Prolactin là hormone có cả nam và nữ, được tiết ra từ thùy trước của tuyến yên (nằm ở não). Prolactin có nhiều vai trò khác nhau trong cơ thể, nhưng vai trò quan trọng nhất là kích thích sản xuất sữa ở phụ nữ.
Prolactin (viết tắt là PRL), là một là hormone peptide, được mã hóa bởi gen prolactin (PRL gene) [3]. Ở người, prolactin tồn tại dưới 3 dạng peptide nhỏ (có khối lượng phân tử 4, 16 và 22 kDa) và một số peptide có khối lượng phân tử lớn hơn. Prolactin có vai trò kích thích các tuyến sữa sản xuất sữa, đồng thời cũng tác động lên nhiều chức năng khác của tế bào [1]. Prolactin được tiết ra từ thùy trước tuyến yên trong sự đáp ứng với sự ăn uống, giao phối, điều trị với estrogen, trong sự rụng trứng và cho con bú (Hình 1).
Hình 1. Các yếu tố ảnh hưởng đến sự bài tiết của prolactin. Nghĩa của một số từ: hypothalamus: vùng dưới đồi, anterior pituitary: thùy trước tuyến yên, prolactin-releasing factors: các yếu tố giải phóng prolactin, prolactin-inhibitory factors: các yếu tố ức chế prolactin, GABA: gamma-aminobutyric acid, …
Hormone Prolactin có cơ chế tác động tương tự như cytokine, có vai trò trong sự trao đổi chất và điều hòa hệ thống miễn dịch. Prolactin có các vai trò quan trọng liên quan đến chu kỳ tế bào như các quá trình sinh trưởng (growth), biệt hóa (differentiating) và chống sự chết của tế bào theo chương trình (anti-apototic). Như một yếu tố tăng trưởng, prolactin gắn với các thụ thể cytokine, ảnh hưởng sâu sắc đến sự tạo máu, sự sinh mạch máu và tham gia điều hòa quá trình đông máu thông qua một số con đường. Prolactin tác động đến các tế bào đích qua thụ thể prolactin và qua một số thụ thể cytokine [1].
Sự bài tiết prolactin của tuyến yên (pituitary ) được điều hòa bởi các tế bào thần kinh nội tiết ở vùng dưới đồi (hypothalamus).
Xét nghiệm prolactin có thể được sử dụng cùng với một số xét nghiệm về nội tiết tố (hormone) khác để:
- Xác định các nguyên nhân gây ra sản xuất sữa khi mẹ không mang thai hoặc cho con bú;
- Chẩn đoán nguyên nhân của rối loạn kinh nguyệt hoặc vô sinh ở phụ nữ;
- Chẩn đoán nguyên nhân của vô sinh và rối loạn chức năng cương dương ở nam giới;
- Phát hiện, chẩn đoán, đánh giá hiệu quả điều trị và phát hiện sự tái phát của khối u sản xuất thừa prolactin (prolactinomas) ở cả nam và nữ;
- Đánh giá chức năng thùy trước tuyến yên hoặc các rối loạn tuyến yên khác ở cả nam và nữ.
1. Khi nào chỉ định xét nghiệm hormone prolactin
Xét nghiệm prolactin có thể được chỉ định ở cả nữ giới và nam giới trong các trường hơp sau:
1.1. Ở nữ giới
Ở nữ giới, xét nghiệm prolactin có thể được chỉ định nếu có biểu hiện triệu chứng của khối u sản xuất thừa prolactin, là một khối u lành tính (không phải ung thư) ở tuyến yên. Các triệu chứng của u sản xuất thừa prolactin gồm:
- Đau đầu không rõ nguyên nhân;
- Suy giảm thị lực;
- Tiết sữa không liên quan đến việc sinh con hoặc cho con bú.
Xét nghiệm prolactin cũng có thể được chỉ định ở phụ nữ có vấn đề về vô sinh, chu kỳ kinh nguyệt không đều và suy giáp.
1.2. Ở nam giới
Ở nam giới, xét nghiệm prolactin có thể được chỉ định ở bệnh nhân có biểu hiện các triệu chứng của u sản xuất thừa prolactin, như:
- Đau đầu không rõ nguyên nhân;
- Suy giảm thị lực;
- Giảm ham muốn tình dục hoặc vô sinh.
Xét nghiệm prolactin cũng có thể được chỉ định ở nam giới để kiểm tra rối loạn chức năng tinh hoàn, có mức testosterone thấp, rối loạn chức năng cương dương hoặc chảy sữa ở núm vú.
1.3. Ở cả hai giới
Tùy theo bệnh cảnh lâm sàng, xét nghiệm prolactin có thể được chỉ định ở cả 2 giới để:
- Trong trường hợp của u sản xuất thừa prolactin, việc xét nghiệm cần được tiến hành theo thời gian để theo dõi tiến triển của khối u, đánh giá hiệu quả điều trị và theo dõi tái phát.
- Loại trừ các bệnh lý tuyến yên hoặc vùng dưới đồi: xét nghiệm prolactin được chỉ định cùng với các xét nghiệm hormone khác, chẳng hạn như hormone tăng trưởng (Growth hormone: GH), khi người thầy thuốc nghi ngờ một người bị suy tuyến yên.
- Xét nghiệm prolactin còn được chỉ định để theo dõi bệnh nhân đang điều trị với một số thuốc có thể ảnh hưởng đến sự sản xuất dopamine - một hormon ức chế sự bài tiết prolactin.
Xét nghiệm prolactin kiểm tra tình trạng sức khỏe ở cả hai giới.
2. Ý nghĩa lâm sàng của xét nghiệm prolactin
2.1. Mức độ prolactin trong điều kiện sinh lý bình thường
Mức độ prolactin trong máu người khỏe mạnh bình thường: phụ nữ không mang thai và đàn ông khỏe mạnh bình thường là như sau:
Ở phụ nữ trưởng thành khỏe mạnh bình thường, không có thai, mức độ prolactin trong máu là 127-637 µU/mL, ở phụ nữ có thai là 200 – 4500 µU/mL và ở phụ nữ mãn kinh là 30-430 µU/mL; còn ở nam giới bình thường là 98 – 456 µU/mL.
Mức độ prolactin máu thay đổi rõ rệt trong một ngày, tăng dần trong khi ngủ và đạt đỉnh cao nhất vào buổi sáng. Prolactin trong máu có thời gian bán hủy sinh học chỉ là khoảng 20-30 phút. Vì vậy, thời điểm lấy máu để xét nghiệm prolactin tốt nhất là khoảng 3-4 giờ sau khi thức dậy.
Mức độ prolactin trong máu cũng có thể tăng lên trong một số tình trạng sinh lý bình thường như: sau bữa ăn nhiều thịt [7], sau giao hợp, kích thích núm vú, sau tập thể dục hoặc khi bị căng thẳng (stress).
Ở phụ nữ mang thai và cho con bú, mức độ prolactin trong máu tăng một cách sinh lý.
2.2. Sự tăng mức độ prolactin bệnh lý
Prolactin trong máu cao (hyperprolactinaemia) có thể được thấy trong nhiều bệnh lý sau:
- Khi bệnh nhân có khối u sản xuất và bài tiết thừa prolactin (prolactinomas): các khối u này thường nhỏ, kích thước trên dưới 1 cm. Người ta cho rằng khối u sản xuất thừa prolactin được tạo thành là do sự giảm mức độ dopamine trong tuyến yên và / hoặc một sự cô lập mạch máu của các tế bào u tuyến. Để chẩn đoán u sản xuất thừa prolactin, cần kết hợp giữa việc đo mức độ prolactin máu và chụp cộng hưởng từ (MRI) não để xác định vị trí và kích thước của khối u cũng như kích thước của tuyến yên.
- Khi bệnh nhân có sự giảm estrogen máu (hypoestrogenism), vô sinh do không rụng trứng (anovulatory), ít kinh nguyệt (oligomenorrhoea), vô kinh, tiết sữa bất ngờ và mất ham muốn tình dục ở phụ nữ; rối loạn chức năng cương dương và mất ham muốn tình dục ở nam giới.
- Khi rối loạn ăn uống do chán ăn tâm thần;
- Khi có bệnh tuyến yên hoặc vùng dưới đồi (hypothalamus);
- Khi suy giáp;
- Bệnh thận;
- Bệnh gan;
- Hội chứng buồng trứng đa nang;
- Các khối u và các bệnh khác của tuyến yên.
Ngoài ra, sự căng thẳng (stress) do bệnh tật, chấn thương thành ngực, co giật, ung thư phổi hoặc sử dụng cần sa cũng có thể gây tăng vừa phải mức độ prolactin.
Một số loại thuốc cũng có thể gây ra sự tăng cao prolactin gồm estrogen, thuốc chống trầm cảm, thuốc phiện (opiates), chất kích thích (như các amphetamines), thuốc điều trị tăng huyết áp (như reserpin, verapamil, methyldopa) và một số thuốc điều trị chứng trào ngược dạ dày thực quản (như cimetidine).
2.3. Sự giảm mức độ prolactin bệnh lý
Sự giảm prolactin (hypoprolactinaemia) có thể gặp trong rối loạn chức năng buồng trứng ở phụ nữ [5, 8] và hội chứng trao đổi chất, lo âu, rối loạn chức năng cương dương, xuất tinh sớm [2], ít tinh bào (oligozoospermia), suy nhược tinh trùng (asthenospermia), giảm chức năng túi tinh và suy giảm anhydrogen (hypoandrogenism) [4] ở nam giới. Người ta thấy rằng, các đặc điểm tinh trùng bình thường có thể được phục hồi khi nồng độ prolactin được điều trị trở về giá trị bình thường ở nam giới bị giảm prolactin máu [9].
Mức độ prolactin thấp dưới mức bình thường có thể là biểu hiện của suy tuyến yên.
Một số loại thuốc cũng có thể gây ra sự giảm mức độ prolatin trong máu như dopamine, levodopa hoặc các dẫn xuất alkaloid nấm cựa gà (ergot).
Chú ý:
Vì mức độ pholactin trong máu có thể tăng trong nhiều tình trạng sinh lý khác nhau, cho nên khi xét nghiệm thấy mức độ prolactin cao, cần phải khám kỹ lâm sàng, đánh giá tình trạng sinh lý, bệnh sử và không nên chỉ làm xét nghiệm một lần.
Khi prolactin cao, một số xét nghiệm khác có thể được chỉ định thêm như: testosterone (mức độ thường thấp trong khi nam giới), FSH, LH (để giúp đánh giá sự rụng trứng và khả năng sinh sản), chụp cộng hưởng từ hạt nhân (MRI) não (để hiển thị mở rộng tuyến yên và giúp xác định vị trí khối u ) và kiểm tra mắt (để đánh giá rối loạn thị giác).
Một số người khỏe mạnh có mức độ prolactin cao có thể là do có một dạng prolactin khác trong máu là prolactin đại phân tử (macroprolactin). Prolactin đại phân tử là phân tử prolactin gắn được với một protein miễn dịch (immunoglobulin), không có hoạt tính và không phải là bệnh. Vì thời gian bán hủy của macroprolactin dài hơn của prolactin do có phân tử lớn hơn, đào thải qua thận chậm hơn nên nếu làm lại xét nghiệm sau một thời gian mà mức độ prolactin giảm xuống thì sự tăng này là không phải là do prolactin đại phân tử.
3. Ý nghĩa của prolactin điều trị khối u tuyến vú
Khối u sản xuất thừa prolactin có thể được điều trị bằng các thuốc chủ vận dopamine (dopamine agonists), có tác dụng làm giảm sản xuất prolactin như bromocriptine hoặc cabergoline [6]. Việc điều trị có thể làm giảm nồng độ prolactin, làm giảm các triệu chứng và có khả năng phục hồi khả năng sinh sản. Các loại thuốc này có thể được sử dụng kéo dài nhiều tháng hoặc nhiều năm.
Xét nghiệm prolactin có ý nghĩa trong điều trị khối u tuyến vú.
Phẫu thuật là đôi khi cần thiết nếu khối u sản xuất thừa prolactin có kích thước lớn hoặc không đáp ứng điều trị bằng các thuốc có cơ chế tác dụng giống dopamine. Việc phẫu thuật đòi hỏi tỷ mỷ và cần phải được thực hiện bởi những bác sĩ phẫu thuật có kinh nghiệm. Đôi khi, mặc dù đã điều trị bằng thuốc hoặc phẫu thuật, khối u sản xuất thừa prolactin vẫn có thể tái phát.
KẾT LUẬN
1. Prolactin là một là hormone peptide, có vai trò kích thích các tuyến sữa sản xuất sữa, đồng thời cũng tác động lên nhiều chức năng khác của tế bào.
2. Xét nghiệm prolactin có thể được chỉ định ở nữ khi có các triệu chứng của khối u sản xuất thừa prolactin, rối loạn kinh nguyệt hoặc vô sinh; trong khi ở nam giới, xét nghiệm này còn được chỉ định để chẩn đoán vô sinh, rối loạn chức năng tinh hoàn hoặc cương dương.
3. Mức độ prolactin trong máu có thể thay đổi trong điều kiện sinh lý bình thường, vì vậy, những thay đổi này cần phải được chẩn đoán phân biệt với sự tăng hoặc giảm trong nhiều tình trạng bệnh lý ở cả nam và nữ *.
4. Khối u sản xuất thừa prolactin có thể được điều trị bằng các thuốc có tác dụng giống dopamine để ức chế sản xuất prolacton hoặc phẫu thuật.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bole-Feysot C, Goffin V, Edery M, et al. Prolactin (PRL) and its receptor: actions, signal transduction pathways and phenotypes observed in PRL receptor knockout mice. Endocr Rev 1998 June; 19 (3): 225-268. (1)
2. Corona G, Mannucci E, Jannini EA, et al. Hypoprolactinemia: a new clinical syndrome in patients with sexual dysfunction. J Sex Med 2009 May; 6 (5): 1457-1466. (42)
3. Evans AM, Petersen JW, Sekhon GS, DeMars R. Mapping of prolactin and tumor necrosis factor-beta genes on human chromosome 6p using lymphoblastoid cell deletion mutants. Somat Cell Mol Gene 1989 May; 15 (3): 203-213. (4)
4. Gonzales GF, Velasquez G, Garcia-Hjarles M. Hypoprolactinemia as related to seminal quality and serum testosterone. Arch Androl 1989; 23 (3): 259-265. (43)
5. Kauppila A, Martikainen H, Puistola U, et al. Hypoprolactinemia and ovarian function. Fertil Steril 1988 Mar; 49 (3): 437-441. (40)
6. Lim EM. Drug treatment of pituitary tumours. Aust Prescr 2009; 32: 19-21.
7. Prolactin. MedLine plus. Retrieved 2014: 10-24. (20)
8. Schwärzler P, Untergasser G, Hermann M, et al. Prolactin gene expression and prolactin protein in premenopausal and postmenopausal human ovaries. Fertil Steril 1997 Oct; 68 (4): 696-701. (41)
9. Ufearo CS, Orisakwe OE. Restoration of normal sperm characteristics in hypoprolactinemic infertile men treated with metoclopramide and exogenous human prolactin. Clin Pharmacol Ther 1995 Sep; 58 (3): 354-359. (44)
*Hiện nay, prolactin và nhiều hormone được định lượng hàng ngày tại Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC, có thể giúp chẩn đoán, đánh giá hiệu quả điều trị và theo dõi tái phát của hầu hết các rối loạn về nội tiết.