Mặc dù cách vệ sinh bao quy đầu cho trẻ sơ sinh không quá phức tạp nhưng không phải cha mẹ nào cũng biết vệ sinh bộ phận này đúng cách. Thậm chí nhiều người còn bỏ qua bước này hoặc làm sai cách khi tắm rửa cho trẻ khiến bé gặp phải các vấn đề về bao quy đầu. Bài viết hôm nay sẽ hướng dẫn các bậc phụ huynh cách vệ sinh bao quy đầu cho trẻ sơ sinh đúng cách.
13/08/2022 | Tiết lộ: Bị ngứa ở da bao quy đầu có nguy hiểm với nam giới hay không? 18/07/2022 | Điểm danh những phương pháp điều trị viêm bao quy đầu hiệu quả nhất 16/07/2022 | Bác sĩ tư vấn: Phải làm sao khi bị rách bao quy đầu?
1. Tìm hiểu chung về bộ phận bao quy đầu
Bao quy đầu là phần đầu ở dương vật được cấu tạo từ 2 lớp cơ trơn. Ở những bé trai sơ sinh, phần bao quy đầu sẽ chưa được tách ra khỏi phần đầu dương vật nên không thể dễ dàng kéo xuống được. Khi trẻ phát triển đến giai đoạn tuổi dậy thì, bao quy đầu có thể sẽ tự tuột xuống và không có mốc thời gian cố định khi điều này diễn ra bởi cơ địa mỗi trẻ là khác nhau. Phần lớn bao quy đầu ở nam giới có thể tự tuột xuống khi họ bước sang ngưỡng tuổi trưởng thành.
Cấu tạo đầu dương vật
Bao quy đầu là bộ phận đóng vai trò rất quan trọng với nhiều nhiệm vụ khác nhau trong đời sống sinh hoạt, sinh lý và sinh sản ở nam giới, cụ thể như sau:
-
Nó có tác dụng bảo vệ dương vật, nhờ đó các quý ông có thể chuyển động dễ dàng và an toàn hơn trong quá trình giao hợp. Bên cạnh đó bao quy đầu còn hỗ trợ giảm các thương tổn do cọ xát hoặc chống lại sự xâm nhập của bụi bẩn từ bên ngoài;
-
Có vai trò duy trì môi trường ẩm ướt ở vùng đầu dương vật, tránh tình trạng khô hạn ở khu vực này;
-
Đây là bộ phận góp phần tăng khoái cảm khi được kích thích tình dục ở nam giới, giúp cánh mày râu thăng hoa trong những cuộc yêu.
2. Điều gì sẽ xảy ra nếu không thực hiện vệ sinh bao quy đầu cho trẻ sơ sinh?
Nếu cha mẹ không để ý đến việc vệ sinh bao quy đầu thường xuyên cho trẻ hoặc làm điều này không đúng cách thì trẻ có nguy cơ phải đối mặt với những vấn đề sức khỏe sau:
-
Trẻ bị đau nhức và viêm bao quy đầu: nguyên nhân phần lớn là do bao quy đầu tiếp xúc quá lâu với tã bẩn hoặc do làn da của bé không phù hợp với loại bỉm đang sử dụng, hay bao quy đầu bị ép rút xuống,... từ đó dẫn đến tình trạng nhiễm trùng quy đầu, nếu không được khắc phục kịp thời sẽ gây nhiễm trùng mạn tính;
-
Bao quy đầu bị hẹp không còn khả năng co rút lại;
-
Mắc bệnh Paraphimosis - là hiện tượng da quy đầu tuột lên khỏi quy đầu nhưng không tuột xuống được;
-
Chấn thương dây kéo ở bao quy đầu;
-
Khối u có thể hình thành ở vùng kín của trẻ, đa phần đây thường là khối u ác tính (ung thư dương vật).
3. Hướng dẫn cha mẹ cách vệ sinh bao quy đầu cho trẻ
Việc cắt hay nong bao quy đầu là chưa thể thực hiện được đối với trẻ sơ sinh, đồng thời trẻ còn rất nhỏ chưa thể tự mình vệ sinh vùng kín được nên cha mẹ sẽ là người giúp trẻ thực hiện điều này.
Trẻ cần được vệ sinh sạch sẽ bao quy đầu trong lúc tắm rửa. Ở những tháng đầu đời bạn chỉ cần làm sạch vùng da xung quanh dương vật của trẻ khi thay bỉm hoặc khi tắm. Khi bé lớn lên, bộ phận này cần phải được chăm sóc cẩn thận hơn để tránh nguy cơ trẻ bị nhiễm trùng dương vật. Sau đây là một số lưu ý quan trọng cho cha mẹ khi vệ sinh bao quy đầu cho trẻ:
3.1. Cách vệ sinh bao quy đầu đối với trẻ sơ sinh
Đối với trẻ sơ sinh cách vệ sinh bao quy đầu rất đơn giản, không yêu cầu bạn phải có trình độ chuyên môn y tế nhưng cần đảm bảo được tiến hành đúng cách.
Trước tiên cha mẹ cần rửa sạch bao quy đầu cho trẻ khi tắm bằng nước ấm. Nên thực hiện một cách nhẹ nhàng và từ từ, không làm mạnh bạo hoặc xối nước trực tiếp vào vùng kín của trẻ. Bạn nên tránh dùng các chất tẩy rửa, xà phòng diệt khuẩn để vệ sinh dương vật cho bé mà chỉ cần rửa bằng nước ấm là đủ.
3.2. Cách vệ sinh bao quy đầu đối với trẻ 1 tuổi
Khi trẻ bước sang 1 tuổi lúc này bao quy đầu đã dần tách ra. Khi đó bạn hãy nhẹ nhàng lộn bao quy đầu và dùng nước ấm để vệ sinh khu vực này. Hãy thực hiện một cách nhẹ nhàng để không làm trẻ bị tổn thương quy đầu.
Cha mẹ cần rửa sạch bao quy đầu cho trẻ khi tắm bằng nước ấm
Có những trẻ cho đến khi đã đến giai đoạn dậy thì bao quy đầu vẫn không thể tự tuột khỏi quy đầu, bạn nên cho trẻ đi khám để tránh gây ảnh hưởng đến sự phát triển của dương vật sau này.
3.3. Đối với những trẻ đã nong hoặc lột bao quy đầu nên vệ sinh thế nào?
Nếu trước khi dậy thì bao quy đầu của trẻ đã có thể tuột xuống một cách tự nhiên hoặc đã can thiệp nong trước giai đoạn này thì việc vệ sinh sẽ đơn giản hơn. Lúc này trẻ đã lớn có thể tự vệ sinh cơ thể thì bạn hãy hướng dẫn bé tự làm và dặn bé hãy vệ sinh sạch sẽ, kỹ lưỡng, đúng cách vùng kín theo các bước sau:
-
Bước 1: kéo nhẹ bao quy của trẻ ra khỏi phần đầu dương vật;
-
Bước 2: làm sạch phần dưới của bao quy đầu bằng dung dịch vệ sinh vùng kín chuyên dụng với nước ấm;
-
Bước 3: từ từ kéo bao quy đầu trở về vị trí ban đầu.
Khi trẻ đã lớn có thể tự vệ sinh cơ thể thì bạn hãy hướng dẫn bé tự làm và dặn bé hãy vệ sinh sạch sẽ vùng kín đúng cách
Bên cạnh nằm lòng những thao tác vệ sinh bao quy đầu đúng cách thì cha mẹ cũng cần cho bé mặc đồ lót sạch sẽ, thay rửa thường xuyên nhất là với những trẻ vẫn còn trong giai đoạn mặc bỉm và sau khi trẻ hoạt động, vui chơi nhiều. Điều này tuy đơn giản nhưng lại rất hiệu quả trong việc giúp trẻ phòng ngừa những bệnh lý viêm nhiễm dương vật do nấm và vi khuẩn có trong mồ hôi. Các bậc phụ huynh nên nhớ cần lựa chọn những bộ quần áo làm từ chất liệu vải thoáng mát, thấm hút tốt mồ hôi để làm đồ lót mặc bên trong cho trẻ.
Trên đây là một số bí kíp giúp cha mẹ thực hiện vệ sinh đúng cách vùng kín cho bé trai. Nếu quý bậc phụ huynh còn nhiều thắc mắc cần được giải đáp, hãy liên hệ tới hotline 1900 56 56 56 của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC để được tư vấn chi tiết hơn.