Trong xét nghiệm COVID-19, chúng ta thường nghe nói đến xét nghiệm kháng nguyên và xét nghiệm kháng thể. Trong đó, xét nghiệm kháng nguyên được sử dụng phổ biến hơn cả hiện nay. Vậy xét nghiệm kháng nguyên COVID-19 là gì, áp dụng cho đối tượng nào, ưu nhược điểm ra sao? Tất cả sẽ được giải đáp trong nội dung bên dưới.
30/08/2021 | Dịch vụ xét nghiệm kháng thể COVID-19 có vai trò gì trong mùa dịch? 30/08/2021 | Cơ sở y tế xét nghiệm COVID-19 uy tín cho người dân hiện nay
1. Xét nghiệm kháng nguyên COVID-19 là gì?
Mặc dù là một thuật ngữ quen thuộc hiện nay nhưng không nhiều người biết xét nghiệm kháng nguyên virus SARS-CoV-2 là gì cũng như những đối tượng nào nên thực hiện kỹ thuật xét nghiệm này.
Định nghĩa
Xét nghiệm kháng nguyên COVID-19 còn được gọi là test nhanh kháng nguyên COVID-19, một phương pháp xét nghiệm chẩn đoán nhanh RDT. Kỹ thuật xét nghiệm này sẽ giúp phát hiện sự có mặt của protein đặc hiệu virus SARS-CoV-2 (gọi là kháng nguyên virus SARS-CoV-2) trong mẫu xét nghiệm. Mẫu xét nghiệm là dịch tỵ hầu hoặc dịch họng của người cần được kiểm tra.
Test nhanh kháng nguyên COVID-19 để nhanh chóng phát hiện ca nhiễm mới
Đối tượng xét nghiệm
Khi tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp với số ca nhiễm tăng chóng mặt thì test nhanh kháng nguyên COVID-19 là giải pháp tối ưu để nhanh chóng phát hiện ca nhiễm mới. Những đối tượng dưới đây nên thực hiện xét nghiệm này:
-
Những người tiếp xúc trực tiếp với ca bệnh như nhân viên y tế, nhân viên phục vụ, người chăm sóc,… nhưng không có biểu hiện lâm sàng, triệu chứng của COVID-19.
-
Những người đang làm việc tại các cơ sở cách ly hoặc tại các khoa cấp cứu, khoa truyền nhiễm, khoa khám bệnh,… tại các bệnh viện trong địa bàn có nguy cơ cao hoặc bệnh viện đang thực hiện điều trị COVID-19.
-
Người dân sinh sống và làm việc tại các khu vực có ghi nhận ca nhiễm trong vòng 28 ngày, hoặc tại ổ dịch đã được khoanh vùng cách ly.
-
Những người làm việc trong môi trường đông đúc, thường xuyên tiếp xúc nhiều người như tài xế, giao nhận hàng, nhân viên siêu thị,…
2. Ưu, nhược điểm của xét nghiệm kháng nguyên COVID-19
Test nhanh kháng nguyên COVID-19 có nhiều ưu điểm nổi bật, nhưng cũng tồn tại một số hạn chế nhất định.
Test nhanh kháng nguyên COVID-19 có những ưu và nhược điểm nhất định
Ưu điểm
-
Kỹ thuật đơn giản, dễ thực hiện. Có thể xét nghiệm tại nhiều địa điểm khác nhau (phòng xét nghiệm lưu động), không yêu cầu cao về điều kiện kỹ thuật phòng xét nghiệm hay chuyên môn, tay nghề của nhân viên y tế.
-
Thời gian cho kết quả nhanh, chỉ sau 15 - 30 phút. Đồng thời, chi phí rẻ, ít tốn kém nên có thể sử dụng với mục đích khoanh vùng dịch trên diện rộng.
-
Có thể phát hiện được người nhiễm virus SARS-CoV-2 trong những ngày đầu mắc bệnh, không cần phải chờ phơi nhiễm từ 7 - 10 ngày để cơ thể sản sinh kháng thể như xét nghiệm kháng thể.
-
Thường được dùng để phát hiện người nhiễm mới, từ đó sàng lọc và cách ly người bệnh kịp thời ra khỏi cộng đồng, tránh được nguy cơ lây nhiễm.
Nhược điểm
So với xét nghiệm Realtime-PCR SARS-CoV 2 thì test nhanh kháng nguyên COVID-19 có độ nhạy (khả năng phát hiện ca nhiễm) và độ chính xác (kết quả xét nghiệm) không cao bằng. Cụ thể, độ nhạy của phương pháp xét nghiệm là ≥ 80%, độ chính xác là ≥ 97%.
Bởi xét nghiệm kháng nguyên COVID-19 chỉ cho kết quả đúng khi thực hiện xét nghiệm trong vòng 5 - 7 ngày sau khi khởi phát triệu chứng. Trước thời gian này (cơ thể chưa có triệu chứng) và sau thời gian này (kháng nguyên virus SARS-CoV-2 bị giảm xuống) thì đều có khả năng làm kết quả sai lệch (âm tính giả).
Chính vì điều này, kết quả xét nghiệm kháng nguyên virus SARS-CoV-2 thường dùng để phát hiện ca nhiễm mới, không được dùng để khẳng định chẩn đoán COVID-19. Và kết quả xét nghiệm này chỉ có ý nghĩa tại thời điểm làm xét nghiệm, không có giá trị lâu dài, nhất là với những người thường xuyên di chuyển.
3. Quy trình xét nghiệm và phiên giải kết quả
Như đã nói, test nhanh kháng nguyên COVID-19 kỹ thuật đơn giản, dễ thực hiện và cho kết quả nhanh chóng.
Quy trình xét nghiệm
Người cần kiểm tra sẽ ngồi thẳng, hơi ngả đầu về phía sau. Người lấy mẫu sẽ đưa que lấy mẫu (tăm bông y tế) vào mũi hoặc họng người cần kiểm tra để lấy dịch tỵ hầu hoặc dịch họng. Mẫu test này sẽ được kiểm tra tại chỗ ngay tại phòng xét nghiệm lưu động. Và sau 15 - 30 phút sẽ cho kết quả nhanh chóng.
Xét nghiệm kháng nguyên COVID-19 đơn giản, dễ thực hiện
Trường hợp lấy mẫu nhiều, hàng loạt thì mẫu test có thể được bảo quản trong ống chứa môi trường vận chuyển (ở nhiệt độ từ 2 - 8 độ C) rồi đưa về phòng xét nghiệm của bệnh viện để kiểm tra. Nếu trong vòng 12 giờ, chưa thể thực hiện kiểm tra thì các mẫu test sẽ được cấp đông ở nhiệt độ -70 độ C, lúc nào cần xét nghiệm thì đem rã đông hoàn toàn.
Phiên giải kết quả
Kết quả xét nghiệm kháng nguyên COVID-19 xuất hiện 2 vạch (vạch chứng C và vạch kết quả T) nghĩa là bệnh phẩm có chứa kháng nguyên virus SARS-CoV-2. Tức người được lấy mẫu dương tính với COVID-19. Để chắc chắn hơn, sẽ tiếp tục xét nghiệm RT-PCR. Nếu kết quả với xét nghiệm RT-PCR dương tính thì khẳng định có ca bệnh. Nếu âm tính thì kết luận không có ca bệnh.
Nếu kết quả test nhanh kháng nguyên COVID-19 chỉ xuất hiện 1 vạch (vạch chứng C) thì mẫu phẩm không chứa kháng nguyên virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, không loại trừ khả năng nồng độ kháng nguyên thấp, dưới ngưỡng phát hiện. Vì thế, vẫn tiếp tục theo dõi các triệu chứng và giám sát dịch tễ.
Nếu kết quả không xuất hiện vạch nào thì có thể lượng mẫu xét nghiệm không đủ, hoặc quy trình xét nghiệm không đúng, cần thực hiện lại xét nghiệm.
Kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên virus SARS-CoV-2
Như vậy, thông qua bài viết trên đây, bạn đọc đã hiểu hơn về xét nghiệm kháng nguyên COVID-19. Và hãy luôn ghi nhớ, dù kết quả xét nghiệm là âm tính thì vẫn tuyệt đối không chủ quan trong việc phòng chống dịch và nguy cơ lây nhiễm. Ngược lại, luôn tuân thủ nguyên tắc 5K và xây dựng lối sống lành mạnh để bảo vệ sức khỏe bản thân cũng như cộng đồng.
Đặc biệt, ở những vùng nguy cơ cao, dịch bệnh lây nhanh, khó kiểm soát, nếu được khuyến cáo tiêm vắc xin thì nên chủ động đăng ký tiêm chủng để phòng ngừa. Và khi đi tiêm vắc xin ngừa COVID-19, nên tuân thủ hướng dẫn của nhân viên y tế để phòng chống nguy cơ lây nhiễm bệnh trong cộng đồng.