Theo Hội Tâm thần nhi khoa Mỹ, nếu trẻ không bập bẹ tập nói trước 9 tháng tuổi, 2 tuổi vẫn chưa nói được từ đôi, thiếu biểu lộ cảm xúc hay giao tiếp kém... có thể đang mắc tự kỷ.
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet
Những dấu hiệu báo động đỏ trẻ bị rối loạn tự kỷ theo Hội tâm thần nhi khoa Mỹ là:
- Không bập bẹ trước 9 tháng.
- Không chỉ ngón trỏ trước 12 tháng.
- Không nói từ đơn lúc 16 tháng.
- Không nói từ đôi lúc 2 tuổi.
- Thoái lùi ngôn ngữ và kỹ năng xã hội ở bất kỳ thời điểm nào.Thiếu giao tiếp mắt phù hợp tuổi.
- Thiếu biểu lộ niềm vui tình cảm.
- Thiếu chia sẻ quan tâm hay thích thú.
- Thiếu đáp ứng với tên gọi.
- Thiếu giao tiếp ngữ điệu như bái bai.
- Nói chuyện nhịp, ngữ điệu bất thường.
- Hành vi rập khuôn như xoay tròn, vẫy tay, chơi tay không có ý nghĩa tương tác.
- Bận tâm dai dẳng về đồ chơi hoặc đồ vật.
Bác sĩ Hoàng Vũ Quỳnh Trang, Khoa Tâm lý Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, tự kỷ là một khiếm khuyết về phát triển xuất hiện trong những năm đầu sau sinh và kéo dài suốt đời. Tự kỷ ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng tương tác xã hội, giao tiếp, chơi đùa kết bạn và học tập của trẻ. Nguyên nhân chưa biết rõ, liên quan đến yếu tố di truyền rất phức tạp. Tự kỷ không liên quan đến văcxin, chưa có xét nghiệm y khoa để chẩn đoán xác định cũng như chưa có thuốc điều trị khỏi.
Theo nghiên cứu của Viện Hàn lâm Nhi khoa Mỹ, hơn 50% trẻ gặp hạn chế lời nói, lặp lại câu hỏi hoặc phát âm thành tràng. 30% bé kèm chậm phát triển hoặc phát hiện trễ nếu thêm tăng động giảm chú ý. Trẻ rối loạn tự kỷ còn có các vấn đề y khoa kèm theo như táo bón mãn tính, ăn kén món và không nhai cũng như ngủ hay trằn trọc, khó vào giấc. Đi kèm là các hành vi gây hấn gây ảnh hưởng đến chất lượng sinh hoạt gia đình.
Theo bác sĩ Quỳnh Trang, tầm soát sớm, phát hiện sớm để trẻ được can thiệp sớm là những điều kiện tiên quyết đem lại hiệu quả tối ưu. Trong 3 năm đầu, não của trẻ rất nhạy cảm với các kích thích chơi đùa có định hướng và có mục tiêu trong can thiệp hành vi kết hợp giáo dục đặc biệt.
"Vai trò của cha mẹ quan trọng trong nhóm đa ngành gồm các bác sĩ nhi khoa phát triển hành vi, bác sĩ thần kinh, tâm thần, chuyên viên âm ngữ, giáo viên chuyên biệt trong suốt quá trình chăm sóc trẻ từ can thiệp sớm cho đến giai đoạn hòa nhập cộng đồng sau này", bác sĩ Trang nhấn mạnh.
Nguồn: vnexpress.net