Theo đông y, nguyên nhân chủ yếu của bệnh gout là do thấp nhiệt uẩn kết, làm khớp sưng đỏ, đau, nóng. Phiền táo, khát, nước tiểu vàng, đỏ, đầu đau, sốt, sợ lạnh, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng nhạt, mạch nhu, sác.
Bệnh gout là một dạng bệnh thấp khớp làm người bệnh rất đau, do ứ đọng những tinh thể uric acid nhọn như kim ở tổ chức liên kết, ở ổ khớp hay cả hai. Sự ứ đọng này dẫn tới viêm khớp với các triệu chứng sưng, nóng, đỏ, đau và cứng khớp.
Người bị bệnh gout phải điều trị tích cực bằng tây y và đông y. Điều quan trọng không kém là chế độ ăn uống, phải kiêng cữ rất nhiều thứ, nếu không bệnh sẽ tăng nặng.
Không được ăn những thực phẩm giàu đạm như các loại hải sản, thịt đỏ như thịt trâu, bò, dê, heo rừng…; phủ tạng động vật như lưỡi, lòng, tim, gan, thận, óc…; trứng gia cầm, đặc biệt là trứng lộn như cút, gà, vịt.
Trong khẩu phần ăn hằng ngày, cần chú ý giảm các loại đạm có trong thịt gà, vịt, heo…., trong các loại hải sản như cua, ốc, lươn.
Kiêng tất cả các loại thực phẩm có tốc độ tăng trưởng nhanh như măng tre, măng trúc, măng tây, nấm, giá, bạc hà… vì sẽ làm gia tăng tốc độ tổng hợp acid uric trong cơ thể.
Giảm các thực phẩm giàu chất béo no như mỡ, da động vật, thức ăn chiên, quay, thực phẩm chế biến với các chất béo no như mì tôm, các loại thức ăn nhanh.
Người bị bệnh gout tuyệt đối cấm dùng rượu bia. Không được dùng đồ uống có gaz, nước ngọt. Giảm các đồ uống có tính toan như nước cam, chanh, nước trái cây giàu vitamin C vì làm tăng nguy cơ kết tinh urate ở ống thận, tăng nguy cơ sỏi thận.
Các loại thực phẩm giàu chất xơ như dưa leo, củ sắn, cà chua… rất tốt cho người bị bệnh gout. Chất xơ làm chậm quá trình hấp thu đạm, làm giảm thoái hoái biến đạm để sinh năng lượng, do vậy làm giảm sự hình thành acid uric.
Nên uống nước khoáng không ga có độ kiềm cao giúp tăng đào thải acid uric và hạn chế sự kết tinh urate tại ống thận, làm giảm nguy cơ sỏi thận. Lưu ý, người bị bệnh gout rất cần nước, nên uống hơn 3 lít nước mỗi ngày.
Nguồn: nld.com.vn