Kháng thể là một thành phần vô cùng quan trọng của hệ thống miễn dịch giúp cơ thể chống lại những tác nhân gây bệnh từ bên ngoài. Vậy chúng bao gồm những loại gì và có vai trò cụ thể ra sao? Bài viết dưới đây sẽ tổng hợp những kiến thức bổ ích cho bạn đọc nắm rõ.
04/05/2020 | Salmonella widal - Xét nghiệm tìm kháng thể kháng thương hàn 04/05/2020 | Giải đáp những thắc mắc về xét nghiệm kháng thể IgG 15/04/2020 | Giá trị chẩn đoán của các xét nghiệm phân tử và kháng thể ở bệnh nhân bị COVID-19 31/03/2020 | Kháng thể kháng Cardiolipin và những tác hại của nó
1. Kháng thể là gì?
Kháng thể (antibody) là những phân tử có bản chất là glycoprotein được tiết ra từ tế bào lympho B và tương bào. Đây là một thành phần của hệ thống miễn dịch, nó được sản xuất ra có vai trò tiêu diệt vi khuẩn gây hại, bảo vệ cơ thể có sự xâm nhập của các tác nhân lạ.
Hình 1: Sự đáp ứng miễn dịch chống lại vi khuẩn
Khi cơ thể sản sinh lượng kháng thể càng cao chứng tỏ khả năng miễn dịch với vi khuẩn, virus gây bệnh bên ngoài càng mạnh. Hệ miễn dịch tốt giúp phòng ngừa các bệnh đồng thời chống lại sự hoạt động của vi khuẩn giúp cho điều trị bệnh hiệu quả.
Kháng thể có cấu trúc phân tử có dạng hình chữ Y bao gồm hai chuỗi nặng và hai chuỗi nhẹ giống hệt nhau, cùng với đó là vùng biến đổi V và vùng hằng định C. Chúng đóng vai trò trong việc nhận biết kháng nguyên và tham gia đáp ứng miễn dịch.
2. Kháng thể được phân loại như nào?
Theo nghiên cứu, hiện nay kháng thể được chia thành 5 loại chủ yếu đó là IgG, IgM, IgA, IgE, IgD.
Hình 2: Các loại kháng thể
IgG
Đây là loại duy nhất có khả năng đi qua hàng rào nhau thai, được truyền từ mẹ sang con, giúp bảo vệ bé trong quá trình mang thai và những tháng đầu. Đồng thời phổ biến và chiếm hàm lượng nhiều nhất trong các Ig của huyết thanh (75%). Nó có nhiều trong các khoang máu, sữa non và dịch mô của cơ thể.
IgG thường được chỉ định thực hiện khi bệnh nhân có những dấu hiệu nghi ngờ đến các bệnh gây tăng IgG như nhiễm trùng u hạt mạn tính, bệnh về gan, suy dinh dưỡng nặng, viêm khớp dạng thấp, các vấn đề về da, u tủy IgG và các loại nhiễm trùng khác.
Một số bệnh lý là nguyên nhân khiến cho IgG giảm như bất sản lympho, u tủy IgA, Protein Bence Jones niệu, thiếu hụt chọn lọc IgA, IgG, bệnh bạch cầu nguyên bào lympho mạn tính, đa u tủy xương,...
Khi đó xét nghiệm nồng độ IgG sẽ là cơ sở giúp cho bác sĩ chẩn đoán và theo dõi các bệnh lý rối loạn IgG kể trên.
IgM
IgM là loại Ig lớn nhất của hệ miễn dịch và được xuất hiện đầu tiên ngay sau khi cơ thể tiếp xúc lần đầu với kháng nguyên. Nó được sản xuất chủ yếu từ các tế bào B.
IgM xuất hiện sớm trong quá trình nhiễm trùng và là loại miễn dịch đầu tiên được tổng hợp ở trẻ sơ sinh.
Hình 3: Lupus ban đỏ hệ thống có liên quan đến rối loạn IgM
Các bệnh gây thiếu hụt IgM như rối loạn gammaglobulin máu, bất sản lympho, u tủy IgG và IgA, bạch cầu nguyên bào lympho mạn tính,...
IgA
Đây là loại Ig phổ biến đứng thứ 2 chỉ sau IgG (15 - 20%) và được tìm thấy trong các dịch tiết như nước bọt, nước mắt, sữa non, chất nhầy và tế bào plasma.
Xét nghiệm IgA huyết thanh thường được yêu cầu thực hiện trong bệnh lý tăng IgA như xơ gan, các bệnh rối loạn tự miễn như lupus ban đỏ, viêm khớp dạng thấp, nhiễm trùng mãn tính,...
Ngoài ra các bệnh lý liên quan đến sự giảm IgA như hội chứng suy giảm hấp thu, rối loạn gamma globulin bẩm sinh và mắc phải, bệnh nguyên bào lympho cấp và mạn tính,...
IgE
Xét nghiệm IgE có ý nghĩa lớn trong việc phát hiện và chẩn đoán các bệnh dị ứng về da, đường hô hấp, tiêu hóa như ngứa, nổi phát ban, Eczema, sổ mũi, ho, khó thở, tức ngực, nôn và tiêu chảy kéo dài,...
Bên cạnh đó, nếu người bệnh bị nhiễm ký sinh trùng, nồng độ IgE sẽ tăng cao và đây được coi là một dấu hiệu sàng lọc nếu nghi ngờ nhiễm ký sinh trùng.
Một số xét nghiệm có liên quan đến định lượng IgE hiện nay như xét nghiệm panel dị ứng, điện di protein huyết thanh và tổng phân tích tế bào máu.
IgD
IgD chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong máu (khoảng 1%) và có ít chức năng, vai trò đối với cơ thể. Một số trường hợp ghi nhận tăng IgD như nhiễm trùng mạn, đa u tủy xương, rối loạn tế bào plasma ác tính.
3. Vai trò, chức năng của kháng thể
Như chúng ta đã biết kháng thể có nhiệm vụ chống lại các tác nhân gây bệnh và hình thành lớp bảo vệ cơ thể. Trong một đáp ứng miễn dịch, 3 vai trò chính của chất này được ghi nhận như sau:
Liên kết với kháng nguyên
Các Ig có khả năng nhận diện và gắn một cách đặc hiệu với 1 kháng nguyên tương ứng. Trong các phản ứng chống độc, nó sẽ gắn và trung hòa độc tố, ngăn ngừa các độc tố bám vào tế bào giúp bảo vệ cơ thể.
Kích hoạt hệ thống bổ thể
Bổ thể là một thành phần có bản chất protein, sau khi được kích hoạt nó sẽ có tác dụng tiêu diệt các vi khuẩn xâm nhập.
Huy động các tế bào miễn dịch
Phức hợp sau khi gắn với kháng nguyên sẽ huy động các tế bào miễn dịch để chống lại hoạt động của vi khuẩn gây bệnh.
4. Tăng cường bổ sung kháng thể bằng cách nào?
Chủ động nâng cao sức khỏe và sự đề kháng của bản thân là phương pháp phòng chống bệnh hiệu quả nhất. Bạn có thể bổ sung bằng các thực phẩm nhiều dinh dưỡng như thịt nạc, trứng, cá, các loại rau xanh và hoa quả chứa nhiều vitamin, gia vị như tỏi, gừng, các sản phẩm như sữa non, mật ong.
Hình 4: Cha mẹ cần chú ý bổ sung các thực phẩm tăng sức đề kháng cho trẻ
Đồng thời nên thường xuyên rèn luyện tập thể dục thể thao ngoài trời và tham gia các hoạt động bổ ích giúp tăng cường sức khỏe và sự đề kháng.
Đặc biệt đối với trẻ nhỏ là đối tượng có sức đề kháng kém và dễ nhiễm các bệnh. Cha mẹ nên chú ý về chế độ dinh dưỡng khoa học, bổ sung các thực phẩm cần thiết và cho trẻ tham gia các hoạt động thể dục. Như vậy sẽ giúp trẻ nhỏ có một hệ miễn dịch tốt và ngăn ngừa các bệnh.
Hy vọng bài viết vừa rồi đã cung cấp đủ những thông tin cần thiết về kháng thể giúp bạn đọc nắm rõ và biết cách bổ sung kịp thời cho bản thân. Qua đó tăng cường sức khỏe và sự đề kháng chống lại bệnh tật.
Mọi ý kiến thắc mắc xin vui lòng liên hệ đến tổng đài của MEDLATEC 1900 565656 để được giải đáp cặn kẽ và nhanh chóng nhất.