Bệnh gan nhiễm mỡ đang có xu hướng trẻ hóa và không loại trừ ngay cả với trẻ em. Nhiều người vì không nghĩ đến tình trạng này có thể đến với trẻ nên khi phát hiện trẻ mắc bệnh họ hoang mang, không hiểu tại sao điều đó lại xảy ra. Trong tình huống ấy, cha mẹ nên làm gì với bệnh gan nhiễm mỡ ở trẻ em, câu trả lời sẽ có ngay trong bài viết dưới đây.
15/08/2019 | Gan nhiễm mỡ - Căn bệnh nguy hiểm đang ngày càng phổ biến 12/08/2019 | Xét nghiệm GOT giúp đánh giá chức năng gan 06/08/2019 | Xét nghiệm HBV-DNA, giá trị trong theo dõi điều trị viêm gan B virus
1. Nguyên nhân và triệu chứng bệnh gan nhiễm mỡ ở trẻ em
Gan nhiễm mỡ là tình trạng lượng mỡ tích tụ trong gan nhiều hơn mức bình thường (quá 5% trọng lượng gan). Rất nhiều người trong chúng ta cho rằng bệnh lý này chỉ có thể xuất hiện ở người lớn, tuy nhiên, có một thực tế là con số trẻ bị nhiễm mỡ gan đang ngày càng tăng cao ở mức báo động. Nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu do:
- Thừa cân hoặc béo phì
Hầu hết các trường hợp gan nhiễm mỡ chuyển hóa ở trẻ em xuất phát từ tình trạng thừa cân hoặc béo phì. Trẻ bước vào thời kỳ đặc biệt của sự tăng trưởng và phát triển, cũng là giai đoạn quan trọng trong sự phát triển mỡ. Giai đoạn này, do không có sự chăm sóc thích hợp về chế độ dinh dưỡng nên số trẻ béo phì ngày càng nhiều và đó cũng là lí do sinh ra bệnh gan nhiễm mỡ ở trẻ em.
Béo phì là một trong những nguyên nhân gây ra gan nhiễm mỡ ở trẻ em
- Một số bệnh lý mãn tính
Các bệnh mạn tính như: nhiễm trùng huyết; lao phổi; viêm xương tủy; tiêu chảy mạn tính; thiếu máu trầm trọng; tiểu đường; các bệnh về chuyển hóa khiến trẻ không thể ăn uống, sút cân đột ngột, chuyển hóa khác thường, không thể thỏa mãn nhu cầu năng lượng thường xuyên của cơ thể;... kích thích mỡ toàn thân phân giải thành acid béo và vận chuyển đến gan. Những lúc này gan không thể chuyển hết thành năng lượng được nên phần dư thừa lắng đọng trong gan và hình thành mỡ.
- Di truyền
Nhiều nghiên cứu cho thấy tổn thương ở gan có liên quan đến yếu tố di truyền. Những trường hợp nhiễm mỡ chuyển hóa thường gặp ở các cặp song sinh hoặc trẻ em béo phì có cha mẹ bị béo phì. Nguyên nhân của điều này là do có một vài gen nhạy cảm có liên quan chặt chẽ với bệnh gan nhiễm mỡ.
- Ngộ độc thuốc
Tình trạng ngộ độc một số loại thuốc như carbon tetreclorid, phosphor, tetraclin,… có thể sinh ra mỡ tồn đọng trong tế bào gan và xuất hiện gan nhiễm mỡ.
Ăn quá nhiều thực phẩm chứa chất béo, đường dễ khiến trẻ bị gan nhiễm mỡ
- Thực phẩm
Trẻ thường xuyên ăn các loại thực phẩm nhiều đường, chứa chất béo bão hòa hoặc chất bảo quản dễ sinh ra bệnh gan nhiễm mỡ. Sở dĩ điều ấy xảy ra là bởi tỷ lệ cao các chất này trong chế độ ăn uống hàng ngày sẽ làm tăng tỷ lệ của một số vi khuẩn (Gram âm) sinh ra các phân tử viêm nhiễm tại chỗ, chúng sẽ nhanh chóng lan ra các phân tử trong máu, mô mỡ, cơ,... và khiến gan bị tổn thương.
1.2. Nhận biết bệnh gan nhiễm mỡ ở trẻ em
Về cơ bản, các dấu hiệu của bệnh gan nhiễm mỡ ở trẻ em tương đối khó phát hiện nên không phải cha mẹ nào cũng có thể nhận ra. Tuy nhiên, một số dấu hiệu sau được xem là cảnh báo cho sự xuất hiện của bệnh lý này:
- Cân nặng vượt quá 20% mức độ tiêu chuẩn (nguy cơ béo phì sinh ra gan nhiễm mỡ).
- Trẻ thường xuyên khó tiêu, đầy hơi, chướng bụng, sụt cân,...
2. Bệnh gan nhiễm mỡ ở trẻ em – những việc cha mẹ nên làm
Để tránh những biến chứng của bệnh gan nhiễm mỡ gây nguy hiểm cho sức khỏe của trẻ, khi chẳng may trẻ mắc bệnh lý này cha mẹ nên áp dụng một số biện pháp sau đây:
2.1. Điều chỉnh lại chế độ ăn
Chức năng chính của gan là đào thải độc tố và tiết mật để tham gia vào quá trình tiêu hóa thức ăn. Do đó, thực phẩm trong chế độ ăn hàng ngày có vai trò rất lớn đối với hỗ trợ điều trị bệnh gan nhiễm mỡ cho trẻ. Giai đoạn này, cha mẹ cần tham vấn bác sĩ để xây dựng được một chế độ ăn khoa học thì mới sớm đẩy lùi bệnh được.
Trẻ bị gan nhiễm mỡ cần ăn nhiều rau xanh và trái cây tươi
Trong chế độ ăn hàng ngày, cha mẹ cần đặc biệt lưu tâm tăng cường bổ sung rau xanh và trái cây tươi cho trẻ. Sự có mặt của các loại vitamin và khoáng chất ở trong nhóm thực phẩm này không những đóng vai trò tăng cường sức đề kháng cho cơ thể mà còn giúp cho quá trình hồi phục tổn thương ở gan diễn ra nhanh và tốt hơn. Ngoài ra, trẻ cũng cần tránh xa mỡ động vật, hạn chế tối đa đồ ăn chứa nhiều dầu mỡ, nội tạng động vật, các loại bánh kẹo,... vì chúng không tốt cho hệ tiêu hóa và chỉ tạo điều kiện cho mỡ tích tụ ở gan nhiều hơn mà thôi.
2.2. Thường xuyên chơi thể thao
Luyện tập thể dục thể thao thường xuyên không chỉ tốt cho sức khỏe mà còn giúp trẻ tránh được tình trạng béo phì, cải thiện tình trạng gan nhiễm mỡ. Khi cho trẻ chơi thể thao cha mẹ nên lựa chọn các bộ môn phù hợp với lứa tuổi như: chạy bộ, bơi lội,...
2.3. Tạo lập những thói quen khoa học
Hình thành thói quen khoa học vừa tốt cho quá trình lớn khôn của trẻ vừa tăng cường sức đề kháng, hỗ trợ điều trị hiệu quả bệnh gan nhiễm mỡ ở trẻ em. Điển hình của việc này đó là trẻ cần được tạo lập thói quen ăn ngủ đúng giờ. Bữa ăn của trẻ có thể chia nhỏ thành nhiều bữa nhưng hãy tránh ăn khuya vì nó không tốt cho hoạt động của gan và hệ tiêu hóa. Các bữa ăn xế nên lựa chọn món ăn dễ tiêu hóa như súp, cháo,...
2.4. Kiểm tra sức khỏe định kỳ
Những trẻ bị gan nhiễm mỡ cần được kiểm tra đánh giá chức năng gan thường xuyên. Bằng việc làm này, bác sĩ sẽ phát hiện, chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh lý, giúp trẻ có được phác đồ điều trị phù hợp.
Trẻ bị gan nhiễm mỡ cần được kiểm tra đánh giá chức năng gan định kỳ
Trong quá trình điều trị gan nhiễm mỡ cho trẻ, cha mẹ cần tuân thủ nghiêm túc về loại thuốc cũng như liều lượng sử dụng. Khi có lịch tái khám, cha mẹ cũng cần đến đúng lịch để bác sĩ kiểm tra diễn tiến bệnh xem có đáp ứng tốt với phác đồ điều trị hay không, nếu bệnh không cải thiện hoặc trở nên xấu đi, bác sĩ sẽ có kịp thời đưa ra phương án điều trị tốt hơn.
Gan nhiễm mỡ ở trẻ em phát hiện càng sớm thì việc trị bệnh càng trở nên đơn giản và hiệu quả hơn nhiều. Nếu nghi ngờ về sự xuất hiện của bệnh lý này, cha mẹ có thể gọi tới hotline 1900 56 56 56 của Bệnh viện đa khoa MEDLATEC để được tư vấn phương án chẩn đoán chính xác bệnh, có biện pháp can thiệp kịp thời khi cần thiết để chủ động bảo vệ sức khỏe cho trẻ.