Độc tính của thuốc gây tê tại chỗ | Medlatec

Độc tính của thuốc gây tê tại chỗ

Ngày 20/08/2015 BS. Nguyễn Hữu Trường (BV Bạch Mai)

Các biểu hiện nhiễm độc cấp tính thường xảy ra do nồng độ thuốc tăng nhanh trong máu. Do đó, khi tiêm nhanh một liều nhỏ của thuốc gây tê cũng có thể gây ra các biểu hiện nhiễm độc cấp tính.


Các loại thuốc gây tê tại chỗ như novocain, lidocain, bupivacain thường được sử dụng để giảm đau trong các thủ thuật và tiểu phẫu thuật ở ngoài da và niêm mạc hoặc để phong bế các dây thần kinh cảm giác. Nói chung, nếu được sử dụng đúng cách, các thuốc này thường chỉ tác dụng tại chỗ mà ít được hấp thu vào máu nên ít gây tác dụng phụ toàn thân. Bên cạnh các phản ứng dị ứng, tình trạng nhiễm độc do nồng độ thuốc trong máu cao quá mức cho phép cũng là một trong các tác dụng phụ thường gặp nhất với nhóm thuốc này. Sau khi gây tê, nồng độ thuốc tê có thể tăng cao trong máu vì nhiều lý do khác nhau như thuốc gây tê được tiêm vào mạch máu, tốc độ tiêm quá nhanh, dùng vượt quá liều quy định hoặc do thuốc hấp thu vào máu quá nhanh khi gây tê ở một vùng giàu mạch máu (đặc biệt là các vùng niêm mạc). Khi phong bế thần kinh liên sườn bằng các thuốc gây tê, thuốc cũng hấp thu nhanh hơn so với khi tiêm dưới da nên nồng độ thuốc trong máu cũng có thể tăng cao.

Các biểu hiện của nhiễm độc thuốc gây tê

Nhiễm độc thuốc gây tê chủ yếu ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương và hệ tim mạch, trong đó, các biểu hiện ở hệ thần kinh trung ương thường gặp hơn và xảy ra sớm hơn so với các biểu hiện ở hệ tim mạch. Các biểu hiện nhiễm độc cấp tính thường xảy ra do nồng độ thuốc tăng nhanh trong máu. Do đó, khi tiêm nhanh một liều nhỏ của thuốc gây tê cũng có thể gây ra các biểu hiện nhiễm độc cấp tính.

                                           

Biểu hiện ở hệ thần kinh trung ương: Các biểu hiện do kích thích hệ thần kinh trung ương thường xảy ra sớm, giai đoạn muộn là các biểu hiện do tác dụng ức chế thần kinh của thuốc. Những trường hợp nhẹ hoặc trong giai đoạn sớm, người bệnh thường có biểu hiện hoa mắt, chóng mặt, ù tai, tê bì đầu chi, rối loạn vị giác, lú lẫn và buồn ngủ. Trong quá trình tiêm, thầy thuốc cần liên tục hỏi bệnh nhân về cảm giác của họ, nếu có dấu hiệu nghi ngờ có nhiễm độc thuốc, cần ngay lập tức ngừng tiêm. Những trường hợp nặng, người bệnh có thể co giật, mất ý thức, hôn mê, suy hô hấp và ngừng thở. Tùy thuộc vào loại thuốc và tốc độ tăng của nồng độ thuốc trong máu, bệnh nhân có thể tỉnh lại sau một thời gian ngắn.

Các biểu hiện ở hệ tim mạch: Ở các trường hợp nhiễm độc nhẹ hoặc trong giai đoạn sớm, người bệnh thường có nhịp tim nhanh và tăng huyết áp, đặc biệt là khi thuốc gây tê được tiêm kết hợp với  adrenalin. Sau đó người bệnh thường biểu hiện nhịp tim chậm và tụt huyết áp. Những trường hợp nặng, người bệnh có trụy tim mạch và rối loạn nhịp tim do tác dụng gây độc trực tiếp của thuốc tê trên tế bào cơ tim. Nói chung, bupivacain có độc tính trên cơ tim cao hơn so với lidocain. Rối loạn nhịp tim do thuốc gây tê có thể rất nặng và dai dẳng, khó điều trị. Nồng độ thuốc gây tê đủ để gây trụy tim mạch thường cao gấp 4 - 7 lần nồng độ thuốc đủ để gây ra co giật.

                                                           


Dự phòng

Để giảm thiểu nguy cơ nhiễm độc thuốc gây tê tại chỗ, cần sử dụng đúng liều thuốc, lựa chọn những thuốc ít độc tính, giảm liều thuốc ở những người bệnh lớn tuổi hoặc có thể trạng gày yếu, tiêm thuốc chậm và lưu ý rút pit tông liên tục trong khi tiêm xem có máu ra không để đề phòng tiêm vào mạch máu. Tiêm thuốc gây tê đồng thời với adrenalin (epinephrin) cũng là một biện pháp có thể giúp giảm tốc độ hấp thu thuốc vào máu. Các nghiên cứu cho thấy, việc tiêm phối hợp với adrenalin gây giảm nồng độ tối đa của thuốc gây tê trong máu khoảng 50%. Adrenalin thường được pha ở nồng độ 1/200.000, với liều tối đa là 200 microgam. Cần lưu ý là việc tiêm phối hợp với adrenalin sẽ không giúp giảm được độc tính của thuốc gây tê nếu hỗn hợp thuốc được tiêm vào mạch máu.

Nên đặt sẵn đường truyền tĩnh mạch và chuẩn bị các thuốc và phương tiện cấp cứu trước khi gây tê. Sau khi gây tê, người bệnh cũng cần được theo dõi tại cơ sở y tế để phát hiện sớm các độc tính của thuốc có thể xảy ra sau đó.

Điều trị

Nếu người bệnh có các dấu hiệu nghi ngờ nhiễm độc thuốc gây tê trong quá trình tiêm, cần ngay lập tức ngừng tiêm và mở đường truyền tĩnh mạch. Phải đảm bảo thông thoáng đường thở và cho bệnh nhân thở ôxy nồng độ cao nếu có. Cung cấp đủ ôxy giúp ngăn ngừa tổn thương não, tình trạng co giật và các rối loạn nhịp tim khó kiểm soát. Nếu bệnh nhân co giật, có thể dùng diazepam tiêm tĩnh mạch hoặc đặt hậu môn. Các trường hợp hôn mê phải nhanh chóng đặt ống nội khí quản và cho bệnh nhân thở máy. Nếu bệnh nhân bị trụy tim mạch, cần điều trị bằng truyền dịch và các thuốc co mạch như ephedrin. Nếu ephedrin không hiệu quả, có thể dùng adrenalin dung dịch 1:1000 tiêm dưới da 0,3ml hoặc dung dịch 1:10,000 tiêm tĩnh mạch chậm 0,5 - 1ml. Điều trị các rối loạn nhịp tim nếu có, ép tim khi có ngừng tuần hoàn.

Nhiễm độc thuốc gây tê thường có tiên lượng tốt nếu người bệnh được phát hiện và điều trị sớm. Tình trạng nhiễm độc thường nhanh chóng hồi phục nếu được điều trị đúng.

Nguồn: suckhoedoisong.vn

Đăng ký khám, tư vấn

Tại sao nên chọn bệnh viện đa khoa MEDLATEC

Bệnh viện đa khoa nhiều năm kinh nghiệm.
Đội ngũ giáo sư, bác sĩ đầu ngành
Đội ngũ giáo sư, bác sĩ đầu ngành
Cơ sở vật chất hiện đại
Áp dụng thanh toán bảo hiểm y tế lên tới 100%
Quy trình khám chữa bệnh nhanh chóng
Chi phí khám chữa bệnh hợp lý.

Tin cùng chuyên mục

Hối hận không kịp vì bỏ điều trị, chỉ dùng thuốc “bổ gan”

Đang sống chung ổn định bệnh viêm gan B 20 năm nhờ theo phác đồ điều trị, nhưng khi nghe người thân mách , bệnh nhân đã bỏ tây y, uống thuốc “bổ gan” với hy vọng khỏi hẳn. Hiệu quả đâu chưa thấy chỉ thấy rơi vào tình trạng suy gan không thể phục hồi.
Ngày 10/06/2016

Dùng insulin kết hợp metformin giảm nguy cơ đau tim

Insulin khi dùng kết hợp với metformin - một loại thuốc giá rẻ và phổ biến - giúp kiểm soát hàm lượng đường huyết có khả năng giảm nguy cơ tử vong và nhồi máu cơ tim ở người bị tiểu đường típ 2.
Ngày 11/05/2016

Sử dụng aspirin phòng nguy cơ đau tim, đột quỵ Cân nhắc giữa lợi ích và rủi ro

Chỉ có bác sĩ chuyên khoa mới là người quyết định việc sử dụng thường xuyên aspirin ngăn chặn cơn đau tim hoặc đột quỵ trong trường hợp cụ thể của bạn. Vì aspirin chỉ có thể ngăn chặn những vấn đề này ở một số người chứ không phải tất cả mọi người.
Ngày 27/12/2015

Giúp bệnh nhân gút đối phó với dị ứng thuốc

Allopurinol là hoạt chất được coi như “vũ khí lợi hại”, biện pháp chính để làm giảm axit uric máu, yếu tố nguy cơ quan trọng nhất của bệnh gout (gút), có thể dùng cho mọi bệnh nhân gút. Dị ứng với allpourinol tuy chỉ gặp ở khoảng 5% số người sử dụng thuốc này nhưng đây lại là một điều rất không may cho bệnh nhân gút, vì họ sẽ phải chật vật thực hiện biện pháp khác thay thế để làm giảm bớt tiến triển xấu của bệnh gút.
Ngày 27/12/2015
Call Now
  Đặt lịch lấy mẫu tại nhà
  Đặt lịch KSK doanh nghiệp