Là một kháng nguyên có ở tế bào ruột của thai nhi và khi trưởng thành thì chỉ còn nồng độ rất thấp ở trong máu. Khi bệnh nhân mắc ung thư, đặc biệt các ung thư tế bào biểu mô, nồng độ CEA tăng lên. Các ung thư dạ dày, ruột, vú, phổi, tuyến tuỵ... thường có tăng CEA.
Bình thường nồng độ CEA là 0-5 ng/ml.
Tỷ lệ các bênh nhân ung thư có tăng CEA > 5 ng/ml tuỳ theo các phủ tạng khác nhau nhưng thường dao động từ 50-70%.
Tuy nhiên trong một số bệnh lý không phải ung thư nhưng nồng độ CEA cũng tăng: Bệnh lý dạ dày ruột (polyp, viêm ruột loét, bệnh Crohn), bệnh phổi (khí phế thũng, viêm phế quản mạn), bệnh gan (viêm đường mật, viêm gan mạn tiến triển, xơ gan do rượu), viêm tuyến vú mạn tính, viêm tuỵ mạn. Những người hút thuốc, nồng độ CEA tăng nhưng ít khi vượt quá 10 ng/ml.
Giá trị của xét nghiệm CEA là định hướng chẩn đoán và theo dõi điều trị. CEA tăng không đồng nghĩa là bệnh nhân bị ung thư vì như trên đã đề cập, có rất nhiều bệnh lý không phải ung thư nhưng vẫn có nồng độ CEA tăng... Ngược lại CEA bình thường cũng không loại trừ khả năng bị ung thư vì có tới 30-50% các bệnh nhân ung thư dạ dày, ruột, vú, phổi, tuyến tuỵ... nhưng nồng độ CEA vẫn không cao. Xét nghiệm CEA là xét nghiệm có giá trị để theo dõi điều trị, đặc biệt với các bệnh nhân trước khi điều trị có nồng độ CEA cao.
Nguồn: benhvien108.vn