FSH là một hormone nội tiết quan trọng ảnh hưởng đến cơ quan sinh dục và quá trình sinh sản của phụ nữ. Xét nghiệm FSH có ý nghĩa gì và giá trị FSH bao nhiêu là bình thường mời bạn đọc theo dõi tiếp các nội dung dưới đây.
06/02/2020 | Xét nghiệm u tuyến yên - Có thật sự cần thiết? 18/12/2019 | Giải đáp thắc mắc: U tuyến yên gây vô sinh hay không? 17/10/2019 | U tuyến yên và các xét nghiệm u tuyến yên là gì? 30/08/2019 | Giải đáp thắc mắc về u tuyến yên gây vô sinh hay không
1. FSH là chất gì?
FSH hay còn được gọi là hormone kích thích tạo nang trứng được thùy trước tuyến yên bài tiết. Trong giai đoạn tạo nang buồng trứng của chu kỳ kinh nguyệt, estradiol được sản xuất nhờ hoạt động của FSH tại các nang Graaf, sau đó 2 hormone này luôn hoạt động cùng nhau để giúp nang buồng trứng phát triển hơn nữa.
Tăng đột ngột nồng độ FSH và hormone tạo hoàng thể LH vào giữa chu kỳ kinh nguyệt sẽ gây ra hiện tượng rụng trứng.
Hình 1: Hormon FSH được sản xuất ở thùy trước tuyến yên
Trong giai đoạn tạo hoàng thể ở nữ giới, progesterone được sản xuất do có sự kích thích của hormone FSH và cùng với estradiol tạo điều kiện thuận lợi cho đáp ứng của buồng trứng với LH.
Đối với nam giới, hormone FSH đóng vai trò kích thích tinh hoàn sản sinh tinh trùng trưởng thành và nó cũng thúc đẩy quá trình sản xuất các protein gắn với androgen.
2. Xét nghiệm FSH là gì?
FSH giúp đánh giá chức năng của trục dưới đồi - tuyến sinh dục ở cả nam và nữ. Xét nghiệm này được sử dụng trong chẩn đoán tình trạng giảm chức năng tuyến sinh dục, vô sinh ở nữ, các rối loạn kinh nguyệt, dậy thì sớm và mãn kinh.
Xét nghiệm FSH là xét nghiệm ưu tiên đầu tiên được lựa chọn khi làm các thăm dò về tình trạng không dậy thì, vô kinh tiên phát và bệnh buồng trứng đa nang.
Xét nghiệm cũng rất hữu ích thăm dò các bệnh nhân hiếm muộn:
+ Ở nữ, xét nghiệm định lượng FSH luôn được làm song song với định lượng LH và estradiol.
+ Ở nam, xét nghiệm định lượng FSH cũng được làm song song cùng xét nghiệm tinh dịch đồ.
Hình 2: Xét nghiệm FSH đánh giá chức năng của trục dưới đồi - tuyến sinh dục ở cả nam và nữ
- Với nam giới: hormone FSH được tiết ra ở tuyến yên, thời gian bán thải từ 3 - 5 giờ do đó giá trị xét nghiệm ít có thay đổi trong ngày. Nếu nồng độ FSH cao chứng tỏ tinh hoàn không đáp ứng kịp thời với sự kích thích của các yếu tố nội tiết làm ảnh hưởng đến quá trình sinh tinh. Chỉ số FSH thấp có thể là dấu hiệu của bệnh suy tuyến yên, suy hạ đồi.
- Với nữ giới: FSH tiết ra từ tuyến yên sẽ kích thích nang noãn phát triển. Dựa vào xét nghiệm FSH có thể biết được thời điểm rụng trứng và tình trạng của buồng trứng, đồng thời giúp bác sĩ tìm được nguyên nhân rối loạn kinh nguyệt, dấu hiệu rối loạn tuyến yên hay các bệnh về buồng trứng khi được kết hợp với một số xét nghiệm khác.
3. Giá trị bình thường của xét nghiệm FSH máu
Xét nghiệm được thực hiện trên mẫu huyết thanh. Bạn không cần phải nhịn ăn trước khi lấy máu. Nếu bạn có đang dùng thuốc thì cần tham khảo ý kiến bác sĩ và dừng tất cả các thuốc trong vòng 48 giờ trước khi xét nghiệm.
Khoảng giá trị tham chiếu:
- Nữ giới: giá trị xét nghiệm khác nhau theo các thời điểm:
-
Giai đoạn tạo thể nang: 3.5 - 12.5 mU/mL.
-
Đỉnh rụng trứng: 4.7 - 21.5 mU/mL.
-
Tạo hoàng thể: 1.7 - 7.7 mU/mL.
-
Tuổi mãn kinh: 25.8 - 134.8 mU/mL.
- Nam giới: 1.5 - 12.4 mU/mL.
Hình 3: Xét nghiệm FSH có thể dự đoán được thời điểm trứng rụng
4. Các nguyên nhân làm thay đổi nồng độ FSH máu
Có nhiều nguyên dân dẫn đến nồng độ FSH trong máu tăng hoặc giảm.
- Các nguyên nhân chính làm tăng nồng độ FSH là:
Đối với nam giới:
+ Không có đủ số lượng tinh hoàn.
+ Suy giảm cơ quan sinh dục: tinh hoàn.
+ Bệnh đột biến nhiễm sắc thể: hội chứng Klinefelter.
+ Sau khi cắt tinh hoàn.
+ Dậy thì sớm.
Đối với nữ giới:
+ Vô kinh nguyên phát.
+ Suy giảm cơ quan sinh dục: buồng trứng.
+ Bệnh đột biến nhiễm sắc thể Turner.
+ Sau khi cắt tử cung.
+ Tăng hormone tuyến yên.
+ Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS).
+ Dậy thì sớm.
- Các nguyên nhân chính làm giảm nồng độ FSH là:
+ Tăng sản tuyến thượng thận.
+ Vô kinh thứ phát không rõ nguyên nhân.
+ Giảm sản xuất hormon hướng sinh dục.
+ Bất thường chức năng vùng dưới đồi.
+ Chậm dậy thì hoặc dậy thì trước tuổi.
+ Sử dụng thuốc làm giảm nồng độ FSH: estrogen, thuốc tránh thai, progesteron,…
5. Vai trò của hormone FSH trong tư vấn lâm sàng
- Trong hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS), nồng độ FSH quá cao khiến trứng không thể rụng thường xuyên và dẫn đến vô sinh. Lúc này, bác sĩ sẽ can thiệp bằng một số phương pháp chuyên khoa để hỗ trợ khả năng mang thai như: thụ tinh nhân tạo hay thụ tinh trong ống nghiệm. Việc xét nghiệm nồng độ FSH vào ngày thứ 3 của chu kỳ kinh nguyệt dự kiến việc thụ tinh thành công hay thất bại:
+ Giá trị FSH vào ngày thứ 3 của chu kỳ kinh nguyệt > 15 mIU/mL thường dự kiến khả năng có thể mang thai trong tương lai thấp.
+ Giá trị FSH vào ngày thứ 3 của chu kỳ kinh nguyệt < 10 mIU/mL phản ánh một chức năng tạo nang buồng trứng có thể bình thường.
- Đánh giá khả năng dự trữ buồng trứng: được thực hiện xét nghiệm ở những phụ nữ chuẩn bị mang thai, nồng độ FSH đánh giá số lượng và chất lượng những trứng còn lại của phụ nữ. Xét nghiệm được thực hiện vào ngày thứ 3 của chu kỳ kinh nguyệt.
- Phụ nữ bắt đầu giai đoạn tiền mãn kinh, nồng độ FSH sẽ có xu hướng tăng và đến giai đoạn mãn kinh thì nồng độ này luôn tăng cao từ 30 mIU/ml trở lên.
Hình 4: Xét nghiệm FSH giúp thăm dò tình trạng vô sinh
Việc thực hiện xét nghiệm FSH là vô cùng quan trọng đối với phụ nữ ở mọi độ tuổi. Bạn nên thực hiện xét nghiệm này để kiểm tra theo dõi tình trạng sức khỏe của mình thường xuyên. Lựa chọn địa chỉ xét nghiệm tin cậy hàng đầu tại Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC giúp bạn yên tâm về kết quả nhận được.
Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC với hơn 24 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, đội ngũ các chuyên gia, bác sĩ tay nghề cao tận tâm với người bệnh, môi trường khám bệnh tiện nghi nhanh chóng, máy móc trang thiết bị hiện đại.
Đến khám bệnh tại Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC bạn hoàn toàn yên tâm về giá cả bởi tất cả các dịch vụ đều có giá niêm yết. Gọi điện thoại đến số 1900 56 56 56 để đăng ký khám bệnh và được hướng dẫn chi tiết hơn.