Covid-19 có những triệu chứng tương đối giống cúm nên ngay từ khi nó xuất hiện đã khiến nhiều người nhầm lẫn. Vậy phân biệt Covid-19 và cúm bằng cách nào, hãy theo dõi nội dung bên dưới đây để có được câu trả lời.
30/07/2020 | Nguy cơ mắc Covid-19 ở phụ nữ có thai và cách phòng tránh 15/04/2020 | Giá trị chẩn đoán của các xét nghiệm phân tử và kháng thể ở bệnh nhân bị COVID-19
1. Covid-19, cúm là gì?
1.1. Covid-19
Covid-19 là một dạng bệnh nhiễm trùng ở cả đường hô hấp trên và hô hấp dưới. Tác nhân gây bệnh này là chủng virus corona mang tên SARS-CoV-2. Đây là loại virus có tốc độ lây lan vô cùng nhanh chóng, tùy khả năng miễn dịch của từng người mà nó có thể gây bệnh lý nhiễm trùng ở mức độ nặng, nhẹ khác nhau.
Virus corona có 7 chủng nhưng SARS-CoV-2 là chủng có diễn tiến khó lường, đã và đang gây ra đại dịch trên toàn cầu. Các chủng còn lại hầu hết chỉ gây ra cảm lạnh thông thường.
Covid-19 là một chủng virus mới xuất hiện nhưng có tốc độ lây lan nhanh, gây ra đại dịch trên toàn cầu
Sau khi dịch virus corona chủng mới bùng phát mạnh mẽ vào 12/2019 tại Vũ Hán và nhanh chóng lây lan đến nhiều quốc gia trên thế giới, đầu 2020, Tổ chức Y tế Thế giới đã xác định tên cho nó là Covid-19 (SARS-CoV-2). Từ 23/01/2020, Việt Nam bắt đầu ghi nhận ca nhiễm Covid 19 đầu tiên. Hiện nay, Covid-19 đã trở thành đại dịch nguy hiểm trên toàn cầu.
Bệnh cúm thường được gọi đơn giản là cúm, có khả năng lây nhiễm, do virus cúm gây ra. Các triệu chứng của cúm như sốt, sổ mũi, ho, đau đầu,... thường xuất hiện đột ngột và kéo dài trong vài ngày. Đa số mọi người có thể làm lây virus cúm khoảng một ngày trước khi họ bắt đầu có triệu chứng. Một số trường hợp nặng, cúm có thể biến chứng viêm phổi hoặc một số bệnh lý phức tạp hơn.
2. Phân biệt Covid-19 và cúm bằng cách nào?
2.1. Nhận diện bệnh cúm
Cúm là bệnh không gây ra biến chứng nhiễm trùng nặng cho cơ thể. Đặc biệt, nếu được chỉ định điều trị đúng hướng, bệnh sẽ khỏi trong khoảng 3 - 7 ngày. Triệu chứng của bệnh thường xuất hiện ra đột ngột, sau khi tiếp xúc với virus cúm trong khoảng 24 - 48 giờ, gồm:
- Sổ mũi.
- Hắt hơi.
- Đau rát họng.
- Ho.
- Sốt.
- Ớn lạnh.
- Đau đầu.
- Cảm giác mệt mỏi, yếu.
- Nếu viêm đường hô hấp trên sẽ có hiện tượng khó thở, đau ngực.
2.2. Nhận diện Covid-19
Covid-19 là loại bệnh gây ra bởi chủng mới của virus corona. Cần phân biệt Covid-19 và cúm bởi hai bệnh này có một số triệu chứng giống nhau nên dễ gây nhầm lẫn. Cần đặc biệt chú ý rằng hai loại bệnh này được gây nên bởi hai virus khác nhau.
Phân biệt Covid-19 và cúm, cảm lạnh thông thường
Nếu như bệnh cúm thường không gây ra triệu chứng nhiễm trùng nặng thì Covid-19 lại có thể dẫn đến suy hô hấp, viêm phổi, sốc nhiễm trùng và nặng nhất là tử vong. Không những thế bệnh còn khiến cơ thể bị nhiễm trùng và làm kích hoạt hệ thống miễn dịch, nhất là các protein gây viêm có trong các mạch máu, giết chết mô tế bào, gây tổn thương nhiều cơ quan khác nhau của cơ thể.
Covid-19 có khả năng phá hủy hệ hô hấp, chúng chủ yếu tấn công vào hệ hô hấp dưới, gây viêm phổi. Bệnh lý này không đáp ứng với thuốc trị cúm thông thường, nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
Covid-19 có triệu chứng điển hình gồm:
- Ho khan.
- Sốt cao trên 39 độ C.
- Đau mỏi người.
- Đau họng.
- Đau đầu.
- Thở nhanh.
- Tức ngực.
- Khó thở.
- Ớn lạnh, đôi khi rét run.
- Buồn nôn.
- Mất vị giác hoặc khứu giác.
- Tiêu chảy.
- mệt mỏi.
Để nhận diện chính xác Covid-19 cách tốt nhất là làm xét nghiệm Realtime RT-PCR - một loại xét nghiệm giải trình tự gen. Khi xét nghiệm cho kết quả dương tính tức là bệnh nhân đã nhiễm Covid-19.
3. Nghi ngờ mắc Covid-19, nên làm gì?
3.1. Việc cần làm khi nghi ngờ mắc Covid-19
Về cơ bản, người bình thường rất khó có thể phân biệt Covid-19 và cúm. Vì thế, khi có những triệu chứng nghi ngờ như đã nói đến ở trên tốt nhất người bệnh nên tự cách ly tại nhà, đeo khẩu trang y tế, sử dụng vật dụng cá nhân riêng và liên lạc ngay với cơ sở y tế để được tư vấn biện pháp chẩn đoán đúng bệnh. Việc làm này cũng sẽ giúp giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh cho người khác.
Xét nghiệm Realtime RT-PCR giúp chẩn đoán Covid-19
3.2. Khuyến cáo
- Khi nghi ngờ nhưng chưa xác định được có bị Covid-19 hay không, chưa có kết luận từ đội ngũ y tế, hãy cố gắng tránh tiếp xúc với người khác vì đây chính là biện pháp tốt nhất để kiểm soát nguy cơ lây lan dịch cho cộng đồng.
- Nếu có lệnh cách ly tại nhà hay cách ly tập trung, hãy tuân thủ nghiêm túc yêu cầu của cán bộ y tế. Trong quá trình cách ly, nhân viên y tế sẽ theo dõi chặt chẽ diễn tiến các triệu chứng để có biện pháp xử lý kịp thời.
- Trừ những trường hợp đặc biệt cần thiết, nếu nghi ngờ mắc Covid-19 tốt nhất hãy hạn chế đi ra ngoài. Nếu đi lại, hãy lựa chọn phương tiện cá nhân, tránh đi phương tiện công cộng để phòng ngừa lây lan bệnh cho những người xung quanh. Nếu cần mua nhu yếu phẩm thiết yếu, hãy đặt hàng qua mạng để được giao hàng tận nhà, khi nhận nên đứng cách xa người giao hàng 2m.
- Thường xuyên dùng dung dịch sát khuẩn hoặc xà phòng để rửa tay.
- Đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người khác.
- Súc miệng đều đặn mỗi ngày 2 - 3 lần.
- Khi hắt hơi, ho, hãy dùng khăn giấy che miệng sau đó vứt khăn giấy đã dùng này vào thùng rác, buộc túi bóng kín lại và dùng xà phòng rửa sạch tay.
- Không dùng chung vật dụng cá nhân với người khác.
- Làm sạch bề mặt nơi đã chạm vào bằng xà phòng hoặc chất tẩy rửa gia dụng thông thường.
Khác với cúm, Covid-19 không miễn dịch với tất cả mọi người vì đây là một loại virus mới xuất hiện. Nói như vậy có nghĩa là ai cũng có thể mắc bệnh lý này. Thêm vào đó, ngay giữa những người mắc bệnh vẫn có thể có những triệu chứng không giống nhau. Đặc biệt, tỷ lệ tử vong do Covid-19 cao hơn rất nhiều so với cúm. Vì thế, thay vì tự tìm cách phân biệt Covid-19 và cúm, hãy liên hệ với nhân viên y tế để được hướng dẫn cách thực hiện xét nghiệm chẩn đoán chính xác chủng virus mới này.
Những chia sẻ trên đây của chúng tôi nếu vẫn chưa giải tỏa hết băn khoăn trong bạn, hãy liên hệ trực tiếp tổng đài 1900565656 để được chuyên viên y tế của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC giải thích tỉ mỉ hơn.