Tiêm phòng vắc xin Covid-19 là một phương pháp hiệu quả nhất và nhanh nhất để phòng tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh và đặc biệt là ngăn ngừa bệnh tiến triển nặng. Tuy nhiên, để đảm bảo vắc xin phát huy tác dụng một cách tốt nhất, mỗi chúng ta cần tìm hiểu và thực hiện những điều cần chú ý khi tiêm vắc xin phòng Covid-19 dưới đây.
27/10/2021 | Góc tư vấn: Phải làm sao nếu bị đau sau tiêm Covid-19? 19/10/2021 | Nhật ký tiêm Covid-19: sau tiêm sốt bao nhiêu độ thì uống hạ sốt? 29/09/2021 | Sau tiêm Covid bị đau họng có phải là tác dụng phụ của vắc xin không?
1. Vắc xin Covid-19 được chỉ định, trì hoãn và chống chỉ định với những trường hợp nào?
1.1. Những trường hợp được chỉ định tiêm vắc xin Covid-19
Hiện nay, có 2 nhóm đối tượng được chỉ định tiêm phòng Covid-19 là nhóm trẻ em, thanh thiếu niên từ 12 đến dưới 18 tuổi và nhóm người trưởng thành từ 18 tuổi trở lên. Những người trong nhóm tuổi này được tiêm chủng khi đảm bảo đủ điều kiện tiêm chủng của nhà sản xuất và không quá mẫn với bất cứ thành phần nào của thuốc.
1.2. Những trường hợp cần cẩn trọng, trì hoãn hoặc chống chỉ định tiêm
+ Những người đã từng bị dị ứng với các dị nguyên.
+ Người mắc bệnh mãn tính hoặc đang có bệnh lý nền, chưa được điều trị dứt điểm.
+ Người không làm chủ được hành vi.
+ Những trường hợp bị rối loạn đông máu, từng bị giảm tiểu cầu.
+ Phụ nữ đang mang thai từ 13 tuần trở lên.
+ Những trường hợp bị nhiễm trùng, hay sốt trên 37,5 độ C.
+Những đối tượng có thể trạng sức khỏe không tốt, mạch yếu, huyết áp quá cao hoặc quá thấp.
Phụ nữ mang thai trên 13 tuần nên thận trọng khi tiêm vắc xin Covid-19
+ Những người đã từng nhiễm Covid-19 trong khoảng 6 tháng trở lại.
+ Trường hợp đang mắc bệnh cấp tính.
+ Phụ nữ có thai dưới 13 tuần.
+ Những trường hợp từng bị sốc phản vệ cấp độ 2 hay dị ứng với bất kỳ thành phần nào của vắc xin hoặc có bất cứ chống chỉ định nào theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
2. Những điều cần chú ý khi tiêm vắc xin phòng Covid-19
Dưới đây là những điều cần chú ý khi tiêm vắc xin phòng Covid-19:
+ Cung cấp thông tin chính xác, trung thực: Khi đăng ký tiêm, bạn cần cung cấp những thông tin chính xác về độ tuổi, thể trạng sức khỏe, tiền sử bệnh lý, những loại thuốc đang điều trị, tiền sử dị ứng, có đang tiêm loại vắc xin nào khác không,…
+ Trước khi tiêm, cần lưu ý không sử dụng thuốc giảm đau hay uống các chất kích thích, đồ uống có cồn. Bên cạnh đó, nên ăn uống đầy đủ để tăng cường sức đề kháng trước khi tiêm.
Đeo khẩu trang khi tiêm để hạn chế nguy cơ lây nhiễm bệnh
+ Khi đi tiêm cần tuân thủ theo đúng những quy định phòng chống dịch của Bộ Y tế để hạn chế nguy cơ lây nhiễm bệnh. Chẳng hạn như, đeo khẩu trang đầy đủ, thường xuyên rửa tay bằng cồn hay dung dịch sát khuẩn, giữ khoảng cách 2m với người khác, không tụ tập đông người.
+ Dù là mũi đầu tiên hay các mũi nhắc lại sau đó, bạn vẫn cần đi tiêm đúng ngày quy định để đảm bảo vắc xin có thể mang lại tác dụng phòng chống bệnh tốt nhất.
3. Những vấn đề cần lưu ý sau khi tiêm vắc xin Covid 19
Ngoài những điều cần chú ý khi tiêm vắc xin phòng Covid-19, bạn cũng nên lưu ý đến những vấn đề sau khi tiêm. Cụ thể là:
- Sau khi tiêm, cần ngồi lại nơi tiêm chủng khoảng 30 phút để được nhân viên y tế theo dõi sức khỏe. Trong trường hợp có những tác dụng phụ sớm, phản ứng nghiêm trọng sau khi tiêm thì sẽ được xử trí kịp thời.
Sốt là tác dụng phụ thường gặp sau tiêm
- Sau 30 phút, nếu sức khỏe ổn định, bệnh nhân có thể về nhà và tiếp tục tự theo dõi tại nhà.
- Sau khi tiêm, cơ thể có thể gặp phải một số phản ứng phụ như đau tại vết tiêm, đau cánh tay bên tiêm, đau mỏi cơ, nhức đầu, buồn nôn, có cảm giác ớn lạnh, sốt, phát ban,… Tùy theo cơ địa của mỗi người mà có thể xảy ra những triệu chứng phản ứng khác nhau và mức độ phản ứng cũng khác nhau. Tuy nhiên, những phản ứng này thường nhẹ và có thể chấm dứt sau tiêm khoảng vài ngày.
Bạn không nên lo lắng quá nhưng cũng không nên chủ quan. Trong quá trình theo dõi sức khỏe tại nhà, nếu có bất cứ vấn đề bất thường nào cần đến các cơ sở y tế để được các bác sĩ xử trí sớm. Lưu ý, một số tác dụng phụ nghiêm trọng có thể kể đến như sốt quá cao, vùng tiêm bị sưng đỏ và có biểu hiện lan rộng ra những vùng da bên cạnh, huyết áp bất thường, bệnh nhân bị đau, ngất xỉu,…
- Sau khi tiêm, bạn cũng cần lưu ý một số vấn đề như sau:
+ Uống nhiều nước: Sau khi tiêm, nhất là những trường hợp bị sốt sau tiêm thì việc bổ sung đủ nước để hạn chế nguy cơ mất nước là vô cùng quan trọng. Có thể uống nước lọc, uống các loại nước ép hoa quả hoặc bổ sung nước điện giải theo hướng dẫn của nhà sản xuất và chỉ dẫn của bác sĩ. Nước dừa là một gợi ý rất hợp lý cho bạn vì đây là một loại nước uống ngon ngọt, thanh mát và còn được ví như một chất điện giải tự nhiên, rất phù hợp với những người vừa tiêm phòng.
Sau tiêm nên uống nhiều nước
+ Nên áp dụng một chế độ ăn uống lành mạnh: Sau khi tiêm, cơ thể có thể bị đau nhức, mệt mỏi,… do đó, nên bổ sung những bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng, nhằm giúp cơ thể có thêm năng lượng, tăng cường sức đề kháng để hỗ trợ vắc xin phát huy hiệu quả tối đa.
+ Nghỉ ngơi đầy đủ: Đây cũng là một lưu ý rất quan trọng. Sau khi tiêm vắc xin, bạn không nên bê vác nặng, vận động mạnh mà nên nghỉ ngơi đầy đủ hoặc có thể vận động nhẹ nhàng nhằm giúp cơ thể thư giãn, mạch máu lưu thông, hạn chế tác dụng phụ của thuốc.
+ Trong trường hợp đau quá mức hoặc sốt cao, bạn có thể tham khảo bác sĩ để sử dụng một số loại thuốc giảm đau, hạ sốt phù hợp. Lưu ý không nên tự ý dùng thuốc, lạm dụng thuốc để tránh gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
+ Sau khi tiêm, không sử dụng chất kích thích như rượu bia, thuốc lá,… để tránh gây ảnh hưởng đến sức khỏe và làm giảm tác dụng của vắc xin.
Những điều cần chú ý khi tiêm vắc xin phòng Covid-19 trên đây hy vọng có thể giúp bạn trang bị những kiến thức đầy đủ nhất về trước và sau khi tiêm phòng để ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm Covid-19 hiệu quả nhất. Bạn có thể liên hệ đến Hotline 1900 56 56 56 để được chuyên gia của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC tư vấn cụ thể hơn.