Tính đến ngày 20-1, toàn thành phố Hà Nội ghi nhận 41 trường hợp trẻ mắc tay chân miệng, các ca bệnh nằm rải rác ở 21 xã phường và đều ở thể nhẹ. Hiện chưa có vaccine phòng bệnh tay chân miệng nên giải pháp chủ yếu là giữ gìn vệ sinh môi trường sống.
Đáng chú ý nhất là ổ dịch tập trung với 6 trường hợp mắc tay chân miệng tại phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Từ đầu năm 2015 đến nay, cả nước ghi nhận 1.551 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng có một trường hợp tử vong. Bệnh tay chân miệng là bệnh nhiễm virus cấp tính, thường gặp ở trẻ nhỏ với các dấu hiệu đặc trưng của bệnh như sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da dưới dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông. Bệnh xảy ra quanh năm và lây truyền theo đường tiêu hóa. Nguyên nhân do vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường yếu kém, đặc biệt kỹ năng vệ sinh cho trẻ, chưa thực hiện rửa tay với xà phòng thường xuyên.
PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cũng cho biết, mỗi ngày Khoa Nhi tiếp nhận 1-2 ca mắc tay chân miệng đến khám. Tuy nhiên, hầu hết trẻ đều ở mức độ nhẹ và điều trị ngoại trú. Theo nhận định của các chuyên gia y tế, mặc dù bệnh tay chân miệng có xu hướng giảm trong 2 năm gần đây, nhưng tình hình bệnh trong năm 2015 sẽ diễn biến khó lường, do mầm bệnh còn đang lưu hành rộng rãi, nhiều type virus gây bệnh, trong khi chưa có vaccine và thuốc điều trị đặc hiệu.
Theo khuyến cáo của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, các gia đình cần thực hiện vệ sinh cá nhân như: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày. Đặc biệt, cần rửa tay trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ. Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín, vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng, không cho trẻ bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi, không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng. Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn, ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
Khi thấy trẻ sốt và có nốt phỏng nước ở bàn tay, bàn chân hoặc niêm mạc miệng cần cho trẻ nghỉ học và đến ngay cơ sở y tế gần nhất. Khi chăm sóc trẻ bệnh tại gia đình nếu thấy trẻ có các dấu hiệu như sốt cao kéo dài, li bì, bỏ ăn, uống hoặc tình trạng của trẻ xấu đi cần đưa ngay trẻ đến bệnh viện.
Các hộ gia đình, nhà trẻ mẫu giáo, các hộ trông trẻ tại nhà cần thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường; cần sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân, chất thải của trẻ phải được thu gom, xử lý và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.
Bên cạnh dịch tay chân miệng, Bộ Y tế cũng cảnh báo nguy cơ dịch sởi có thể bùng phát trở lại ở thời điểm đầu năm. Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cũng khẳng định, hiện virus sởi vẫn còn lưu hành, nên không thể chủ quan. Từ đầu năm, Sở Y tế đã triển khai tiêm phòng vaccine sởi đạt khoảng 97% cho trẻ từ 1 đến 10 tuổi. Đến nay đang triển khai tiêm phòng cho trẻ từ 11 đến 14 tuổi tại các trường trung học trên toàn thành phố và đã có trên 300.000 trẻ được tiêm. Sở Y tế Hà Nội phấn đấu tiêm phòng sởi cho 95% số trẻ trong độ tuổi này.
Nguồn: anninhthudo.vn