Chụp cộng hưởng từ (MRI- Magnetic resonance imaging) là một trong những kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh không xâm lấn hiện đại và an toàn nhất hiện nay. Chất lượng hình ảnh cộng hưởng từ với độ tương phản và độ chi tiết cao đã trở thành một trong những kỹ thuật cận lâm sàng được chỉ định rộng rãi, có giá trị chẩn đoán và độ đặc hiệu cao. Vậy chụp cộng hưởng từ là gì? Chụp cộng hưởng từ có tác dụng gì? Cộng hưởng từ được chỉ định cho những bộ phận nào? Những lưu ý khi chụp cộng hưởng từ là gì?
04/09/2021 | Giải đáp thắc mắc: chụp MRI tử cung phát hiện bệnh gì? 27/07/2021 | Chụp cộng hưởng từ tim là gì? Tại sao cần chụp MRI tim? 26/07/2021 | Giải đáp: Chụp MRI được áp dụng cho những cơ quan nào trên cơ thể? 12/12/2020 | Tư vấn: Chụp MRI não có ảnh hưởng gì không?
1. Chụp cộng hưởng từ là gì?
Kỹ thuật chụp cộng hưởng từ là kỹ thuật tạo hình ảnh bằng từ trường và sóng radio. Cơ thể con người được cấu thành chủ yếu bởi nguyên tử hydrogen (do 70% là nước), khi từ trường tác dụng lên các nguyên tử này sẽ hấp thụ và giải phóng năng lượng RF. Máy tính sẽ thu nhận năng lượng đó dưới dạng tín hiệu, thông qua xử lý của hệ thống để thu được hình ảnh.
Hình ảnh trên cộng hưởng từ có độ tương phản tốt, sắc nét và độ chi tiết giải phẫu rất cao, hơn thế hình ảnh được tái tạo trên đa mặt phẳng giúp nâng cao hiệu quả chẩn đoán của bác sĩ.
Hình 1. Máy chụp cộng hưởng từ
2. Chụp cộng hưởng từ có tác dụng gì?
Chụp cộng hưởng từ những năm gần đây trở thành kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh được các bác sĩ lâm sàng chỉ định rất rộng rãi bởi những lợi ích và giá trị chẩn đoán mà nó đem lại cho người bệnh, giúp ích rất nhiều cho việc chẩn đoán xác định và điều trị. Những lợi ích khi chụp cộng hưởng từ gồm có:
- Bệnh nhân không bị ảnh hưởng bởi tia xạ. Trẻ em, phụ nữ có thai đều có thể chụp cộng hưởng từ mà không bị ảnh hưởng gì.
- Cộng hưởng từ có thể chỉ định cho hầu hết các bộ phận trên cơ thể (sọ, cột sống, bụng, tiểu khung, thậm chí là chụp toàn thân).
- Bệnh nhân không bị ảnh hưởng gì về mặt sinh học.
- Hình ảnh có độ tương phản và chi tiết rất cao so với các kỹ thuật khác.
- Chụp được mạch máu não, mạch cảnh, mạch thận, mạch chi mà không cần phải tiêm thuốc cản quang.
- Thăm khám trên nhiều mặt phẳng chụp khác nhau, nâng cao hiệu quả chẩn đoán.
- Máy móc hiện đại giúp quá trình chụp diễn ra nhanh chóng, an toàn và giảm tiếng ồn đến mức thấp nhất.
- Thuốc cản quang trong cộng hưởng từ an toàn hơn rất nhiều so với thuốc cản quang trong chụp cắt lớp (CT).
Hình 2. Hình ảnh chụp cộng hưởng từ
3. Cộng hưởng từ được chỉ định cho những bộ phận nào?
Cộng hưởng cột sống giúp phát hiện các bệnh lý thoái hóa, thoát vị đĩa đệm, tổn thương dây chằng, lệch vẹo cột sống, lún xẹp đốt sống, chấn thương, các tổn thương phần mềm cạnh sống,...
Cộng hưởng phần mềm vùng cổ phát hiện các tổn thương phần mềm như viêm, khối u, hạch vùng cổ, đặc biệt là các tổn thương đám rối thần kinh cánh tay.
Cộng hưởng ổ bụng giúp chẩn đoán các bệnh lý gan mật như u, áp xe gan, ung thư gan, u đường mật, sỏi mật,... bệnh lý về tụy, lách, thận, tuyến thượng thận.
Cộng hưởng vùng tiểu khung giúp đánh giá các bệnh lý ung thư tiền liệt tuyến, u tử cung, lạc nội mạc tử cung, bất thường về buồng trứng, u trực tràng, đặc biệt là phát hiện đường rò trong bệnh lý rò hậu môn giúp ích rất nhiều cho phẫu thuật.
Cộng hưởng cơ xương khớp phát hiện thoái hóa, tràn dịch ổ khớp, viêm nhiễm, chấn thương gây giãn, đứt dây chằng, tổn thương sụn khớp.
Ngoài ra, cộng hưởng từ có thế áp dụng chụp các mạch máu mà không cần tiêm thuốc cản quang như mạch não, mạch cảnh, mạch thận, mạch các chi với hình ảnh rất sắc nét.
Hình 3. Hình ảnh trong phòng chụp cộng hưởng từ
4. Những lưu ý khi chụp cộng hưởng từ?
Chụp cộng hưởng từ tuy là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh không xâm lấn hiện đại và an toàn nhất hiện nay nhưng cũng có một số lưu ý cho người bệnh trước khi chụp để quá trình chụp diễn ra nhanh chóng, đảm bảo an toàn, giúp hình ảnh tạo ra sắc nét và chính xác nhất. Những điều người bệnh cần lưu ý :
- Trước khi chụp người bệnh cần phải tháo bỏ trang sức, kẹp tóc, đồng hồ, điện thoại, đồ kim loại …
- Khi chụp một số bộ phận như ổ bụng, tiểu khung, mạch máu cần tiêm thuốc đối quang thì người bệnh tốt nhất nên nhịn ăn trước 6-8 tiếng và xét nghiệm máu chức năng gan thận trước khi tiêm thuốc.
- Chống chỉ định tuyệt đối với bệnh nhân có máy tạo nhịp tim, cấy máy bơm insulin tự động, có máy trợ thính, cấy điện cực ốc tai, có mảnh đạn, mảnh kim loại vùng nguy hiểm, Clips phẫu thuật, coil nút phình mạch não ( trừ trường hợp vật liệu không có từ tính hoặc đã khử từ tính)
- Chống chỉ định tương đối với bệnh nhân có răng giả, mảnh đạn đã vôi hóa, có hội chứng sợ buồng kín, có thai 3 tháng đầu, đặt khớp nhân tạo, suy thận nặng, dị ứng thuốc đối quang từ.
- Do khi chụp máy phát ra tiếng ồn khá lớn, thời gian chụp khá lâu từ 15-60 phút tùy bộ phận chụp nên người bệnh cần tránh chuyển động trong lúc chụp và nghe theo hiệu lệnh của kỹ thuật viên để hình ảnh chụp sắc nét và chính xác nhất. Trong một số trường hợp bệnh nhân là trẻ nhi khó nằm im có thể sẽ được uống thuốc an thần nhưng phải theo chỉ định của bác sĩ.
Hình 4. Máy tạo nhịp trên phim chụp xquang
5. Chụp cộng hưởng từ ở đâu?
Chụp cộng hưởng từ là phương pháp chẩn đoán bệnh lý hiện đại, không xâm lấn và an toàn nhất hiện nay, đặc biệt là trong chẩn đoán và tầm soát ung thư. Bạn có thể đến các cơ sở y tế có trang bị hệ thống chụp cộng hương từ hiện đại cùng đội ngũ bác sĩ nhiều kinh nghiệm. Bệnh viện đa khoa Medlatec có 3 cơ sở khám chữa bệnh tại Hà Nội với đa dạng chuyên khoa và máy móc hiện đại từ lâu đã là địa chỉ khám chữa bệnh uy tín của nhiều bệnh nhân. Đặc biệt bệnh viện đa khoa Medlatec đã trang bị hệ thống chụp cộng hưởng từ hoạt động nhiều năm. Đó là hệ thống máy cộng hưởng từ GE SIGNA 1.5T EXPLORER hiện đại của Mỹ giúp nâng cao chất lượng chẩn đoán và đem lại sự yên tâm tuyệt đối cho người bệnh. Bên cạnh đó trung tâm Chẩn đoán hình ảnh MEDIM bệnh viện đa khoa Medlatec có nhiều chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh, mang tới sự tin tưởng của người bệnh.
Hình 5. Hình ảnh được các chuyên gia xử lý tại trung tâm MEDIM
Để biết thêm thông tin chi tiết xin vui lòng liên hệ tổng đài 1900 56 56 56 để được hướng dẫn cụ thể hoặc các cơ sở của Medlatec trên toàn quốc.