Dịch COVID - 19 đang bùng phát trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Phòng bệnh hơn chữa bệnh, chính sự hiểu biết, ý thức của mỗi cá nhân là cách phòng tránh dịch tốt nhất bảo vệ mình và cộng đồng. Hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây để có thông tin “bỏ túi” đầy đủ giúp tránh xa đại dịch COVID-19.
A. Thực hiện hướng dẫn của Bộ Y tế
- Rửa tay nhiều lần trong ngày bằng xà phòng để phòng dịch bệnh COVID-19 ít nhất 30s sau khi ho, hắt hơi, khi tháo khẩu trang, khi chăm sóc người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh, sau khi tiếp xúc với dịch tiết mũi, họng, ho hắt hơi của người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh;
Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng theo khuyến cáo của Bộ Y tế để phòng lây nhiễm COVID -19
- Khi có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19: Sốt, ho, khó thở và có tiếp xúc gần với trường hợp bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh trong vòng 14 ngày trước khi xuất hiện biểu hiện bệnh, hãy đến bệnh viện tuyến quận, huyện gần nhất để được khám và điều trị kịp thời;
- Hạn chế tiếp xúc gần trong khoảng cách 1m với người có biểu hiện sốt, ho, khó thở; thường xuyên lau chùi vật dụng bằng chất tẩy rửa thông thường; đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng, trên các phương tiện giao thông;
- Người dân không đi du lịch đến các nước, khu vực đang có dịch COVID-19;
- Chỉ sử dụng các loại thực phẩm chín;
- Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng, tránh tiếp xúc gần với đông vật nuôi hoang dã.
B. Hiểu biết, bình tĩnh, hành động có trách nhiệm
1. Nắm vững phân loại "F" trong điều tra dịch tễ học
- F là viết tắt của từ Filia (tiếng Ba Lan) có nghĩa là thế hệ con, nhánh sau. Áp dụng với dịch bệnh F được hiểu là thế hệ đầu dương tính với COVID-19 hay còn gọi là F0.
- F0 tức là người dương tính với COVID-19. Những người này được điều trị theo chỉ định của bác sĩ, cách ly tại bệnh viện, cố gắng tự phục vụ để hạn chế lây nhiễm chéo và tự báo cho người tiếp xúc gần về tình trạng của mình.
- F1: Là những người nghi ngờ nhiễm hoặc tiếp xúc với F0. Những người này có trách nhiệm khai báo báo cho cơ sở y tế gần nhất theo hotline và đi cách ly tại bệnh viện. Đồng thời, đeo ngay khẩu trang giữ khoảng cách trên 2m và tự báo cho người F2.
- F2: Là người tiếp xúc với F1. Những người này cần đeo ngay khẩu trang, giữ khoảng cách trên 2m với người xung quanh và báo cho cơ sở y tế gần nhất rồi làm theo hướng dẫn cách ly tại nhà hoặc nơi quy định. Đồng thời, tự báo cho người F3.
- F3: Là người tiếp xúc với F2. Những người này cần đeo ngay khẩu trang và báo cho cơ sở y tế gần nhất rồi làm theo hướng dẫn cách ly tại nhà hoặc nơi quy định. Đồng thời, tự báo cho người F4.
- F4/5: F4 là người tiếp xúc với F3. F5 là người tiếp xúc với F4. Cả 2 trường hợp này đều cần tự cách ly tại nhà và báo cho cơ sở y tế gần nhất.
Phân loại F trong điều tra dịch tễ học
Tình trạng F có thể thay đổi tùy kết quả xét nghiệm, dù kết quả xét nghiệm là âm tính vẫn cần tiếp tục cách ly theo hướng dẫn hoặc đủ 14 ngày.
Và điều đặc biệt cần thiết là phân biệt rõ thế nào là dương tính, thế nào là nghi nhiễm, và mình thuộc F mấy?
1.1 Nếu trong trường hợp không biết mình là F gì thì hãy tự cách ly khi có biểu hiện
- Đau nhức đầu, khó chịu;
- Sốt cao (trên 38 độ C);
- Ho hoặc đau họng;
- Chảy nước mũi, khó thở;
- Đau mỏi cơ.
Khi không biết mình là F gì thì hãy tự cách ly khi có biểu hiện ho, sốt
1.2. Như thế nào được gọi là tiếp xúc gần, tiếp xúc trực tiếp?
- Tiếp xúc gần trong khoảng cách ≤ 2 mét với trường hợp bệnh nghi ngờ hoặc xác định nhiễm COVID-19..
- Tiếp xúc tại các cơ sở y tế, bao gồm: trực tiếp chăm sóc người bệnh nhiễm COVID-19; làm việc cùng với nhân viên y tế nhiễm COVID-19; tới thăm người bệnh hoặc ở cùng phòng bệnh có người bệnh nhiễm COVID-19.
- Sống cùng nhà với trường hợp bệnh nghi ngờ hoặc xác định nhiễm COVID-19.
- Làm việc cùng phòng, học cùng lớp, sinh hoạt chung… với trường hợp bệnh nghi ngờ hoặc xác định nhiễm COVID-19.
- Di chuyển trên cùng phương tiện với trường hợp bệnh nghi ngờ hoặc xác định nhiễm COVID-19.
2. Thường xuyên cập nhật các vùng dịch tễ
Việc cập nhật thường xuyên vùng dịch tễ này giúp người dân biết được tình trạng bùng phát dịch bệnh để tránh đi đến và hạn chế được lây nhiễm COVID -19.
3. Ghi nhớ đường dây nóng tiếp nhận thông tin bệnh
Khi thấy bản thân, hoặc người thân có dấu hiệu nghi ngờ, hãy liên hệ ngay đường dây nóng các bệnh viện tiếp nhận người bệnh tại Miền Bắc để được hỗ trợ kịp thời:
- Đường dây nóng Bộ Y tế: 19009095; 19003228.
- Bệnh viện Thanh Nhàn - 0965.371.616 | 0989.260.655 (PGĐ)
- Bệnh viện Đa khoa Đống Đa - 0966.471.616 | 0913.210.688
- Bệnh viện Đa khoa Đức Giang - 0966.381.616 | (0243)8271430
- Bệnh viện Bắc Thăng Long - 0913.830.056 | 0913.234.498 (GĐ) Bệnh viện Đa khoa Hà Đông - 0966461616
4. Hành động có trách nhiệm, không hoang mang, hoảng loạn
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhưng vẫn trong tầm kiểm soát nhờ sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt của Bộ Y tế, Ban phòng chống dịch và các Sở ban ngành liên quan. Vì vậy, người dân không nên hoang mang, lo lắng, thực hiện nghiêm khuyến cáo của Bộ Y tế, đồng thời:
- Không lan truyền thông tin bịa đặt, chưa được công bố chính thống;
- Không chia sẻ những thông tin chưa được kiểm chứng;
- Không ồ ạt đi mua đồ dự trữ, cần hạn chế đến nơi đông người và cần thực hiện đeo khẩu trang toàn thời gian khi ra ngoài;
- Không di chuyển khỏi nơi cư trú, đặc biệt là người dân có liên quan tới vùng dịch tễ. Bởi vì vô tình điều đó khiến người dân ở những nơi khác hoang mang, và cơ quan chức năng khó kiểm soát mức độ lây lan của dịch;
- Đặc biệt, người dân hãy tự giác thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về việc cách ly xã hội từ ngày 1/04 đến 15/4/2020. Mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa, dừng hoạt động và các trường hợp khẩn cấp khác; thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp; không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng.
- Thực hiện khai báo Y tế trên ứng dụng Khai báo Y tế toàn dân NCOVI của Bộ Y tế.
App Khai báo y tế toàn dân của Bộ Y tế NCOVI
5. Tìm hiểu thông tin về dịch COVID -19 trên các kênh chính thống
- Bộ Y tế: moh.gov.vn
- Báo sức khỏe đời sống: suckhoedoisong.vn
- Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế: vncdc.gov.vn
- Đài truyền hình Việt Nam: vtv.vn, vov.vn,...
Dù bạn là ai hãy trang bị cho mình đầy đủ thông tin về dịch bệnh COVID-19, cũng như tuân thủ nghiêm ngặt theo hướng dẫn của Bộ Y tế để bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng.