Trong lao động và sinh hoạt hằng ngày, việc xảy ra những vết thương xây xát, tổn thương da là điều không thể tránh khỏi. Nếu như không biết cách vệ sinh và xử lý sẽ dễ gây ra tình trạng nhiễm trùng và dẫn đến các biến chứng nguy hiểm khó lường. Một trong những kỹ thuật để chẩn đoán nhiễm trùng vết thương hiệu quả đó chính là cấy dịch vết thương. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp những kiến thức bổ ích về xét nghiệm này.
27/04/2020 | Xét nghiệm cấy dịch tai là gì và được thực hiện khi nào? 20/04/2020 | Xét nghiệm cấy dịch họng sẽ phát hiện được những gì? 07/04/2020 | Cấy dịch âm đạo có thể phát hiện được những bệnh phụ khoa nào?
1. Nhiễm trùng vết thương là tình trạng như thế nào?
Nhiễm trùng vết thương xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập vào da thông qua các vết thương, vết loét, bỏng, phẫu thuật. Đối với các vết thương nhẹ, thông thường sẽ tự khỏi nhờ cơ chế tự liền da hoặc có thể nhờ tác động của thuốc. Tuy nhiên một số trường hợp vết thương quá nặng hoặc vệ sinh, chăm sóc không đúng cách tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập và gây ra nhiễm trùng.
Ngoài các vết thương xảy ra khi lao động, sinh hoạt, tình trạng nhiễm trùng còn xảy ra sau khi thực hiện phẫu thuật. Đây là một biến chứng rất nguy hiểm và là nguyên nhân gây tử vong cao ở những bệnh nhân phẫu thuật. Nhiễm trùng vết mổ gây kéo dài thời gian nằm viện, giảm khả năng hồi phục, tăng chi phí điều trị và nguy cơ tử vong cao.
Hình 1: Tình trạng nhiễm trùng vết thương xảy ra khá phổ biến
Một số những triệu chứng của nhiễm trùng vết thương cần chú ý như:
- Vết thương chảy nhiều dịch màu vàng, vàng xanh, có mùi hôi khó chịu, nhiều mủ.
- Vết thương hoặc vùng da xung quanh cảm thấy đau tức, có thể sưng đỏ, phù nề, cảm giác đau đớn sẽ ngày một tăng dần.
- Có thể thấy xuất hiện các vết đỏ vùng da xung quanh miệng vết thương.
- Một số trường hợp bệnh nhân có sốt đi kèm với mệt mỏi toàn thân, tình trạng sốt sẽ phụ thuộc mức độ vết thương nặng hay nhẹ.
Nhiễm trùng vết thương nếu được xác định nhanh chóng và chính xác tác nhân vi khuẩn gây bệnh sẽ giúp bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả và kịp thời, hạn chế tối đa những biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe.
2. Xét nghiệm cấy dịch vết thương và cách lấy bệnh phẩm
Cấy dịch vết thương là phương pháp nuôi cấy dịch hoặc mủ tiết ra từ các vết thương hở, qua đó nhằm phát hiện sự có mặt của vi khuẩn gây nhiễm trùng. Các chất dinh dưỡng có trong đĩa thạch sẽ kích thích sự phát triển của vi khuẩn mọc thành các khuẩn lạc. Chúng được xác định tên chủng loại thông qua nhuộm Gram, thử tính chất sinh vật hóa học và các test định danh khác.
Cách lấy bệnh phẩm dịch vết thương khá đơn giản và nhanh chóng. Thông thường khi có nhiễm trùng, từ các miệng vết thương sẽ có dịch màu vàng hoặc vàng xanh chảy ra. Nhân viên y tế sẽ sát khuẩn vùng da xung quanh bằng cồn 70 độ và dùng que tăm bông sạch vô khuẩn để quệt lấy dịch và cho vào ống vô trùng có nắp đậy. Ngoài tăm bông có thể sử dụng bơm kim tiêm để hút lấy dịch nếu cần.
Hình 2: Dùng que tăm bông lấy dịch vết thương
Trong một số trường hợp vết thương không có nhiều dịch chảy ra hoặc nằm quá sâu, sau khi sát khuẩn cồn 70 độ, cần lau sạch phần trên vết thương bằng nước muối sinh lý. Sau đó dùng que tăm bông vô khuẩn phết sâu xuống vị trí tổn thương để lấy được dịch mủ, phần mô dập nát, cho vào lọ đựng bệnh phẩm chuyên dụng và gửi nhanh chóng đến phòng xét nghiệm.
Bệnh phẩm nên được vận chuyển về phòng xét nghiệm càng sớm càng tốt, tối đa trong vòng 2 tiếng, với dịch được lấy trong bơm kim tiêm có thể bảo quản lâu hơn trong 6 tiếng. Còn nếu bảo quản trong môi trường chuyên biệt có thể để trong 3 ngày để nhiệt độ từ 2 - 8 độ C.
3. Quy trình nuôi cấy dịch vết thương tại phòng xét nghiệm
Sau khi nhận mẫu dịch sẽ được tiến hành đúng các quy trình kỹ thuật để nuôi cấy vi sinh vật.
Nuôi cấy dịch vết thương
Các mẫu dịch được nuôi cấy trong nhiều loại môi trường dinh dưỡng khác nhau, sau đó được giữ trong tủ ấm 37 độ C, có thể tăng cường khí CO2 hoặc không tùy từng loại môi trường. Sau mỗi 24h nuôi cấy sẽ được kiểm tra sự xuất hiện của vi khuẩn gây bệnh.
Hình 3: Tiến hành cấy dịch vết thương trên thạch
Nếu sau 2 ngày không thấy có khuẩn lạc mọc, kết luận âm tính không tìm thấy hoặc không phân lập được vi khuẩn/ nấm gây bệnh.
Ngược lại nếu có xuất hiện khuẩn lạc mọc, tiến hành định danh vi khuẩn và làm kháng sinh đồ. Kết quả cuối cùng sẽ bao gồm tên chủng loại vi khuẩn và kết quả kháng sinh đồ của vi khuẩn đó.
Chú ý nếu thấy mọc nhiều loại khuẩn lạc, kết hợp với lâm sàng có thể nghi ngờ mẫu đã bị tạp nhiễm và yêu cầu lấy lại. Nuôi cấy vi khuẩn không phát triển không có nghĩa là bệnh nhân không bị nhiễm trùng. Một số lý do như lượng mẫu không đủ, bệnh nhân đã dùng kháng sinh toàn thân trước đó, bảo quản sai cách,... do vậy cần phải loại trừ những yếu tố có thể ảnh hưởng đến kết quả.
Một số vi khuẩn thường gây nhiễm trùng vết thương như: Staphylococcus aureus, Clostridium perfringens, nấm Candida albicans, Coagulase-negative staphylococci, Streptococcus spp, Các trực khuẩn Enterobacteriaceae, Pseudomonas,...
Hình 4: Nhiễm trùng vết thương do tụ cầu vàng Staphylococcus aureus
Hiện nay tại khoa Vi sinh của bệnh viện Đa khoa MEDLATEC đã và đang thực hiện xét nghiệm cấy dịch vết thương. Quy trình nuôi cấy được tiến hành nghiêm ngặt, đảm bảo các quy tắc vô khuẩn và an toàn sinh học. Qua đó đảm bảo một kết quả chính xác, nhanh chóng giúp các bác sĩ chẩn đoán được tình trạng bệnh và có phương án điều trị kịp thời.
MEDLATEC hiện đang là một bệnh viện đa khoa tư nhân với rất nhiều các chuyên khoa như khoa Nội, Ngoại, Sản, Nhi, Tai - Mũi - Họng, Răng - Hàm - Mặt, Xương khớp,... cùng với các khoa cận lâm sàng nổi tiếng như Xét nghiệm, Chẩn đoán hình ảnh. MEDLATEC hân hạnh cung cấp tới khách hàng rất nhiều các dịch vụ y tế chất lượng, hiệu quả và tiện lợi. Qua đó chung tay chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng.
Nhanh tay liên hệ tới tổng đài 1900 56 56 56 để đặt lịch khám và hưởng những ưu đãi đặc biệt của MEDLATEC.