Trước diễn biến phức tạp và nghiêm trọng của đại dịch COVID-19, Việt Nam đã và đang triển khai các hoạt động xét nghiệm trên diện rộng. Đây là biện pháp nhằm nhanh chóng phát hiện virus SARS-CoV-2 trên người bệnh. Từ đó có biện pháp cách ly kịp thời, hạn chế lây lan và khống chế đại dịch. Vậy có những loại xét nghiệm COVID nào?
08/08/2021 | BVĐK MEDLATEC MIỄN PHÍ xét nghiệm sàng lọc COVID-19 khi khách hàng đến khám chữa bệnh 31/07/2021 | Từ ngày 1/8/2021 thực hiện test nhanh COVID-19 chỉ với 179.000 VNĐ tại MEDLATEC 27/07/2021 | Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC diễn tập phòng chống COVID-19 giai đoạn mới
1. Có những loại xét nghiệm COVID nào?
Hiện nay, có 3 kỹ thuật xét nghiệm để phát hiện virus SARS-CoV-2 trong cơ thể người bệnh, đó là xét nghiệm RT-PCR, xét nghiệm xác định kháng nguyên và xét nghiệm xác định kháng thể.
Xét nghiệm RT-PCR
Đây là kỹ thuật xét nghiệm chính để xác định người bệnh có bị nhiễm virus SARS-CoV-2 hay không. Xét nghiệm RT-PCR thường được áp dụng cho những người đang bị phơi nhiễm hoặc bệnh nhân đang trong quá trình điều trị bệnh COVID-19.
Kỹ thuật xét nghiệm RT-PCR khá phức tạp, tuy nhiên, độ tin cậy và độ đặc hiệu cao. Các cơ sở y tế thực hiện xét nghiệm RT-PCR phải có giấy chứng nhận của Bộ Y tế, nghĩa là được công nhận có đủ năng lực xét nghiệm.
Cụ thể, tất cả các điều kiện như phòng ốc, trang thiết bị, đội ngũ xét nghiệm,… đều phải đạt tiêu chuẩn. Cùng với đó, quá trình xét nghiệm phải tuân thủ đúng quy trình cả về cách thức thực hiện lẫn thời gian trả kết quả.
Xét nghiệm RT-PCR lấy dịch tỵ hầu hoặc dịch tiết hô hấp để phân tích và cho kết quả
Xét nghiệm xác định kháng nguyên
Xét nghiệm xác định kháng nguyên cũng là cách để xác định người bệnh có bị nhiễm virus SARS-CoV-2 hay không. Và nhân viên y tế sẽ lấy mẫu dịch tỵ hầu hoặc dịch tiết hô hấp để làm xét nghiệm tương tự như xét nghiệm RT-PCR.
Tuy nhiên, so với xét nghiệm RT-PCR thì kỹ thuật xét nghiệm xác định kháng nguyên đơn giản hơn, có thể thực hiện tại phòng xét nghiệm nhanh tại chỗ (POC). Đặc biệt, cho kết quả nhanh, sau 15 - 30 phút thực hiện. Vì thế, xét nghiệm này còn được gọi là test nhanh COVID.
Độ tin cậy và độ đặc hiệu cao, nhưng về độ nhạy thì không bằng kỹ thuật PCR. Tuy nhiên, vẫn có thể dùng xét nghiệm kháng nguyên để xác định, sàng lọc COVID.
Xét nghiệm xác định kháng thể
Ngoài 2 kỹ thuật xét nghiệm nói trên thì còn có những loại xét nghiệm COVID nào nữa? Đó là xét nghiệm xác định kháng thể, hay còn gọi là xét nghiệm huyết thanh học. Kỹ thuật xét nghiệm này đơn giản, nhanh gọn, dễ thực hiện. Sau 15 - 20 phút lấy mẫu (máu để tách lấy huyết thanh) là sẽ có kết quả.
Xét nghiệm xác định kháng thể là nhằm phát hiện phản ứng miễn dịch của cơ thể đối với virus SARS-CoV-2, không dùng để phát hiện người nhiễm mới. Điều này có nghĩa, kết quả xét nghiệm này không chắc chắn là người được lấy mẫu có bị nhiễm virus hay không. Bởi trong một số trường hợp, người bị nhiễm virus trong giai đoạn sớm có thể cho kết quả âm tính (giả). Nhưng khi xét nghiệm lại với kỹ thuật RT-PCR sẽ là dương tính.
Do đó, nếu được thực hiện xét nghiệm huyết thanh học và cho kết quả âm tính, chúng ta tuyệt đối không được chủ quan. Bởi kết quả chỉ mang tính chất tham khảo, không mang tính chất khẳng định.
Xét nghiệm xác định kháng thể không lấy sinh phẩm trong mũi mà lấy máu để thực hiện
2. Có nên tự thực hiện test nhanh COVID-19 tại nhà?
Biết được có những loại xét nghiệm COVID nào và ưu nhược điểm của từng kỹ thuật, thế nhưng, nhiều người tự ý thực hiện test nhanh COVID-19 tại nhà thay vì đến các cơ sở y tế. Vậy cần lưu ý gì về vấn đề này?
Kết quả test nhanh chỉ mang tính chất tham khảo
Test nhanh không thể khẳng định chắc chắn virus SARS-CoV-2 có thực sự có trong cơ thể người được lấy mẫu hay không. Bởi kết quả chỉ chính xác khi nồng độ virus trong cơ thể cao (người nhiễm đang gặp các triệu chứng sốt, ho, đau họng). Còn khi người nhiễm chưa xuất hiện triệu chứng, nồng độ virus trong cơ thể thấp thì có thể cho kết quả âm tính giả. Đó là chưa kể quá trình tự thực hiện không đúng kỹ thuật và không phải bộ (dụng cụ) test nào cũng đạt chuẩn nên có thể xảy ra sai sót về kết quả.
Chỉ thực hiện test nhanh khi thực sự cần thiết
Trường hợp cần thiết ở đây là khi bạn có tiếp xúc với người đã hoặc đang có nguy cơ mắc COVID-19. Ngoài ra, nếu nghi ngờ hoặc xuất hiện các triệu chứng sốt, ho, đau họng,… thì mới nên tự thực hiện test nhanh tại nhà.
Nếu lạm dụng việc test nhanh và thực hiện tràn lan thì không chỉ gây tốn kém tiền bạc và thời gian, mà còn tiềm ẩn mối nguy hiểm khác. Đó là thực hiện không đúng kỹ thuật, kết quả không chính xác, gây tâm lý chủ quan, làm tăng số ca lây nhiễm trong cộng đồng và kéo theo nhiều hệ lụy khác.
Chỉ tự thực hiện test nhanh COVID-19 trong trường hợp cần thiết và không quá chủ quan vào kết quả
3. Làm gì để phòng chống và giảm thiểu nguy cơ mắc COVID-19?
Với số ca nhiễm tăng chóng mặt, bất cứ ai trong chúng ta đều phải tự giác bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình. Theo đó, mỗi người cần thực hiện tốt những việc cần làm sau:
-
Tuân thủ nguyên tắc 5K của Bộ Y tế: Khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tụ tập và khai báo y tế.
-
Khi có tiếp xúc với F0 hoặc xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ nhiễm COVID-19, ngay lập tức, gọi đến hotline của cơ sở y tế gần nhất. Các nhân viên y tế sẽ hướng dẫn cũng như thực hiện xét nghiệm trong những trường hợp cần thiết.
-
Ngay cả khi có kết quả xét nghiệm âm tính hay đã được tiêm phòng vắc xin thì vẫn không được chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống dịch.
-
Giữ nhà cửa sạch sẽ, thường xuyên lau chùi đồ đạc, vật dụng trong nhà.
-
Rửa tay thường xuyên, nhất là trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi ra ngoài về.
-
Ăn đủ chất, ngủ đủ giấc, tăng cường vận động, xây dựng lối sống lành mạnh là cách để tăng cường miễn dịch, nhờ đó, giảm thiểu được nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2.
Luôn thực hiện tốt nguyên tắc 5K để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2
Hy vọng những thông tin trên sẽ giúp bạn đọc biết được có những loại xét nghiệm COVID nào. Đồng thời, có thêm kiến thức và kinh nghiệm trong việc phòng chống, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm COVID-19. Trong đó, quan trọng nhất là hãy luôn ghi nhớ và thực hiện tốt nguyên tắc 5K của Bộ Y tế. Vì sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng, hãy cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh.