Sức bền hồng cầu là sức chịu đựng của hồng cầu dưới tác dụng của các dung dịch natri clorua khi hạ thấp dần nồng độ dẫn đến hiện tượng vỡ hồng cầu. Sức bền hồng cầu phụ thuộc vào tính thấm của màng hồng cầu.
24/06/2019 | Ý nghĩa Huyết đồ và chỉ định xét nghiệm Huyết đồ hợp lý 16/01/2018 | Tầm soát tan máu bẩm sinh cho người dân ở Hòa Bình 08/11/2017 | Sàng lọc tiền hôn nhân, tránh bệnh tan máu bẩm sinh
1. Nguyên lí
Màng hồng cầu là màng màng bán thấm, do vậy khi cho hồng cầu vào dung dịch nhược trương, nước sẽ từ ngoài vào trong hồng cầu để cân bằng áp lực thẩm thấu, làm trương to hồng cầu. Dung dịch càng nhược trương nước sẽ vào càng nhiều và hồng cầu càng dễ vỡ. Lợi dụng tính chất đó người ta cho hồng cầu vào một loạt các dung dịch natri clorua (NaCl) nhược trương có nồng độ khác nhau, ở pH = 7,4 để ở nhiệt độ phòng xét nghiệm. Sau một thời gian nhất định quan sát mức độ tan của hồng cầu để đánh giá tính bền vững của màng hồng cầu.
2. Chỉ định
Các trường hợp bệnh nhân nghĩ tới bệnh lý huyết sắc tố và bệnh thiếu máu tan máu.
Ví dụ như: nghi ngờ bệnh lý thalassemia, thiếu hụt men G6PD, bệnh lý vàng da tắc mật, bất thường màng hồng cầu…
Xét nghiệm sức bền hồng cầu được chỉ định ở bệnh nhân nghi ngờ Thalassemia
3. Cách lấy mẫu, bảo quản
- Lấy 3ml máu tĩnh mạch, chống đông bằng heparin (không nên dùng chất chống đông EDTA, citrate hoặc oxalate vì như vậy là cho thêm muối vào môi trường làm thay đổi áp lực thẩm thấu).
- Bảo quản mẫu ở nhiệt độ phòng cần làm xét nghiệm trong vòng 12h kể từ khi lấy máu, bảo quản 4 – 8°C có thể làm xét nghiệm trong vòng 24h sau khi lấy máu.
4. Quy trình kỹ thuật
- Lấy 16 ống nghiệm loại 5ml xếp vào giá, ghi tên tuổi người bệnh, đánh số thứ tự từ 1 đến 16.
- Cho lần lượt 5ml dung dịch nhược trương với các nồng độ lần lượt từ1%o đến 7%o vào 16 ống.
- Đảo nhẹ nhàng ống máu vài lần để trộn kỹ máu trong ống. Nhỏ 100µl máu toàn phần hoặc 20 µl máu đã gạn bỏ huyết tương vào mỗi ống dung dịch nhược trương.
- Lấy bông không thấm nước hoặc nút ống bịt ống nghiệm, nhẹ nhàng đảo ống vài lần
để trộn đều máu và dung dịch trong ống.
- Để các ống nghiệm thẳng đứng trên giá ở nhiệt độ phòng từ 1-2 giờ, sau đó đọc kết quả xem hiện tượng tan máu tại các ống.
Hình ảnh minh họa quy trinh làm kỹ thuật sức bền hồng cầu
5. Nhận định và biện luận kết quả
- Bắt đầu tan: là nồng độ muối tại ống mà khi quan sát thấy phần dịch nổi ở ống đấy
chuyển sang mầu hồng, ở đáy ống nhìn thấy hiện tượng cúc hồng cầu (chính là các hồng cầu không vỡ lắng xuống tạo hình giống hình cúc áo).
- Tan hoàn toàn: là nồng độ muối tại ống mà khi quan sát thấy phần dịch nổi ở ống đấy
có mầu đỏ trong suốt và không còn nhìn thấy cúc hồng cầu ở đáy ống.
* Nhận định kết quả:
Bình thường: Bắt đầu tan từ: 4,5-5‰;
Tan hoàn toàn từ: 3-3,5‰
Sức bền hồng cầu tăng:
- Bắt đầu tan từ: <4,5‰;
- Tan hoàn toàn từ: <3‰
Sức bền hồng cầu giảm:
- Bắt đầu tan từ: >5‰;
- Tan hoàn toàn từ >3,5‰
* Biện luận kết quả :
+ Sức bền hồng cầu giảm: (dễ tan ở nồng độ cao) trong thiếu máu huyết tán, vàng da hủy huyết, trong thiếu máu MINKAWSKI CHAUFAND.
+ Sức bền hồng cầu tăng: (tăng ở nồng độ thấp) trong những bệnh về huyết sắc tố nói chung, ngoài ra còn tăng sau cắt lách, thiếu máu và một số bệnh về gan.
6. Nguyên nhân gây sai số
- Dung dịch nhược trương phải chính xác nồng độ, sau khi pha phải kiểm tra bằng cách tiến hành xét nghiệm với 1-2 hồng cầu của người bình thường xem kết quả có nằm trong giới hạn bình thường không rồi mới sử dụng cho bệnh nhân. Nếu không chính xác phải pha lại.
- Không làm xét nghiệm này khi bệnh nhân được truyền máu chưa được 2 tuần.
- Sai sót trong thủ tục hành chính.
- Do kỹ thuật của người làm xét nghiệm.
- Do nhận định sai kết quả.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Quy trình xét nghiệm đo sức bền hồng cầu theo MED.QTXN.HH.27
2. ‘'Hướng dẫn quy trình kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh chuyên ngành huyết học- truyền máu- miễn dịch- di truyền- sinh học phân tử'' của Bộ Y Tế.