Sáng ngày 05/11/2015, Bộ Y tế tổ đã chức Hội nghị đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý khám chữa bệnh (KCB) và thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT).
Trong nhiều năm qua, ngành y tế đã chú trọng đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong y tế trên nhiều lĩnh vực như: khám chữa bệnh, y tế dự phòng, y học hiện đại và y tế dư phòng. Thống kê của Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) cho thấy, đến nay, 100% bệnh viện tuyến Trung ương, 68% bệnh viện tuyến tỉnh và 61% bệnh viện tuyến huyện đã triển khai phần mềm quản lý khám chữa bệnh. 95% các bệnh viện hạng đặc biệt, bệnh viện hạng I thành lập phòng công nghệ thông tin và có cán bộ chuyên trách. Bên cạnh đó, nhiều bệnh viện tuyến Trung ương đã đưa vào sử dụng và kết nối đồng bộ giữa hệ thống quản lý bệnh viện, hệ thống lưu trữ và truyển tải hình ảnh y học, hệ thống quản lý xét nghiệm.
Theo báo cáo của Vụ BHYT (Bộ Y tế), trong nhiều năm qua, ngành y tế đã chú trọng đẩy mạng ứng dụng CNTT trong y tế về cả lĩnh vực KCB và y tế dự phòng, cả về y học hiện đại và y học cổ truyền, trong đó có tập trung nguồn lực, phối hợp với BHXH Việt Nam, một số doanh nghiệp CNTT triển khai hệ thống quản lý KCB BHYT.
Tuy nhiên, việc ứng dụng CNTT trong KCB và thanh toán BHYT cũng còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, nhiều cơ sở KCB trên toàn quốc chưa sử dụng các công cụ CNTT hoặc sử dụng nhiều hệ thống do các đối tác khác nhau cung cấp trên các nền tảng khác nhau; Chưa có hệ thống hạ tầng kết nối mạng lưới y tế và trung tâm tích hợp dữ liệu lưu trữ và liên thông cơ sở dữ liệu bệnh nhân, bệnh án điện tử giữa các cơ sở KCB trong toàn quốc; Ứng dụng CNTT nhiều nơi vẫn tự phát, manh mún, chưa có tính hệ thống, tính đồng bộ và thiếu sự quan tâm đến các tiêu chuẩn nên chưa thể kết nối, chia sẻ dữ liệu, trao đổi thông tin được với nhau…
Các danh mục dùng chung trong ngành y tế như danh mục mã bệnh, danh mục thiết bị y tế, thậm chí ngay cả cơ sở KCB (trên 2.000 bệnh viện, 11.000 trạm y tế xã)… cũng chưa được chuẩn hóa, mã hóa, số hóa và luật hóa. Do vậy, chưa có cơ sở dữ liệu quốc gia và cơ sở dữ liệu quốc gia về BHYT gắn với mã định danh riêng.
Bên cạnh đó, nhu cầu của người dân, các tổ chức xã hội đối với các dịch vụ công của ngành y tế cũng đang là một áp lực lớn buộc ngành y tế phải ứng dụng CNTT mới có thể đảm bảo việc cung cấp các dịch vụ như đăng ký hành nghề và kinh doanh thuốc, trang thiết bị y tế, an toàn vệ sinh thực phẩm, quản lý KCB và thanh toán BHYT… nhanh chóng và minh bạch.
Hơn nữa, việc ứng dụng CNTT trong quản lý KCB và thanh toán BHYT trên toàn hệ thống là công việc khó do phải thay đổi cả nhận thức, tư duy quản lý của cơ sở y tế và cơ quan BHXH. Về kỹ thuật, đây cũng là công việc phức tạp do mức độ triển khai CNTT ở từng địa phương, cơ sở là khác nhau; mặt khác, chưa có cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để có được bộ mã định danh duy nhất và ổn định, dữ liệu y tế mang tính chuyên sâu trong khi chưa có sự kết nối dữ liệu giữa cơ sở y tế và cơ quan BHXH, năng lực giám định điện tử còn hạn chế…
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tin học hóa trong lĩnh vực BHYT, Lãnh đạo Bộ Y tế đã có những chỉ đạo quyết liệt, tập trung, xuyên suốt để đạt được mục tiêu kết nối liên thông dữ liệu giữa các cơ sở KCB với cơ quan BHXH trước ngày 31/12/2015. Bộ Y tế đã ban hành một số Quyết định về tổ chức điều hành, Thành lập Ban Chỉ đạo và Phê duyệt Đề án triển khai thí điểm ứng dụng CNTT trong quản lý KCB và thanh toán BHYT; thành lập các tổ chuyên môn nghiên cứu xây dựng và triển khai thực hiện Đề án, thành lập Văn phòng Điều phối nghiên cứu xây dựng và triển khai Đề án.
Bộ Y tế đã ban hành Công văn số 2348/CV-BYT-BH gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố về đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong KCB BHYT và thanh toán BHYT, trong đó đề nghị chỉ đạo Sở Y tế khẩn trương chỉ đạo các cơ sở KCB thực hiện yêu cầu đầu ra dữ liệu của phần mềm quản lý KCB; trên cơ sở đó, Vụ BHYT rà soát, tổng hợp các thông tin dựa trên số liệu báo cáo và khảo sát đánh giá thực tế tại từng địa phương, tiến hành rà soát lại những yêu cầu đầu ra dữ liệu để đáp ứng yêu cầu của BHXH Việt Nam trong việc kết nối liên thông dữ liệu giữa các cơ sở y tế với cơ quan BHXH. Từ tháng 4/2015 đến nay đã triển khai chạy thử nghiệm kết nối dữ liệu theo 4 cấp tại Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hải Phòng, Tiền Giang, Ninh Bình, Nghệ An.
Để đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý KCB và thanh toán BHYT Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn mong muốn các đơn vi trong ngành cùng các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ CNTT sớm khắc phục những hạn chế còn tồn tại, đưa ra những giải pháp cụ thể trong việc ứng dụng CNTT vào KCB và thanh toán BHYT. Thứ trưởng cũng nhấn mạnh, việc ứng dụng thành công CNTT sẽ là tiền đề để mở ra một giai đoạn mới trong quản lý khám chữa bệnh và thanh toán BHYT có chất lượng, hiệu quả và minh bạch…
Nguồn: soyte.hanoi.gov