Chụp CT (chụp cắt lớp vi tính) là phương pháp chẩn đoán khá thường dùng trong khám chữa bệnh lâm sàng hiện nay. Kết quả chụp đưa ra hình ảnh cấu trúc chi tiết theo mặt cắt ngang của một khu vực trong cơ thể. Cụ thể chụp CT là gì? Chụp CT và chụp MRI phương pháp nào tốt hơn?
20/07/2020 | Chỉ định chụp CT trong chẩn đoán viêm ruột thừa 20/07/2020 | Nguyên nhân, triệu chứng và chẩn đoán ung thư não bằng chụp CT 19/07/2020 | Chụp CT phổi - giải pháp tầm soát ung thư phổi hiệu quả
1. Chụp CT là gì?
Kỹ thuật chụp X-quang cho những hình ảnh đen trắng về một khu vực trong cơ thể. Chụp CT cải tiến hơn, vẫn sử dụng chùm tia X qua cơ thể và đo độ hấp thụ tia X song hình ảnh được xử lý vi tính, cho phép tái tạo cho ra cấu trúc bên trong cơ thể rõ nét, chi tiết hơn.
Chụp CT còn gọi là chụp cắt lớp vi tính
Công nghệ chụp CT cũng ngày càng được phát triển và cải tiến. Các thế hệ máy chụp CT cho độ phân giải khác nhau, tăng dần theo số lát cắt như 4 lát, 16 lát, 64 lát cắt hoặc nhiều hơn. Dựa vào độ cản tia X khác nhau, các vùng tổn thương trong cơ thể sẽ thể hiện trên hình chụp CT với độ đậm nhạt khác nhau.
Để quan sát rõ ràng hơn cấu trúc, vị trí và tình trạng tổn thương, nhất là khi có khối u hoặc tổn thương mạch máu, bệnh nhân sẽ được tiêm thuốc cản quang trước khi chụp. Thuốc cản quang chứa iod đi theo đường truyền máu sẽ cho hình ảnh sáng và nét hơn.
Có thể tóm tắt một số ưu nhược điểm tiêu biểu của kỹ thuật chụp CT như sau:
1.1. Ưu điểm
- Hình ảnh chụp có độ tương phản cao, giúp phân biệt mức độ tổn thương thông qua độ đậm nhạt của hình ảnh. Khả năng xử lý, tái tạo dữ liệu giúp chẩn đoán, đánh giá tổn thương tốt hơn rất nhiều.
- Có thể dựng ảnh theo nhiều góc độ với nhiều lát cắt khác nhau trong thời gian ngắn, cho phép đánh giá toàn diện nhất, tránh bỏ sót tổn thương.
- Thời gian chụp và nhận kết quả nhanh, thích hợp chẩn đoán đánh giá nhanh trong cấp cứu hoặc định hướng điều trị.
- An toàn và thích hợp với hầu hết bệnh nhân.
1.2. Nhược điểm
- Chụp CT có thể gây nhiễm xạ tia X từ mức trung bình đến cao, mặc dù năng lượng tia X sử dụng đã được kiểm soát ở mức cho phép song vẫn mang tính tích lũy.
- Hình ảnh không thể hiện tổn thương nhỏ hoặc các bệnh lý gân, cơ, dây chằng,… một cách rõ nét.
- Một số trường hợp sử dụng thuốc cản quang khi chụp CT có thể gây sốc phản vệ, dị ứng hoặc tác dụng phụ không mong muốn.
Chụp CT phổ biến trong khám và điều trị bệnh lâm sàng
Mặc dù còn tồn tại một số nhược điểm song chụp CT vẫn được chỉ định phổ biến, giữ vai trò quan trọng trong chẩn đoán điều trị bệnh hiện nay.
2. Nên chụp CT hay chụp MRI?
Chụp CT và chụp MRI là hai kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh thường dùng nhất hiện nay. Khác với chụp CT hay X-quang thông thường, chụp MRI dựa vào các nguyên tử hydrogen trong cơ thể và tác động từ trường để nhận tín hiệu phát ra từ chúng. Hình ảnh chụp MRI cũng được xử lý vi tính tương tự như chụp CT, song rõ nét hơn do dùng nhiều chuỗi xung thể hiện những tổn thương, nhất là tổn thương mô mềm tốt hơn.
Mỗi phương pháp chụp đều có những ưu nhược điểm riêng, tùy vào tình trạng bệnh lý và mục đích chẩn đoán, đánh giá mà bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện kỹ thuật thích hợp. Một số yếu tố dưới đây sẽ giúp lựa chọn kỹ thuật chụp thích hợp:
Thời gian chụp: Chụp CT cho kết quả nhanh hơn chụp MRI nên thường dùng trong trường hợp cấp cứu, định hướng điều trị nhanh.
Ảnh hưởng bởi thiết bị kim loại: Chụp MRI không thực hiện được nếu cơ thể bệnh nhân có sử dụng thiết bị kim loại hoặc vật liệu kim loại như: Răng giả, máy trợ thính cố định, máy tạo nhịp tim,… trong khi chụp CT vẫn thực hiện được.
Loại chấn thương, bệnh lý đánh giá: Chụp CT thường chỉ định đánh giá tổn thương do va đập, chấn thương ở hộp sọ, vôi hóa hoặc vật kim loại,… Chụp MRI nhằm chẩn đoán khối u, dị dạng mạch máu não, tìm nguyên nhân của chứng đau đầu nặng, co giật, động kinh,…
Kỹ thuật chụp CT giúp bác sĩ có thể chẩn đoán chính xác bệnh
Chất lượng hình ảnh: Hình ảnh chụp MRI đánh giá các tổn thương phần mềm, nhất là trong kiểm tra bất thường trong não.
Yếu tố nguy cơ: Chụp CT sử dụng tia X nên có khả năng gây nhiễm xạ, chụp MRI an toàn hơn, phù hợp với trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai hoặc bệnh nhân cần chụp nhiều lần. Ngoài ra thuốc phản quang tiêm đường tĩnh mạch cũng có nguy cơ gây dị ứng, không thích hợp cho bệnh nhân suy thận.
Chi phí: Chụp MRI chi phí cao hơn so với chụp CT.
Đánh giá phần xương bị che khuất: Chụp CT không đánh giá được phần xương bị che khuất, trong khi chụp MRI đánh giá được.
3. Quy trình chụp CT
Quy trình chụp CT thực hiện như sau:
3.1. Chuẩn bị
- Bệnh nhân nếu cần sử dụng thuốc cản quang sẽ cần nhịn ăn trước 4 - 6 giờ trước khi chụp, có thể uống lượng nước vừa phải trước khi chụp 2 giờ.
- Bệnh nhân thông báo với nhân viên y tế nếu mình mang thai hoặc nghi ngờ mang thai, mắc các bệnh tiểu đường, thận, dị ứng, hen suyễn, tĩnh mạch,…
- Bệnh nhân tháo các vật dụng trang sức kim loại như: kẹp tóc, kính, đồng hồ, áo nịt ngực, răng giả,…
- Bệnh nhân hoặc người nhà ký vào bản cam kết tiêm thuốc cản quang.
- Trẻ nhỏ nếu chụp CT có thể cần dùng thuốc an thần để quá trình chụp diễn ra dễ dàng hơn.
3.2. Thực hiện
- Bệnh nhân chuẩn bị xong sẽ được đưa vào phòng chụp, nằm ngửa hoặc theo tư thế yêu cầu để thực hiện.
- Thời gian chụp thường chỉ từ 3 - 5 phút, có thể kéo dài đến 15 - 30 phút nếu bất thường.
- Bệnh nhân thực hiện đúng tư thế và nín thở nếu có yêu cầu để hình ảnh chụp tốt nhất.
3.3. Theo dõi sau khi chụp
Bệnh nhân chụp CT không có thuốc cản quang thường không cần theo dõi thêm.
Chụp CT cần được thực hiện ở cơ sở y tế uy tín để đảm bảo kết quả chính xác
Bệnh nhân chụp CT có tiêm thuốc cản quang cần giữ đường truyền tĩnh mạch và theo dõi trong 30 phút. Nếu có triệu chứng bất thường như buồn nôn, đỏ da, khó thở, ngứa, chóng mặt, sốt,… sẽ được xử lý đề phòng biến chứng.
Kết quả chụp CT sẽ được trả sau 20 - 30 phút, một số trường hợp hình ảnh chụp khó, các bác sĩ cần hội chẩn thì thời gian có thể kéo dài lâu hơn.
Như vậy qua bài viết này, bạn đọc đã biết được Chụp CT là gì, ưu nhược điểm và quá trình thực hiện. Đây là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh chính xác, có ý nghĩa lớn trong khám chữa bệnh lâm sàng. Nếu cần hỗ trợ thêm về chụp CT hoặc đặt lịch khám chữa bệnh, hãy liên hệ với Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC qua hotline 1900 56 56 56.