Những bà bầu tiếp xúc với không khí ô nhiễm có nguy cơ sinh con bị chứng tăng động giảm chú ý cao gấp 5 lần, các nhà khoa học tuyên bố.
Theo các nhà nghiên cứu tại Đại học Columbia (Mỹ), nguy cơ bị tăng động giảm chú ý (ADHD) xuất hiện ở những đứa trẻ 9 tuổi gia tăng đáng kể nếu ngay từ lúc ở trong bụng mẹ chúng đã phải tiếp xúc với nồng độ cao chất ô nhiễm trong không khí, gọi là các hydrocacbon thơm đa vòng (PAH).
So sánh với những trẻ tiếp xúc với nồng độ PAH thấp, những trẻ tiếp xúc với chất này ở nồng độ cao có mức tăng cả về số triệu chứng lẫn cường độ các triệu chứng này, trưởng nhóm nghiên cứu, giáo sư về khoa học y tế môi trường Frederica Perera, Trường Y tế công cộng, Đại học Columbia cho hay.
|
Ảnh minh họa: Cbc.ca.
|
Giáo sư về tâm thần học Stephen Faraone, Trường y khoa SUNY Upstate ở Syracuse, New York - người thẩm tra kết quả nghiên cứu cũng cho rằng, các chất ô nhiễm và những nhân tố môi trường khác có khả năng tương tác với chất di truyền của em bé trong bụng mẹ, từ đó khiến trẻ tăng nguy cơ mắc ADHD sau này.
"Điều này có nghĩa là khi não đang phát triển, các chất độc này làm thay đổi điều gì đó trong chức năng kết nối hay cấu trúc của não, trực tiếp dẫn tới ADHD", giáo sư Farraone nói. Ông nhấn mạnh rằng những nghiên cứu như thế này chứng minh mối liên quan nhưng không phải là nguyên nhân và tác động trực tiếp trong mối quan hệ giữa ô nhiễm không khí và bệnh tăng động giảm chú ý.
Theo Trung tâm ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh Mỹ, chất PAH là hóa chất được hình thành từ sự cháy không hoàn toàn của than, dầu mỏ, khí đốt, gỗ, rác nhà bếp hay những chất rắn hữu cơ khác. Các nhà nghiên cứu cho rằng giao thông, lò sưởi trong gia đình và các nhà máy điện đốt than là những nguồn chính thải ra chất PAH.
Nghiên cứu thực hiện với hơn 230 phụ nữ mang thai không hút thuốc, ở thành phố New York và các con của họ. Các chuyên gia đánh giá mức độ tiếp xúc với chất PAH bằng cách tìm kiếm hóa chất này trong máu của mẹ và máu từ cuống rốn. Một điều tra sau đó được thực hiện để kiểm tra hành vi của từng đứa trẻ bằng cách để phụ huynh điền vào bảng câu hỏi nhằm phát hiện các triệu chứng ADHD.
Các tác giả nghiên cứu thấy rằng trẻ sinh ra từ những bà mẹ tiếp xúc với nồng độ cao PAH suốt quá trình mang thai có tỷ lệ con mắc ADHD cao hơn 5 lần so với các bà mẹ tiếp xúc ít hoặc không tiếp xúc với hóa chất này. Các bà mẹ mang thai lo ngại về chất PAH nên tránh tiếp xúc với khói thuốc, không đốt nến hay nhang trong nhà, sử dụng quạt thông gió đúng cách khi nấu nướng. Bạn cũng có thể sử dụng thiết bị lọc không khí để hạn chế hóa chất này.
Tuy nhiên, theo các tác giả nghiên cứu, những nguồn trên thải ra PAH không thấm vào đâu so với ô nhiễm không khí. Con người thậm chí không ý thức được khi mình tiếp xúc với không khí ô nhiễm và không khí ô nhiễm ngoài trời không chỉ có ở ngoài ngôi nhà của bạn, nó xâm nhập cả vào môi trường bên trong.
Nguồn: vnexpress.net