Theo ThS. BS Lê Nguyễn Thanh Nhàn, BV Nhi đồng 1, nhiều phụ huynh vội vàng cho trẻ uống thuốc cầm ói thay vì “tiếp nước” để bù lại lượng nước và khoáng chất đã mất do tiêu chảy dẫn tới suy kiệt, tiêu chảy nặng thêm.
Trẻ bị rối loạn tiêu hóa thường có triệu chứng đau bụng, ói, tiêu chảy. Nhiều phụ huynh vội vàng cho trẻ uống thuốc cầm ói thay vì tiếp nước để bù khối lượng nước đã mất do tiêu chảy. Sự mệt mỏi, suy kiệt là do bị mất nước, nếu để trẻ tiêu chảy nhiều, mất nhiều nước và một số khoáng chất như Natri, Cali có thể dẫn đến trụy mạch, mỏi cơ, co giật, nguy hiểm hơn có trường hợp dẫn đến phù não.
Vì vậy, theo ThS. BS Thanh Nhàn, việc đầu tiên phụ huynh nên làm là cho trẻ uống bù nước. Dùng nước đun sôi để nguội hoặc dung dịch Oresol giúp tránh mất nước và khoáng chất. Cho trẻ uống từng thìa một, khi thấy trẻ ói thì ngưng lại, 10 – 15 phút sau cho uống tiếp.
Nên uống 100 - 200ml nước hoặc Oresol sau mỗi lần tiêu chảy.
Đặc biệt, phụ huynh theo dõi nếu thấy trẻ có một trong những biểu hiện sốt cao, mệt hơn, không uống được hoặc bỏ bú, ói nhiều lần, khát, liên tục đòi nước, tiểu phân có máu thì phải đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế gần nhất.
Cũng theo BS Nhàn, những ngày lễ tết em trẻ thường ham chơi, nhịn đói quá lâu, khi ăn không điều độ cộng thêm những thực phẩm như bánh mức, nước ngọt chứa nhiều hóa chất, phẩm màu là cơ hội cho bệnh rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy tấn công. Phụ huynh nên để mắt đến con cái, hạn chế nước ngọt, bánh mức. Cho trẻ ăn đúng giờ, ăn chín, uống sôi, hâm lại thức ăn để lâu trước khi dùng để gia đình vui khỏe đón tết.
Nguồn: http://dantri.com.vn