thai phụ hay thai nhi nên không được sử dụng (chống chỉ định) như: với thuốc kháng sinh tetracyclin gây vàng răng, nhóm quinolon gây thoái hóa khớp, thuốc chống co giật (phenobarbital, phenytoin...) gây dị tật sứt môi hở hàm ếch…
Sự khác biệt về sinh lý còn đưa đến một số bệnh lý có khuynh hướng tăng cao gấp nhiều lần ở nữ giới như các bệnh viêm khớp, bệnh đau nửa đầu… và ngược lại, một số bệnh lý tăng cao ở nam giới như bệnh parkinson, bệnh gút… Các thuốc điều trị các bệnh này cũng tương ứng tăng cao theo mỗi giới.
Nguồn: suckhoedoisong.vn