Chụp cắt lớp não là phương pháp chẩn đoán hình ảnh thường được chỉ định khi cần kiểm tra, thăm khám và chẩn đoán các bệnh lý vùng đầu - mặt. Phương pháp này chỉ được thực hiện khi có yêu cầu của bác sĩ.
28/06/2020 | Chụp cắt lớp não dành cho ai? Có nguy hiểm không? 23/06/2020 | Những điều cần biết khi chụp cắt lớp não 20/03/2020 | Giải đáp tất tần tật các vấn đề liên quan đến chụp cắt lớp não
1. Chụp cắt lớp não có nguy hiểm không?
Những tia năng lượng cao như X-quang đều có thể gây những ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe. Trong kỹ thuật chụp cắt lớp cũng sử dụng tia X-quang. Tia X chiếu theo nhiều góc khác nhau, cho nhiều hình ảnh là những lát cắt nhỏ khác nhau ở vùng đầu và mặt.
Chụp cắt lớp não để kiểm tra vùng đầu mặt
Các nhà khoa học đã nghiên cứu kiểm soát năng lượng và số lượng tia X ở mức phù hợp. Song ở nhóm bệnh nhân nhạy cảm, trẻ em, phụ nữ mang thai hoặc người mắc bệnh lý nguy hiểm vẫn có thể gặp rủi ro khi chụp cắt lớp. Những đối tượng này luôn được xem xét cân nhắc cẩn thận trước khi chụp giữa lợi ích và nguy cơ bức xạ ảnh hưởng tới cơ thể.
Một số bệnh nhân sẽ được yêu cầu chụp cắt lớp có sử dụng thuốc cản quang qua tĩnh mạch hoặc cột sống. Thuốc cản quang giúp cấu trúc các cơ quan vùng đầu dễ quan sát hơn, kiểm tra sự lưu thông máu tới các vùng tổn thương, khối u hoặc vùng viêm nhiễm.
Nếu bệnh nhân chụp cắt lớp có sử dụng chất cản quang, cơ thể có thể có phản ứng với các thành phần trong thuốc. Do đó hãy báo với bác sĩ nếu bạn dị ứng với thuốc cản quang hoặc thành phần nào của thuốc.
Bệnh nhân có thể phản ứng lại với thuốc cản quang
Một số nguy cơ khác do tiêm chất cản quang để chụp cắt lớp gây ra như viêm sưng vùng tiêm thuốc, cảm giác buồn nôn, nóng ran cơ thể,… sẽ sớm hết và không ảnh hưởng gì.
Như vậy¸ chụp cắt lớp não vẫn tiềm ẩn những nguy cơ rủi ro tới sức khỏe của người bệnh, song những rủi ro này có thể kiểm soát. Người bệnh chỉ cần thực hiện đúng theo hướng dẫn của bác sĩ và kỹ thuật viên, thông báo đầy đủ về bệnh tình, tình trạng mang thai của bản thân.
2. Có nên chụp cắt lớp não không?
Công nghệ chụp cắt lớp não (CT não) hiện nay kiểm soát năng lượng tia X ở mức phù hợp không gây hại cho sức khỏe con người nên bệnh nhân có thể yên tâm khi thực hiện. Kỹ thuật này có ý nghĩa lớn trong y học, bởi nó cung cấp hình ảnh cụ thể, chi tiết về vùng đầu và các cơ quan như: mắt, tai, mũi, não, xương mặt,…
Chụp CT có độ chính xác, hình ảnh phân giải cao hơn nhiều so với chụp X-quang thông thường. Thời gian chụp nhanh không gây khó chịu, đau đớn cho người bệnh nên rất phù hợp thực hiện với bệnh nhân phải cấp cứu hoặc bệnh nhân chống chỉ định chụp cộng hưởng từ.
Kết quả chụp giúp bác sĩ có thể đánh giá các bệnh lý, tìm nguyên nhân của nhiều chứng bệnh vùng đầu như:
- Dấu hiệu thần kinh: động kinh, chóng mặt, đau nửa đầu, co giật.
- Thay đổi suy nghĩ, hành vi bất thường.
- Gặp vấn đề về thị lực, khó khăn trong giao tiếp, nuốt thức ăn, giảm trương lực cơ, khó nuốt thức ăn, mất thính lực,…
- Đau đầu, ngất xỉu.
Chụp cắt lớp não giúp chẩn đoán, phát hiện hoặc theo dõi các bệnh lý vùng đầu như:
- Khối u não.
- Khối tụ máu não.
- Dị tật bẩm sinh vùng đầu hoặc não.
- Bệnh lý não: viêm màng não, viêm não, nhiễm trùng não, lao màng não, lao não, áp xe não.
- Dính liền sớm khớp sọ.
- Chấn thương vùng sọ não hoặc đa chấn thương vùng đầu mặt.
- Não úng thủy.
- Hội chứng tăng áp lực nội sọ có các triệu chứng đau đầu, buồn nôn, giảm thị giác.
- Tai biến mạch máu não thoáng qua hoặc có dấu hiệu liệt nửa người, liệt mặt, thất ngôn.
- Đột quỵ, chảy máu não.
Chụp cắt lớp não có vai trò quan trọng trong chẩn đoán bệnh
Có thể thấy, chụp cắt lớp não là kỹ thuật chẩn đoán quan trọng, giúp phát hiện và theo dõi các bệnh lý vùng đầu não. Đây được đánh giá là phương pháp chẩn đoán hiện đại, an toàn và hiệu quả, được ứng dụng trong điều trị bệnh trên toàn thế giới. Do đó nếu được chỉ định thực hiện, bệnh nhân nên làm đúng theo hướng dẫn của bác sĩ.
3. Chụp cắt lớp não thực hiện như thế nào?
Kỹ thuật chụp cắt lớp não được thực hiện khá phổ biến ở nước ta hiện nay, bệnh nhân sẽ được hướng dẫn đầy đủ quy trình chụp như sau:
3.1. Chuẩn bị
Nếu người bệnh chụp CT não có tiêm thuốc cản quang sẽ cần nhịn ăn trong 4 - 6 giờ đồng hồ, uống nước hạn chế với lượng vừa phải trong 2 giờ đồng hồ trước khi chụp.
Nếu bệnh nhân là trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, bác sĩ có thể đề nghị dùng thuốc an thần để trẻ bình tĩnh và giữ yên tư thế khi chụp.
Cần thông báo cho bác sĩ nếu bạn đang mang thai, nghi ngờ mang thai hoặc mắc các bệnh lý sau: suy thận, đái tháo đường, hen suyễn, tiền sử dị ứng thuốc cản quang.
Người bệnh cần ký cam kết thực hiện nếu cần tiêm thuốc cản quang chụp cắt lớp.
Trước khi nào phòng chụp cần tháo bỏ các vật dụng, trang sức bằng kịp loại như: kính, đồng hồ, vòng tay, máy trợ thính, răng giả, kẹp tóc,…
Trang sức, vật dụng kim loại ảnh hưởng đến quá trình chụp CT
3.2. Thực hiện chụp
Bệnh nhân nằm ngửa trên bàn chụp theo đúng tư thế yêu cầu, phần đầu được đưa vào máy chụp.
Khi bật máy, máy sẽ tự chụp theo các góc yêu cầu, bệnh nhân chỉ cần giữ nguyên tư thế trong 3 - 5 phút là hoàn thành. Một số trường hợp có thể kéo dài thời gian chụp hơn.
3.3. Kết thúc chụp
Người bệnh không tiêm thuốc cản quang khi chụp cắt lớp có thể hoạt động, ăn uống bình thường.
Người bệnh sử dụng thuốc cản quang cần ở lại theo dõi y tế để phát hiện những trường hợp có triệu chứng bất thường như: khó thở, mệt mỏi, sốt, ngứa ngáy, nôn, chóng mặt,… Thuốc cản quang có thể gây cảm giác nóng rát dọc tay hoặc mặt sau khi bơm, người bệnh cần uống nhiều nước để cơ thể đào thải thuốc ra nhanh hơn.
Kết quả chụp cắt lớp não sẽ có sau 20 - 30 phút, tuy nhiên bác sĩ sẽ cần thời gian để phân tích, đánh giá kết quả. Nếu phát hiện khối u ở não, có dị vật hoặc tổn thương xương sọ, dây thần kinh,… bệnh nhân có thể được yêu cầu thực hiện chẩn đoán thêm để đánh giá bệnh lý.
Chụp cắt lớp não có ý nghĩa lớn chẩn đoán theo dõi các bệnh lý vùng đầu - não. Kỹ thuật này hiện đang được thực hiện tại Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC với hệ thống máy móc hiện đại, giúp ích trong quá trình điều trị bệnh. Liên hệ ngay với MEDLATEC nếu cần tư vấn hỗ trợ thêm qua hotline 1900 56 56 56.