Covid-19 là dạng bệnh nhiễm trùng đường hô hấp do chủng mới của virus corona gây ra, có khả năng lây lan với tốc độ chóng mặt và đang là đại dịch trên toàn cầu. Để kiểm soát bệnh, việc ngăn ngừa lây nhiễm trong cộng đồng là vô cùng quan trọng. Vậy quy trình xử trí bệnh nhân Covid như thế nào, bài viết sau sẽ cùng bạn tìm hiểu về điều đó.
28/04/2021 | Quy trình xét nghiệm Covid - 19 chính xác do Bộ Y tế khuyến cáo 13/11/2020 | MEDLATEC xét nghiệm khẳng định COVID-19 cho người xuất - nhập cảnh 31/10/2020 | Hướng dẫn cách phân biệt Covid - 19 và cúm mùa
1. Tổng quan về bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19
Covid-19 là một dạng bệnh truyền nhiễm mới được phát hiện vào cuối tháng 12/2019 tại Vũ Hán - Trung Quốc và đến nay đã bùng phát thành đại dịch trên toàn cầu. Triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân mắc Covid-19 là sốt, ho, khó thở, mệt mỏi, đau họng, nghẹt mũi, nhức đầu, viêm kết mạc, tiêu chảy, mất vị giác hoặc khứu giác.
Một số triệu chứng của bệnh nhân mắc Covid-19
Những triệu chứng này thường nhẹ và bắt đầu dần dần. Có những người nhiễm bệnh nhưng lại rất ít triệu chứng hoặc thậm chí không có biểu hiện gì. Covid-19 có xu hướng trở nên nặng hơn ở những người cao tuổi và có bệnh nền như huyết áp, tim, phổi, tiểu đường, ung thư,...
Bệnh có khả năng lây nhiễm sang người khác rất nhanh qua những giọt nhỏ từ mũi hoặc miệng của người bệnh khi họ nói, hắt hơi hoặc ho. Những giọt nước này cũng có thể rơi xuống các đồ vật và bề mặt xung quanh người như bàn, tay nắm cửa và tay vịn. Khi chạm phải những bề mặt này rồi chạm lên mắt, mũi, miệng thì người bình thường sẽ bị lây Covid-19.
2. Quy trình xử trí bệnh nhân Covid tại phòng mổ
Tại phòng mổ, quy trình xử trí bệnh nhân Covid diễn ra như sau:
2.1. Xem xét lại chỉ định mổ
- Tối cấp cứu cần tiến hành mổ ngay.
- Nếu cấp cứu có trì hoãn thì cần trì hoãn cho đến lúc có được sự chuẩn bị tốt nhất.
- Nếu không cấp cứu sẽ hoãn mổ.
2.2. Khám gây mê cho người bệnh
- Vào buổi tối khi bệnh nhân được đưa tới cấp cứu, sau khi đã mặc PPE bác sĩ tiến hành khám ngay cho bệnh nhân tại phòng mổ.
- Nếu không mang tính cấp thiết, bệnh nhân cần được tiến hành các xét nghiệm tối thiểu đồng thời hạn chế những thăm dò khác.
- Trong trường hợp bắt buộc phải tiến hành những thăm dò khác cần cân nhắc lợi hại của việc này. Cần ưu tiên thực hiện thăm dò ngay tại phòng mổ, hạn chế tối đa việc di chuyển người bệnh.
- Nếu cấp cứu có trì hoãn thì cần khám trong phòng cách ly, tại nơi được chỉ định mổ, bác sĩ và nhân viên y tế cần mặc PPE.
- Sau khi bệnh nhân đã được khám gây mê, phòng mổ sẽ chuẩn bị trang thiết bị y tế và nhân lực cho ca mổ.
2.3. Đưa người bệnh đến phòng mổ
- Trong quy trình xử trí bệnh nhân Covid yêu cầu phải có kế hoạch cụ thể về đường vận chuyển người bệnh lên phòng mổ và đường chuyển từ phòng mổ về phòng bệnh sau khi mổ xong.
Bác sĩ và đội ngũ nhân viên y tế tuân thủ nghiêm túc quy trình xử trí bệnh nhân Covid trong phòng mổ
- Bệnh nhân cần đội mũ y tế, đeo khẩu trang y tế, ngồi xe lăn, nằm giường hoặc cáng để đến phòng mổ và không nói chuyện trong suốt quá trình di chuyển.
- Nhân viên y tế cần:
+ Thông báo cho phòng mổ sẵn sàng trước khi di chuyển người bệnh.
+ Mặc đồ PPE để di chuyển người bệnh đến phòng mổ theo đường đi đã lên kế hoạch từ trước. Tốt nhất không nên di chuyển bằng thang máy.
+ Điền bảng kiểm an toàn phẫu thuật, bàn giao và đưa thẳng bệnh nhân vào phòng mổ chứ không đưa qua bất kỳ phòng trung gian nào khác.
2.4. Trong phòng mổ
- Nên tiến hành mổ trong phòng áp lực âm. Trường hợp không thể bố trí được phòng áp lực âm, cần tắt toàn bộ hệ thống áp lực dương.
- Trừ bác sĩ gây mê, phụ mổ, phẫu thuật viên, dụng cụ viên và 1 nhân viên chạy ngoài thì tốt nhất không nên cho người ngoài vào phòng mổ. Nếu cần tăng thêm nhân lực thì cân nhắc từng tình huống để thêm nhưng nên hạn chế tối đa về số lượng.
- Liên lạc trong - ngoài phòng mổ nên thực hiện bằng cách ra hiệu hoặc bộ đàm, cố gắng hạn chế mở cửa sổ khi mổ.
- Trừ những tình huống đặc biệt, toàn bộ quy trình xử trí bệnh nhân Covid tốt nhất không nên thay người, đặc biệt là người của kíp mổ.
2.5. Chuẩn bị máy gây mê
- Trước van thở ra của máy thở và ở đường thở vào cần đặt filter lọc.
- Nên dùng máy đo PetCO2 hoặc PetCO2 side-stream.
2.6. Bắt đầu gây mê và đặt nội khí quản
- Bệnh nhân cần được dự trữ oxy 10L/phút qua mask, dặn bệnh nhân nếu có thể hãy cố gắng không ho.
- Đặt nội khí quản nhanh. Trừ trường hợp chống chỉ định, còn lại giãn cơ Suxamethonium 2mg/kg.
- Chỉ sau khi chắc chắn bệnh nhân mất hoàn toàn phản xạ ho mới tiến hành đặt nội khí quản.
- Để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm, mặt người đặt nội khí quản cần tránh xa miệng bệnh nhân với khoảng cách tối đa nhất có thể, ưu tiên đặt nội khí quản bằng camera.
- Trừ trường hợp bắt buộc thì tốt nhất không dùng ống soi mềm để đặt nội khí quản.
- Sau khi ngừng thở, nếu bệnh nhân tụt SpO2 bắt buộc phải thông khí qua mask nhưng phải tránh để khí thở ra của bệnh nhân thoát ra khỏi phòng, cần giữ mask kín tuyệt đối.
- Trừ chỉ định bắt buộc, các trường hợp còn lại tuyệt đối không thở máy kiểu không xâm nhập và không đặt mask thanh quản.
- Trước khi cho người bệnh thở máy áp lực dương sẽ tiến hành bơm cuff kín.
2.7. Duy trì mê
- Tốt nhất nên dùng bộ hút nội khí quản kín và hạn chế hút nội khí quản.
- Trong quy trình xử trí bệnh nhân Covid-19 thoát mê và rút nội khí quản cần hạn chế cơn ho của người bệnh để tránh bắn giọt dịch tiết ra môi trường xung quanh. Sau khi rút nội khí quản, người bệnh cần được đeo khẩu trang phẫu thuật.
- Bệnh nhân có dấu hiệu thiếu oxy không nên gây tê vùng. Các trường hợp còn lại, bệnh nhân cần được gây tê vùng bình thường nhưng cả người bệnh và nhân viên y tế đều cần được trang bị bảo hộ. Người thực hiện gây mê vùng nên là bác sĩ gây mê nhiều kinh nghiệm.
2.8. Sau khi mổ
- Thông báo cho nơi tiếp nhận hậu phẫu chuẩn bị nhận bệnh nhân Covid-19 đã được phẫu thuật xong và chuyển bệnh nhân về đó, không theo dõi bệnh nhân ở phòng hồi sức.
Toàn bộ quá trình chăm sóc, theo dõi diễn tiến bệnh của người bị Covid-19 đều được bác sĩ tuân thủ nguyên tắc đảm bảo an toàn phòng lây bệnh
- Trong quá trình di chuyển người bệnh về phòng hậu phẫu, nhân viên y tế mặc PPE, bệnh nhân đeo khẩu trang phẫu thuật, đi theo đường đi đã lên kế hoạch từ trước đó.
- Có tiên lượng về thở máy và hồi sức tích cực.
- Đưa ra thông báo hồi sức tích cực rồi chuyển ngay về hồi sức tích cực đối với bệnh nhân Covid-19 thở máy. Trước khi chuyển, bệnh nhân cần được thêm thuốc ngủ và giãn cơ. Hạn chế tháo máy thở trong quá trình bệnh nhân di chuyển. Trường hợp cần bóp bóng hãy thực hiện nhẹ nhàng để bệnh nhân không bị ho.
- Đưa ra tiên lượng về rút nội khí quản, về hồi sức tích cực, thông báo hồi sức tích cực rồi rút nội khí quản và theo dõi người bệnh tại phòng dành cho bệnh nhân Covid-19.
- Nhân viên y tế đã mặc PPE khi cởi đồ cần tuân thủ nghiêm ngặt quy trình cởi PPE vì nếu không thực hiện đúng sẽ gây ra nguy cơ lây nhiễm cao. Trước khi cởi PPE cần rửa tay với dung dịch sát khuẩn. Sau khi cởi PPE không được chạm tay vào bất kỳ vùng nào của cơ thể hay bất cứ vật gì cho đến khi tay được rửa lại bằng dung dịch sát khuẩn hoặc xà phòng.
- Toàn bộ rác thải trong quá trình xử trí bệnh nhân Covid cần được cho vào túi nhựa vàng rồi buộc kín sau đó cho tiếp vào một túi nhựa vàng khác và tiếp tục buộc kín. Rác thải này sẽ được mang đi xử lý tiệt trùng tức khắc. Lối đi mà bệnh nhân di chuyển qua cũng cần được tiến hành tiệt trùng ngay.
- Tiến hành tiệt trùng tất cả thiết bị dùng cho ca mổ và phòng mổ của bệnh nhân Covid-19.
Hy vọng những chia sẻ trên đây đã giúp các bạn hiểu và yên tâm về quy trình xử trí bệnh nhân Covid-19. Nếu còn thắc mắc nào khác, bạn đọc có thể liên hệ tổng đài 1900 56 56 56 để được các chuyên viên y tế của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC giải đáp chi tiết.