Hãy cho con dòng sữa mẹ | Medlatec

Hãy cho con dòng sữa mẹ

Ngày 30/07/2013 HỒNG VÂN (cán bộ dự án khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn)

Sữa mẹ chứa nhiều kháng thể và nguồn dưỡng chất quý giá cho trẻ. Thật đáng tiếc khi có đến 90% các mẹ, nhất là các bà mẹ ở thành phố bỏ phí nguồn dưỡng chất tuyệt vời này.




Sữa mẹ chứa nhiều kháng thể và nguồn dưỡng chất quý giá cho trẻ - Ảnh: minh họa

Bú mẹ và bú sớm giờ đầu rất quan trọng vì giúp em bé được tiếp xúc da kề da với mẹ, quen với mùi mẹ - Ảnh: minh họa

Lúng túng trong những giờ đầu

Ngay khi vừa sinh em bé, chị Ngọc Trang (An Giang) hết sức vui mừng vì dù sinh mổ nhưng có rất nhiều sữa. Nhưng được ba ngày thì vết mổ bị nhiễm trùng, bác sĩ dặn chỉ được cho con bú 6 giờ sau khi uống thuốc.

Chị phải vắt sữa ra để con bú bằng bình. Đến khi ngưng điều trị, em bé của chị không ngoạm vú mẹ. Tuy chị Trang kiên trì tập nhưng dù là lúc bé đói, cứ đưa vú mẹ lại gần là bé khóc điếng người. Gia đình sốt ruột quá liền pha cho bé một bình sữa bột. Chưa đến một tháng chị Trang mất sữa hoàn toàn dù trước đó sữa rất nhiều, chảy ướt cả áo mẹ. Sau này ngẫm lại, chị Trang cho rằng nếu đút bằng muỗng cho bé thì chưa chắc bé đã từ chối vú mẹ.

Nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong sáu tháng đầu là món quà quý giá nhất bà mẹ tặng cho con mình nhưng chỉ 10% bà mẹ ở Việt Nam thực hiện được điều này. Một em bé được nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn nghĩa là chỉ bú mẹ hoàn toàn, không thêm nước, mật ong, sữa bột ngoài hay bất kỳ thức ăn bổ sung gì khác.

(Số liệu của Viện dinh dưỡng năm 2009).

Nay bé được 8 tháng. Mỗi tháng chị tốn hơn 2 triệu đồng tiền sữa cho con trong khi chị đã nghỉ hẳn công việc từ ngày mang thai. Những lúc bé bị bón, tiêu chảy phải loại uống sữa đặc biệt, giá đắt hơn khiến chị chóng mặt. So sánh với các chị em nuôi con bằng sữa mẹ, chị Trang thấy sữa mẹ không chỉ tiện lợi, tiết kiệm thời gian, giảm các nguy cơ nhiễm khuẩn trong quá trình pha chế cho bé mà lại rất kinh tế. Với số tiền 2 triệu, chị có thể mua sắm nhiều thứ khác cho gia đình.

Bà Helen Louise Taylor, cố vấn khu vực của UNICEF, cho biết: Việt Nam là nước có tỷ lệ đẻ mổ cao và việc hỗ trợ các bà mẹ sinh mổ cho con bú mẹ vẫn còn nhiều hạn chế. Ngoài ra, tại một số cơ sở y tế cũng vẫn còn những thực hành chưa đúng và không dựa trên nghiên cứu khoa học như cách ly mẹ và con sau mổ đẻ hoặc cắt tầng sinh môn ở mẹ. Mỗi một giờ và mỗi một ngày trì hoãn cho trẻ sơ sinh bú sữa mẹ có thể ảnh hưởng đến sự sống còn của trẻ, cụ thể là đóng góp 45% (3,1 triệu ca) vào tỉ lệ tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi tại các quốc gia thu nhập trung bình và thấp.

Bác sĩ Trần Đình Vinh, giám đốc Bệnh viện Phụ sản - nhi Đà Nẵng - cho biết: “Bú mẹ và bú sớm giờ đầu rất quan trọng vì giúp em bé được tiếp xúc da kề da với mẹ, quen với mùi mẹ, giúp sữa mẹ tiết ra và giúp bé biết cách mút sữa mẹ. Sữa bột công thức cho trẻ sơ sinh có vị ngọt hơn sữa mẹ, dễ làm bé không thích sữa mẹ. Đối với các bà mẹ sinh mổ, nên vắt sữa mẹ cho bé bú và cần tích cực tập cho bé bú sữa mẹ ngay khi hết ảnh hưởng của thuốc”.

Ông Vinh bổ sung: “Hỗ trợ bà mẹ cho con bú sớm giờ đầu sau sinh và bú mẹ đối với các sản phụ rất khó thực hiện tại những bệnh viện tuyến cuối, nơi có rất đông bệnh nhân luôn trong tình trạng quá tải”.

Hãy vượt qua những áp lực

Nhiều bà mẹ vì áp lực đi làm trở lại, dù cố gắng cho con bú sữa mẹ hoàn toàn trong thời gian nghỉ thai sản nhưng vẫn pha cho bé bú một bình sữa ngoài/ngày để bé làm quen hoặc cho trẻ ăn giặm sớm.

Thực tế, các chuyên gia khuyên đút sữa bằng muỗng cho trẻ sẽ tốt hơn cho bú bình vì như thế trẻ sẽ không từ chối vú mẹ. Như vậy mẹ có thể duy trì cho bé bú lâu dài. 

Cho bé bú giặm sữa ngoài còn do nhiều mẹ không tin mình có đủ sữa. Bé bú mẹ ít, sữa mẹ sẽ ít tiết ra. Ngược lại, nếu cho bé bú tích cực theo nhu cầu, nhất là bú ban đêm, thì bé bú càng nhiều, sữa mẹ càng tiết ra nhiều do hoạt động của chất kích thích tiết sữa prolactin. Trẻ mới sinh, kích thước dạ dày chỉ bằng một trái nho ta, chứa được 5-7ml nên các bà mẹ đừng sợ mình không có sữa cho con. Hãy cho bé bú nhiều lần để đủ nhu cầu dinh dưỡng và giúp mẹ tiết ra sữa nhiều hơn.

Số phụ nữ nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn sáu tháng đầu ở Việt Nam đã ít, nuôi con bằng sữa mẹ đến 24 tháng lại càng ít hơn. Theo một nghiên cứu thực hiện tại 11 tỉnh ở Việt Nam tiến hành năm 2012 bởi dự án Nuôi dưỡng, phát triển trẻ nhỏ của Tổ chức Cứu trợ trẻ em, số bà mẹ thực hành nuôi con bằng sữa mẹ đến 24 tháng chỉ còn 18,2%.

Chị Yến, ở TP Vĩnh Long, vội chạy đến cầu cứu bác sĩ ở Phòng tư vấn nuôi dưỡng trẻ nhỏ vì được bà nội khuyên cho bé (tuổi ăn giặm) bú ít lại để bé mau cứng cáp. Tại đây, ngồi nói chuyện với một bà mẹ khác, chị Yến bất ngờ khi biết nhiều bà nội, bà ngoại quan niệm: bé bú sữa mẹ lâu sẽ… học ngu.

Những lời khuyên… lạc hậu của người lớn trong gia đình, làng xóm đối với người mẹ, nhất là mẹ sống trong một đại gia đình, là một thách thức với việc nuôi con bằng sữa mẹ đến 24 tháng.

Sắp đến tuần lễ thế giới hưởng ứng nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn từ ngày 1-7/8/2013, năm nay, tuần lễ này tập trung nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tư vấn và sự hỗ trợ của các bà mẹ với nhau trong việc cho con bú sữa mẹ hoàn toàn. 

Tổ chức Cứu trợ trẻ em (Save the Children) phối hợp cùng Viện Dinh dưỡng quốc gia đã triển khai dự án A&T (Nuôi dưỡng & phát triển) tại 15 tỉnh, thành ở Việt Nam từ năm 2009. Dự án tập trung khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong sáu tháng đầu và cho con bú sữa mẹ đến 24 tháng thông qua việc cung cấp kiến thức dinh dưỡng và dịch vụ tư vấn dinh dưỡng từ cấp tỉnh, huyện đến tận thôn, xã.

Dự án cũng góp phần tạo các điều kiện để bà mẹ ở Việt Nam thực hành nuôi con bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu như tăng thời gian nghỉ thai sản cho phụ nữ lên 6 tháng. Bạn có thể tìm hiểu thêm thông tin qua website: http://mattroibetho.vn/ hoặc liên hệ với dự án A&T.

Nguồn: tuoitre.vn

Đăng ký khám, tư vấn

Tại sao nên chọn bệnh viện đa khoa MEDLATEC

Bệnh viện đa khoa nhiều năm kinh nghiệm.
Đội ngũ giáo sư, bác sĩ đầu ngành
Đội ngũ giáo sư, bác sĩ đầu ngành
Cơ sở vật chất hiện đại
Áp dụng thanh toán bảo hiểm y tế lên tới 100%
Quy trình khám chữa bệnh nhanh chóng
Chi phí khám chữa bệnh hợp lý.

Tin cùng chuyên mục

Hội chứng rung lắc trẻ sơ sinh - Ba mẹ nên cẩn trọng

Chắc hẳn các bậc phụ huynh đều biết trẻ sơ sinh là đối tượng cần được chăm sóc đặc biệt, bởi vì cơ thể của bé rất yếu, dễ bị tổn thương do các tác động bên ngoài. Trong đó, thói quen rung lắc khi vỗ về trẻ sơ sinh có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, sự phát triển của bé. Chúng ta cũng tìm hiểu những ảnh hưởng của hội chứng rung lắc trẻ sơ sinh trong bài viết này nhé!
Ngày 19/12/2022

Trẻ sơ sinh thở mạnh có phải là vấn đề đáng lo ngại không?

Khi mới chào đời, cơ thể của trẻ khá non nớt và dễ bị tổn thương, do đó các bậc phụ huynh cần chăm sóc con thật cẩn thận. Nếu phát hiện ra những dấu hiệu bất thường ở trẻ sơ sinh, bạn nên cho bé đi kiểm tra kịp thời, nhất là khi gặp phải tình trạng trẻ sơ sinh thở mạnh. Vậy đây có phải vấn đề đáng lo ngại hay không?
Ngày 01/12/2022

Trẻ sơ sinh hắt xì nhiều có đáng lo ngại không?

Với các bé sơ sinh, ba mẹ có rất nhiều nỗi lo lắng và 1 trong số đó là trẻ hay bị hắt xì hơi. Vậy trẻ sơ sinh hắt xì nhiều có phải là dấu hiệu cảnh báo có bất ổn về vấn đề sức khỏe? Hãy cùng tìm hiểu thêm về nguyên nhân và biện pháp cải thiện tình trạng trẻ hay bị hắt xì qua bài viết sau. 
Ngày 30/11/2022

Cha mẹ hãy cẩn trọng với các triệu chứng viêm kết mạc ở trẻ

Trẻ nhỏ là đối tượng cần được chăm sóc đặc biệt bởi vì các bé rất dễ mắc bệnh do những thói quen không tốt. Một trong số đó là thói quen dụi mắt, đây chính là lý do hàng đầu dẫn tới tình trạng viêm kết mạc ở trẻ. Khi đối mặt với tình trạng này, trẻ sẽ gặp phải những triệu chứng như thế nào, bài viết này sẽ giúp các bậc phụ huynh nắm được và chủ động chăm sóc bé.
Ngày 17/11/2022
Call Now
  Đặt lịch lấy mẫu tại nhà
  Đặt lịch KSK doanh nghiệp