Trao đổi với phóng viên, PGS.TS.Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, bữa sáng vô cùng quan trọng đến sức khỏe con người.
Bữa ăn sáng là bữa ăn chính quan trọng nhất trong ngày vì nhiều lý do: đây là bữa ăn đầu tiên sau một khoảng thời gian dài ngưng ăn 10 - 12 tiếng đồng hồ, từ bữa ăn tối hôm trước nên cơ thể rất cần được nạp năng lượng.
Thông thường, chúng ta hoạt động nhiều vào buổi sáng, nên để bắt đầu một ngày mới đầy sức sống, cơ thể rất cần được cung cấp đủ năng lượng và dưỡng chất.
Dù là người đang trong chế độ ăn giảm cân hay không muốn tăng cân cũng cần phải có bữa sáng vì năng lượng từ bữa ăn sáng thường được sử dụng hết chứ không tích luỹ trong cơ thể như năng lượng từ những bữa ăn chiều tối.
Một điều quan trọng nữa là thức ăn vào dạ dày buổi sáng có tác dụng kích thích sự tiết dịch vị cả ngày làm cho cơ thể tiêu hoá tốt hơn, duy trì khả năng tiêu hoá và sự thèm ăn. Nên cách ăn hợp lý nhất là ăn đầy đủ vào buổi sáng, buổi trưa, ăn ít trong bữa tối.
Bác sĩ Lâm phân tích, đối với người trưởng thành, nếu nằm yên cũng cần cung cấp khoảng 1.400Kcal năng lượng cho những hoạt động tối thiểu; làm việc chân tay 5.000 - 6.000Kcal; leo gác cần gấp cả chục lần khi nằm.
Trẻ em cần nhiều hơn người lớn. Mang thai cần nhiều hơn phụ nữ bình thường… Nguồn năng lượng chủ yếu là do sự đốt cháy hay oxy hóa các loại thức ăn.
Thức ăn có nhiều loại, nằm trong bốn nhóm: chất bột đường, chất béo, chất đạm và chất khoáng, vitamin. Các chất dinh dưỡng này qua quá trình thoái biến, oxy hóa sẽ sinh ra năng lượng cho cơ thể hoạt động. Khi thiếu ăn, cơ thể tạm tự tiêu hóa bản thân (autodigestion) làm cơ thể gầy sút nhanh chóng.
Theo bà Lâm, ăn sáng là bữa ăn “xóa đói”, là bữa ăn quan trọng nhất đầu tiên cho cả ngày. Một bữa ăn sáng tốt cung cấp được một phần ba năng lượng calo trong ngày và ăn điểm tâm đúng mức sẽ là tiền đề cho con người sảng khoái, tăng độ tập trung, tăng tính sáng tạo và tràn đầy cảm xúc hăng hái làm việc.
Đối với bữa ăn trưa, con người chỉ cần ăn vừa phải để bổ sung thêm phần tiêu hao do làm việc buổi sáng.
Buổi ăn tối là bữa bổ sung, khi cảm thấy còn hơi “lưng bụng” thì nên ăn thêm miếng cháo hoặc uống thêm ly sữa trước khi đi nằm.
Các nhà dinh dưỡng đã chỉ rõ cách phân bố bữa ăn khoa học là: Sáng điểm tâm rất nặng - trưa ăn vừa phải - chiều ăn nặng - tối ăn lót lòng.
Chuyên gia cũng cảnh báo: “Lười ăn sáng sẽ ảnh hưởng đến công việc, suy giảm miễn dịch, viêm loét dạ dày, nguy cơ béo phì, lão hóa nhanh, táo bón...”
Ăn sáng thế nào cho đúng?
Các món ăn nóng và dễ tiêu hóa như cháo, sữa nóng: Khi vừa thức giấc, thân nhiệt sẽ tăng dần nhưng các cơ quan trong cơ thể chưa kịp thích ứng. Lúc này ăn uống đồ lạnh sẽ ảnh hưởng đến hệ tuần hoàn, khiến máu khó lưu thông, lâu dần sẽ dẫn đến cảm giác kém ăn, da mất độ sáng bóng, cổ họng có đờm, cơ thể dễ bị cảm lạnh. Các triệu chứng này cho thấy dạ dày bị tổn thương, thậm chí còn ảnh hưởng đến chức năng miễn dịch của cơ thể.
Kết hợp nhiều loại thực phẩm giàu chất bột đường để cung cấp năng lượng cho não hoạt động (ngũ cốc, bánh mì…); chất đạm giúp não hoạt động minh mẫn, sáng tạo, linh hoạt (trứng gà, thịt nạc…); chất béo và các vitamin, khoáng chất khác cũng cần thiết cho não làm việc với hiệu suất cao.
|