Cấy chỉ hay còn gọi là nhu châm là phương pháp phục hồi chức năng trong y học cổ truyền (YHCT) đã được áp dụng và điều trị có hiệu quả đối với một số bệnh mạn tính không lây như hen phế quản (HPQ), đau thần kinh tọa…
Nhu châm được cho là phương pháp châm cứu kết hợp giữa y học hiện đại và cổ truyền (nguồn internet)
Nhu châm là hình thức cấy chỉ tự tiêu Catgut (chỉ dùng trong phẫu thuật) dưới da có tác dụng kích thích huyệt đạo liên tục trong khoảng ba tuần giúp điều hòa âm dương, điều chỉnh chức năng của lục phủ ngũ tạng, lưu thông khí huyết, giảm đau… Phương pháp này được áp dụng để điều trị nhiều căn bệnh khác nhau ở Trung Quốc, Ấn Độ, một số nước châu Âu và nhiều bệnh viện YHCT tại Việt Nam. Theo BS Trần Hữu Vinh, Trưởng phòng quản lý y dược học cổ truyền, Sở Y tế TP.HCM, nhu châm là phương pháp YHCT nhưng tuân thủ theo những quy chế chống nhiễm khuẩn của y học hiện đại, do bác sĩ YHCT thực hiện. Với nhu châm, cả thầy thuốc và bệnh nhân đều tiết kiệm được nhiều thời gian và công sức; giảm chi phí điều trị.
Khi điều trị, người bệnh được đưa vào phòng vô khuẩn, bác sĩ YHCT sẽ sát khuẩn và dùng kim tiêm thuốc, kim châm cứu để đưa chỉ vào huyệt đạo. Sau lần đầu thực hiện thì 7-20 ngày người bệnh mới cần thực hiện nhu châm lại.
Đau thần kinh tọa
BS Nguyễn Thị Lệ Thủy, Phó Giám đốc Bệnh viện YHCT tỉnh Tiền Giang, cho biết: hơn một năm qua, bệnh viện đã dùng phương pháp nhu châm điều trị giảm đau hiệu quả cho nhiều bệnh nhân đau thần kinh tọa cấp và mạn tính. Sau một liệu trình điều trị sáu lần, mỗi lần châm cách nhau bảy ngày, có đến hơn 50% bệnh nhân chuyển từ trạng thái đau nặng khi vận động sang trạng thái đau rất ít; hơn 20% bệnh nhân hết đau hẳn. Chi phí một liệu trình điều trị bằng nhu châm chưa đến 500.000đ/người.
Đau thần kinh tọa là bệnh phổ biến do nhiều nguyên nhân gây nên, nhưng chủ yếu là do tổn thương cột sống thắt lưng như: thoái hóa cột sống thắt lưng, thoát vị đĩa đệm (chiếm 60-90%). Bệnh thường gặp ở những người lao động nặng hoặc ngồi nhiều; lứa tuổi 30-60, nam mắc bệnh nhiều gấp ba lần nữ.
Theo YHCT, đau thần kinh tọa thể cấp (cấp tính) thường có triệu chứng: đau cột sống thắt lưng lan xuống chân dọc theo dây thần kinh tọa; đau dữ dội, đau tăng khi ho, khi hắt hơi, khi cúi gập cổ đột ngột; đau tăng về đêm, giảm khi nằm yên trên giường cứng hay chườm nóng; rêu lưỡi trắng, mạch phù hoặc lưỡi có điểm ứ huyết; bệnh nhân có cảm giác kiến bò, tê cóng hay như kim châm theo đường đi của rễ thần kinh. Nếu là thể mạn (mạn tính - phổ biến hơn) bệnh sẽ kéo dài, đau âm ỉ với những đợt đau tăng, ăn ngủ kém, mệt mỏi, người bệnh cảm thấy dễ chịu khi chườm nóng, nằm nghỉ.
Nhu châm có thể áp dụng điều trị cho tất cả bệnh nhân đau thần kinh tọa, trừ những trường hợp có chỉ định điều trị ngoại khoa (phẫu thuật) hoặc đau do các nguyên nhân: lao, ung thư cột sống, bướu, chèn ép tại tiểu khung.
Hen phế quản
Khó thở, thở nhanh, nặng ngực, ho, khò khè, chịu lạnh kém là những triệu chứng thường gặp của bệnh nhân HPQ. Không chỉ thế, người bị HPQ còn thường xuyên phải đi cấp cứu mỗi khi bệnh trở nặng, gây nhiều trở ngại cho việc học hành và lao động. Đây là căn bệnh mạn tính mà người bệnh phải dùng thuốc tây kéo dài.
BS Nguyễn Thị Thu Nguyệt, Phó giám đốc Bệnh viện YHCT Bến Tre, cho biết: từ năm 2010, bệnh viện đã thực hiện điều trị HPQ bằng phương pháp nhu châm cho bệnh nhân từ 8-84 tuổi. Trước đó, tất cả các bệnh nhân đều đã được điều trị bằng thuốc tây với liều tăng dần, nhưng vẫn lên cơn hen mỗi ngày (22,85%); từ hai đến trên hai đợt hen mỗi tuần (69%). Sau khoảng ba đợt điều trị bằng nhu châm (sáu lần chôn chỉ) có đến trên 51% bệnh nhân không còn lên cơn hen, đồng thời cũng không cần phải sử dụng thuốc tây nữa.
Theo BS Nguyễn Thị Thu Nguyệt, trừ khi đang lên cơn hen cấp, bất kỳ lúc nào người bệnh cũng có thể điều trị bằng nhu châm. Thời gian đầu, những bệnh nhân đang dùng thuốc tây mỗi ngày vẫn được chỉ định dùng song song, sau đó giảm liều dần và ngưng hẳn.
Khi kim xuyên qua da sẽ tạo cảm giác đau, vì vậy trong điều trị bằng nhu châm, sự hợp tác của người bệnh đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với kết quả cũng như tránh được những tai biến trong quá trình thực hiện. Người bệnh phải luôn bình tĩnh, thở đều và sâu để tránh co thắt cơ trong khi châm; không được ăn quá no nhưng cũng không quá đói.
Nguồn: phunuonline.com.vn