Chăm sóc trẻ mắc COVID-19 tại nhà luôn là vấn đề được các bậc cha mẹ quan tâm bởi thực tế hiện nay số ca mắc bệnh ở trẻ nhỏ đang có chiều hướng ngày càng gia tăng. Trong phạm vi bài viết dưới đây, chúng tôi xin chia sẻ những thông tin cơ bản về chủ đề này, hy vọng sẽ trở thành nguồn tham khảo hữu ích đối với các bậc cha mẹ.
19/02/2022 | Tiếp cận chẩn đoán - chăm sóc bệnh nhân hô hấp Hội chứng hậu COVID-19 07/01/2022 | Giải đáp thắc mắc: Triệu chứng Covid-19 chủng mới như thế nào?
1. Nhận diện dấu hiệu mắc COVID-19 ở trẻ
1. Làm sao biết trẻ mắc COVID-19?
Các dấu hiệu COVID-19 cha mẹ cần ghi nhớ
Trẻ mắc COVID-19 thường hay gặp dấu hiệu ho, sốt; ít khi bị nôn, đau họng, sổ mũi, ăn kém, đau đầu. Có những trẻ bị COVID-19 nhưng không hề có bất kỳ biểu hiện gì. Nếu trẻ không hề có triệu chứng hay các triệu chứng tương đối nhẹ, trẻ tỉnh táo và vẫn sinh hoạt bình thường, ăn uống bình thường, không có bệnh lý bẩm sinh hay bệnh lý nền, đo SpO2 ≥ 96% thì cha mẹ có thể theo dõi và điều trị COVID cho trẻ tại nhà.
2. Chăm sóc trẻ mắc COVID-19 tại nhà cần làm những gì
2.1. Chăm sóc khi trẻ sốt
Khi chăm sóc trẻ mắc COVID-19 tại nhà, các việc cần làm hàng ngày mà cha mẹ cần ghi nhớ là:
- Đo SpO2 và kẹp nhiệt độ cho trẻ mỗi ngày 02 lần hoặc khi nghi ngờ trẻ bị khó thở, bị sốt. Trường hợp không có máy SpO2 thì cha mẹ cần đếm nhịp thở cho trẻ.
- Cùng trẻ thực hiện những bài tập thể dục nhẹ nhàng.
Trường hợp trẻ bị sốt trên 38.5 độ C, trước tiên cha mẹ cần thông báo với nhân viên y tế sau đó cho trẻ dùng Paracetamol hạ sốt liều 10 - 15mg/kg/lần, khoảng cách giữa mỗi lần dùng thuốc hạ sốt là 4 - 6 giờ, không vượt quá tổng liều là 60mg/kg/ngày.
Trẻ bị sốt từ 38.5 độ C trở lên cần được uống thuốc hạ sốt với liều lượng phù hợp
Bên cạnh đó, cha mẹ cũng cần theo dõi thân nhiệt của trẻ 2- 4 giờ/lần cho tới khi trẻ hết sốt, trở về thân nhiệt bình thường. Ngoài ra, trẻ cần được bổ sung điện giải, nước để đảm bảo cân bằng điện giải và nước. Khi trẻ bị sốt, cha mẹ nên nới bớt quần áo cho thoáng, mặc quần áo mỏng và kết hợp chườm ấm để hạ sốt hiệu quả hơn.
2.2. Chăm sóc khi trẻ ho
Khi trẻ bị ho thì người chăm sóc trẻ mắc COVID-19 tại nhà cần:
- Cho trẻ vệ sinh mũi họng mỗi ngày 3 lần bằng nước muối sinh lý.
- Luôn giữ ấm vùng mặt, cổ cho trẻ.
- Dùng thuốc ho dưới sự tham vấn ý kiến của bác sĩ.
2.3. Chăm sóc khi trẻ bị tiêu chảy
Nếu phát hiện trẻ bị tiêu chảy mẹ cần tiếp tục cho con bú đồng thời bổ sung nước cho trẻ, nhất là Oresol. Thời gian này trẻ cũng cần được bổ sung kẽm và chất dinh dưỡng một cách đầy đủ để tăng cường sức đề kháng chống lại virus.
2.4. Chăm sóc tâm lý cho trẻ
Khi chăm sóc trẻ mắc COVID-19 tại nhà, rất nhiều bậc cha mẹ quên mất việc chăm sóc tâm lý cho con. Việc làm này tuy nhỏ nhưng lại hết sức cần thiết. Cha mẹ hãy động viên, trấn an, tâm sự để con yên tâm về dịch bệnh. Nếu trẻ có bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến bệnh COVID thì cha mẹ nên giải đáp cặn kẽ cho trẻ đồng thời chia sẻ cho trẻ biết những thông tin thực tế về tình hình dịch để trẻ thoải mái hơn.
Trong quá trình tâm sự, nói chuyện về dịch bệnh với trẻ, cha mẹ cần tránh đề cập đến những sự kiện, tin tức dễ khiến trẻ sợ hãi, hoang mang. Các thói quen thường ngày của trẻ cần được duy trì. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng nên lập cho trẻ một thời khóa biểu cụ thể về các hoạt động học tập, nghỉ ngơi, giải trí trong thời gian nhiễm bệnh.
2.5. Hướng dẫn cách thở cho trẻ
Hướng dẫn trẻ thở đúng cách khi bị nhiễm COVID-19 là một điều rất cần thiết. Cha mẹ nên thực hiện một số động tác tập thở nhẹ nhàng, dễ thực hiện để trẻ làm theo, nhờ đó mà tăng thông khí vào phổi. Điển hình có thể kể đến:
Khi chăm sóc trẻ mắc COVID-19 tại nhà cha mẹ nên chú ý tập thở và tạo tâm lý thoải mái cho con
- Bài tập thở chúm môi: từ từ hít vào thật sâu bằng mũi sau đó chúm môi lại và từ từ thở ra cho tới hết khả năng của mình.
- Bài tập thở bụng: đặt một tay lên trên ngực, tay còn lại đặt lên bụng để cảm nhận sự di động của hơi thở. Tiếp sau đó hãy dùng mũi để hít vào rồi dùng miệng thở ra từ từ, môi chúm lại như khi thổi sáo cho đến khi bụng xẹp xuống là được.
2.6. Ghi nhớ những dấu hiệu cần cấp cứu ngay
Chăm sóc trẻ mắc COVID-19 tại nhà cha mẹ tuyệt đối không được bỏ qua những dấu hiệu cần đưa trẻ đến cơ sở y tế cấp cứu ngay gồm:
- Thở nhanh: đếm nhịp thở của trẻ khi trẻ không khóc. Trẻ được xem là thở nhanh khi đếm nhịp thở có dấu hiệu:
+ Trẻ ở độ tuổi 1 - 5: ≥ 40 lần/phút.
+ Trẻ ở độ tuổi 6 - 12: ≥ 30 lần/phút.
+ Trẻ độ tuổi trên 12: ≥ 20 lần/phút.
- Lồng ngực bị rút lõm.
- Cánh mũi thở phập phồng.
- Trẻ quấy khóc, bỏ ăn, sốt li bì, bỏ bú, lờ đờ.
- Có hiện tượng tím tái ở đầu chân tay, môi.
- Chỉ số SpO2 < 95%.
Nếu trẻ được chăm sóc đúng cách tại nhà thì hầu hết các trường hợp nhiễm COVID-19 đều tự hồi phục được sau khoảng 1 - 2 tuần. Một số trường hợp diễn tiến bệnh trở nặng cần được phát hiện và can thiệp y tế kịp thời để tránh biến chứng nguy hiểm. Do đó khi có cảm giác bất ổn ở trẻ hay có các dấu hiệu trên thì tốt nhất cha mẹ nên liên hệ ngay với cán bộ y tế.
Trong quá trình chăm sóc trẻ, cha mẹ cần bình tĩnh, không vì lo lắng hay căng thẳng mà lạm dụng thuốc cho trẻ khiến tình trạng bệnh trở nên phức tạp hơn. Bản thân cha mẹ cũng cần thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa, chăm sóc sức khỏe của mình để có được sức khỏe chăm sóc cho trẻ.
Những trẻ có bệnh lý nền như: hen, phổi mạn tính, sinh non, ghép tạng, tim mạch, huyết học, thần kinh, suy giảm hệ miễn dịch, mắc bệnh hệ thống,... thì cha mẹ cần theo dõi sát sao hơn để kịp đưa trẻ đến bác sĩ chuyên khoa khi cần thiết.
Hiện nay có một thực tế là trong 2 - 6 tuần sau khi khỏi COVID-19, có khoảng 1 - 5% trẻ xuất hiện triệu chứng viêm đa hệ thống. Đây là di chứng hậu COVID hay xảy ra ở trẻ không có triệu chứng hay triệu chứng nhẹ khi nhiễm bệnh. Những trẻ này thường sẽ có biểu hiện: mắt đỏ, sốt cao, sưng phù ngón tay chân, da nổi hồng ban,... Khi thấy con có hiện tượng ấy, cha mẹ cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để các bác sĩ kịp thời chẩn đoán và điều trị.