Tình trạng nhiễm khuẩn đường tiết niệu không chỉ xảy ra ở người lớn mà còn có thể xảy ra ở trẻ em. Bệnh có thể điều trị hiệu quả nếu phát hiện kịp thời. Tuy nhiên, nếu để bệnh lâu ngày có thể dẫn tới những biến chứng nghiêm trọng, thậm chí gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ. Vậy những nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng nhiễm khuẩn tiết niệu ở trẻ em, cách điều trị bệnh và phòng bệnh ra sao?
29/10/2021 | Tổng hợp kiến thức cơ bản về bệnh nhiễm khuẩn tiết niệu 03/08/2021 | Viêm đường tiết niệu ở nữ: dấu hiệu và cách phòng ngừa hiệu quả 03/06/2021 | 6 cách đơn giản phòng tránh nhiễm khuẩn tiết niệu ở trẻ em
1. Những nguyên nhân dẫn tới tình trạng nhiễm khuẩn tiết niệu ở trẻ em
Nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến tình trạng nhiễm khuẩn tiết niệu ở trẻ em là do vi khuẩn, trong đó chủ yếu là vi khuẩn đường ruột, có thể kể đến như e.coli, Enterococcus,…
Hẹp bao quy đầu ở bé trai cũng có thể làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn đường tiết niệu
Ngoài ra, một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn đường tiết niệu ở trẻ như sau:
-
Trẻ nhỏ dưới 2 tuổi: Đây là đối tượng có hệ miễn dịch yếu, vì các cơ quan trong cơ thể chưa phát triển đầy đủ, hoàn thiện nên sẽ có nguy cơ cao mắc nhiều loại bệnh lý, trong đó có nhiễm khuẩn đường tiết niệu.
-
Trẻ mắc phải một số bệnh liên quan đến đường tiết niệu hoặc cấu tạo hệ tiết niệu có những bất thường, dị dạng hệ tiết niệu bẩm sinh. Điều này làm tăng nguy cơ ứ đọng nước tiểu và dẫn đến tình trạng viêm nhiễm.
-
Trẻ bị hẹp bao quy đầu nhưng không được điều trị sớm cũng có thể khiến cho nước tiểu ứ đọng và là điều kiện cho vi khuẩn phát triển, gây bệnh.
-
Trường hợp bàng quang của trẻ bị giãn to, gây mất trương lực, rối loạn co bóp nên không thể đẩy hết nước tiểu ra ngoài khi đi tiểu.
-
Trẻ mắc phải bệnh ứ nước bể thận, sỏi bàng quang, sỏi niệu quản,…
-
Trường hợp trẻ mắc những bệnh gây suy giảm sức đề kháng, trẻ bị nhiễm virus, nhiễm trùng đường hô hấp, trẻ bị tiêu chảy dẫn đến mất nước nghiêm trọng, trẻ bị táo bón,…
-
Do bệnh lý, trẻ phải thực hiện một số thủ thuật xâm lấn và phải đặt ống xông tiểu sau phẫu thuật. Trong quá trình đặt ống xông tiểu, nếu không được đảm bảo vô khuẩn có thể dẫn tới nhiễm khuẩn đường tiết niệu.
-
Một số trẻ bị suy dinh dưỡng kéo dài cũng chính là yếu tố làm tăng nguy cơ bị bệnh.
-
Trẻ vệ sinh vùng kín kém, nhất là sau khi tiểu. Đặc biệt đối với các bé gái, thói quen lau vùng kín từ sau ra trước sẽ vô tình tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn tại hậu môn xâm nhập vào niệu đạo và gây nhiễm trùng đường tiết niệu ở trẻ em.
-
Thói quen uống nước ít và nhịn tiểu của trẻ cũng có thể làm tăng nguy cơ bị nhiễm khuẩn đường tiết niệu.
2. Những triệu chứng của bệnh nhiễm khuẩn đường tiết niệu ở trẻ em
Khi bị nhiễm trùng đường tiết niệu, trẻ có thể xuất hiện những triệu chứng bất thường như sau:
- Trẻ bị tiểu buốt, tiểu rắt, rất khó khăn khi tiểu, đôi khi trẻ phải rặn mới có thể tiểu được.
Tiểu rắt do viêm nhiễm đường tiết niệu
- Trẻ tiểu nhiều hơn về đêm.
- Nước tiểu của trẻ có biểu hiện bất thường: Có màu trắng đục, có cặn, một vài trường hợp nghiêm trọng còn có lẫn mủ trong nước tiểu, đồng thời nước tiểu có mùi hôi hơn bình thường.
- Trẻ bị đau âm ỉ ở vùng hạ vị, đau ở hố thận và đau vùng thắt lưng. Một số trường hợp nhiễm khuẩn tiết niệu ở trẻ em còn kèm theo sốt, có thể sốt cao hoặc sốt nhẹ. Đối với những trường hợp sốt cao trên 39 độ C. Nếu không được điều trị sớm sẽ vô cùng nguy hiểm.
3. Một số biến chứng nguy hiểm của tình trạng nhiễm khuẩn tiết niệu ở trẻ em
Nhiễm khuẩn đường tiết niệu là bệnh phổ biến nhưng chúng ta không nên chủ quan. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, căn bệnh này có thể dẫn đến một số biến chứng phức tạp như nhiễm trùng máu hay nhiễm trùng gây hoại tử ống thận,…
Một số trường hợp ủ bệnh lâu có thể dẫn tới ứ mủ ở quanh thận hoặc tại thận, gây trào ngược bàng quang, niệu quản và gây suy thận.
Sốt do nhiễm khuẩn đường tiết niệu rất nguy hiểm
Đây cũng là căn bệnh có nguy cơ tái phát nhiều lần. Hơn nữa, sau mỗi lần mắc bệnh, nếu không được điều trị cẩn thận, điều trị dứt điểm thì lần điều trị sau sẽ gặp khó khăn hơn rất nhiều. Ngoài ra nếu nhiễm trùng tái phát sẽ khiến trẻ phải chịu tổn thương nặng hơn ở thận, gây sẹo ở thận và có thể dẫn đến suy thận mạn tính.
4. Phải làm sao với tình trạng nhiễm khuẩn tiết niệu ở trẻ em?
Khi thấy trẻ có dấu hiệu bị bệnh, mẹ không nên chủ quan mà cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế càng sớm càng tốt. Các bác sĩ sẽ khám và chẩn đoán bệnh cũng như tìm ra nguyên nhân chính xác gây bệnh. Từ đó, bác sĩ sẽ lên phác đồ điều trị phù hợp với từng bệnh nhân.
Phần lớn những trường hợp mắc nhiễm khuẩn tiết niệu ở trẻ em đều được điều trị bằng thuốc kháng sinh. Một số trẻ bị nhiễm trùng mức độ nặng cần phải nhập viện để theo dõi điều trị. Tuy nhiên, với những trường hợp nhẹ, ít nghiêm trọng, các bác sĩ có thể kể đơn thuốc để bố mẹ cho trẻ uống, chăm sóc và theo dõi con tại nhà.
Hướng dẫn trẻ vệ sinh đúng cách để phòng bệnh
Một đợt điều trị của mỗi bệnh nhân là khác nhau, trung bình có thể kéo dài từ 7 đến 10 ngày.
Trong quá trình điều trị, mẹ nên chú ý cho trẻ uống nhiều nước, đồng thời bổ sung dinh dưỡng cho trẻ để trẻ được tăng cường sức đề kháng giúp cải thiện bệnh nhanh chóng hơn.
Cha mẹ cần hướng dẫn cách vệ sinh vùng kín cho trẻ để hạn chế tình trạng vệ sinh sai cách khiến cho tình trạng nhiễm khuẩn càng nghiêm trọng hơn.
Để phòng bệnh cho trẻ, cha mẹ cần chú ý những điều sau:
- Đối với trẻ sơ sinh, cha mẹ cần quan tâm đặc biệt tới trẻ. Lau khô vùng kín cho trẻ sau khi thay tã cho trẻ. Lưu ý quan sát mỗi khi thay bỉm xem có cặn trắng ở bỉm của trẻ hoặc những bất thường trong nước tiểu của trẻ hay không.
- Hướng dẫn trẻ cách vệ sinh vùng kín để tránh bị nhiễm khuẩn.
- Cho trẻ ăn đủ dinh dưỡng và uống đủ nước mỗi ngày.
Nếu có những thắc mắc về nhiễm khuẩn tiết niệu ở trẻ em cũng như muốn đặt lịch khám sớm cho bé, mẹ có thể liên hệ tới Tổng đài 1900 56 56 56 để được chuyên gia của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC tư vấn.