Người bệnh đái tháo đường trong dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay cần đặc biệt lưu ý đến sức khỏe và cách phòng chống. Đây được coi là bệnh nền phức tạp có thể tiến triển rất xấu nếu không may nhiễm virus SARS-CoV-2. Vậy người bệnh cần làm gì trong mùa dịch?
12/08/2021 | Tư vấn sức khỏe online miễn phí - An tâm chăm sóc sức khỏe trong đại dịch Covid-19 12/08/2021 | Tư vấn: Test nhanh COVID-19 những điều cần biết
1. Những nguy cơ tiềm ẩn của người tiểu đường với virus SARS-CoV-2
Mỗi ngày khi nghe tin tức về dịch bệnh COVID-19, chúng ta đều thấy nhắc đến mức độ tiến triển ngày càng nặng của những bệnh nhân có bệnh lý nền. Trong đó, đái tháo đường cũng được coi là bệnh nền có nguy cơ hàng đầu khiến cho bệnh nhân trở nặng và khó điều trị nếu mắc COVID-19. Do vậy, những bệnh nhân tiểu đường cần lưu ý những vấn đề sau:
Người tiểu đường nhiễm COVID-19 dễ biến chứng
Người bệnh tiểu đường thường có sức đề kháng kém do hệ miễn dịch suy giảm. Đây là nguyên nhân chính khiến bệnh nhân dễ mắc các bệnh thông thường khác kèm theo. Vì thế, cũng dễ hiểu khi bệnh nhân tiểu đường nhiễm virus SARS-CoV-2 sẽ có nguy cơ bị biến chứng cao. Theo thống kê, hơn 25% số bệnh nhân tiểu đường bị biến chứng nặng khi mắc COVID-19.
Những bệnh nhân mắc COVID-19 bị tiểu đường thường sẽ bị biến chứng đái tháo đường rất lớn. Điển hình là nhiễm ceton do đái tháo đường, nhiễm trùng huyết và nhiều biến chứng khác nếu bệnh nhân không đáp ứng được phác đồ điều trị. Như vậy có thể thấy bệnh đái tháo đường trong dịch bệnh COVID-19 luôn có nguy cơ tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.
Người bệnh tiểu đường dễ bị biến chứng khi mắc COVID-19
Khả năng nhiễm virus SARS-CoV-2 của bệnh nhân tiểu đường?
Nhiều người thắc mắc, bệnh nhân tiểu đường liệu có dễ mắc COVID-19 hơn những người bình thường hay không? Điều này là hoàn toàn có thể. Nếu cùng một yếu tố nguy cơ tiếp xúc với nguồn lây thì người bệnh tiểu đường hoàn toàn có nguy cơ mắc bệnh cao hơn những đối tượng khác. Có nhiều nghiên cứu đã giải thích cho hiện tượng này. Cơ chế xoay quanh vấn đề về sự suy giảm miễn dịch của cơ thể. Tính ái lực của niêm mạc đường hô hấp người tiểu đường với virus cũng cao hơn người khác do tăng glucose trong chất lỏng bề mặt đường thở. Cùng các cơ chế khác liên quan đến khả năng bám dính của virus SARS-CoV-2 trong niêm mạc đường thở.
2. Tại sao bệnh đái tháo đường trong dịch bệnh COVID-19 dễ gặp biến chứng?
Bệnh nhân đái tháo đường trong dịch bệnh COVID-19 luôn phải cẩn trọng về sức khỏe. Về bản chất, bệnh nhân tiểu đường thường có sức khỏe không tốt do hệ miễn dịch suy giảm. Do vậy, nguy cơ biến chứng luôn ở mức độ cao đối với các bệnh nhân tiểu đường khi nhiễm virus SARS-CoV-2. Nguyên nhân là do những yếu tố sau:
Do hệ miễn dịch suy giảm
Nguyên nhân lớn nhất khiến bệnh nhân tiểu đường mắc COVID-19 bị biến chứng nặng là do hệ miễn dịch bị suy giảm. Như đã nói, hệ miễn dịch kém khiến cho sức đề kháng suy giảm với các loại vi khuẩn, virus nên có thể dễ mắc bệnh hơn. Glucose trong máu tăng cao gây rối loạn điều hòa phản ứng miễn dịch, tạo điều kiện cho cơn bão cytokin và hội chứng suy hô hấp cấp (ARDS) bùng phát. Nồng độ Glucose máu cao có tác dụng hiệp đồng với việc bất hoạt men chuyển (ACE2) phụ thuộc SARS CoV 2 để làm bệnh chuyển biến thành suy đa cơ quan và các biến cố huyết khối. Do vậy, quá trình điều trị thường phải kéo dài, khó khăn hơn.
Người bệnh đái tháo đường trong dịch bệnh COVID-19 có nguy cơ gặp nguy hiểm khi chẳng may nhiễm virus
Khó kiểm soát đường huyết
Đường huyết cao ở người bệnh sẽ là môi trường tốt cho virus phát triển. Trong khi đó, người bệnh tiểu đường trong dịch bệnh COVID-19 thường khó có điều kiện để kiểm soát đường huyết cơ thể. Nguyên nhân là do chế độ ăn uống thay đổi, bệnh nhân phải ở trong khu cách ly. Điều kiện không cho phép khiến người bệnh không tự chăm sóc được bản thân theo chế độ nghiêm ngặt của người tiểu đường.
Thiếu hoặc không còn thuốc hỗ trợ hoặc bệnh nhân đang cần điều trị thêm bằng thuốc chứa glucocorticoid, thuốc giảm đau, kháng viêm,... khiến cho tình trạng đường huyết tăng cao. Tạo điều kiện cho virus phát triển. Các yếu tố ngoại cảnh tác động khiến bệnh nhân lo âu, stress, viêm nhiễm, biến chứng làm cho bệnh trở nặng hơn.
Có nhiều nguyên nhân khiến bệnh nhân tiểu đường dễ biến chứng nặng khi mắc Covid
3. Chăm sóc bệnh nhân tiểu đường trong mùa dịch
Người bệnh tiểu đường luôn có nguy cơ biến chứng rất cao nếu nhiễm COVID-19. Do vậy, trong mùa dịch, bệnh nhân đái tháo đường cần có kế hoạch cải thiện và chăm sóc sức khỏe đúng cách để phòng bệnh:
Duy trì thói quen tốt cho người tiểu đường
Người bệnh cần đặc biệt lưu ý duy trì thói quen tốt để “sống chung với lũ” một cách “hòa bình”. Luôn theo dõi bệnh hàng ngày. Duy trì thói quen tập thể dục đều đặn, thường xuyên để tăng đề kháng và sức khỏe của bản thân. Luôn ngủ đủ giấc, tránh thức khuya. Tránh hoàn toàn các chất kích thích có hại cho sức khỏe như rượu, bia, thuốc lá. Uống thuốc đều đặn theo hướng dẫn của bác sĩ.
Chế độ ăn uống đủ dinh dưỡng
Làm sao để tăng sức đề kháng cơ thể là yếu tố sống còn của người bệnh tiểu đường trong mùa dịch. Ngoài việc duy trì các thói quen tốt để giữ ổn định đường huyết thì người bệnh cần xây dựng chế độ ăn uống hợp lý, tăng cường dinh dưỡng để tăng sức khỏe cho bản thân.
Chế độ ăn uống có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của bệnh nhân tiểu đường. Chế độ ăn phải đảm bảo đúng theo hướng dẫn của bác sĩ, hạn chế tối đa các loại thức ăn chứa nhiều đường và chất béo. Tăng cường rau xanh và uống nhiều nước mỗi ngày.
Người bệnh đái tháo đường trong dịch bệnh COVID-19 cần duy trì thói quen sinh hoạt tốt và ăn uống đủ chất
Thực hiện nghiêm chế độ “5K”
Người bệnh đái tháo đường trong dịch bệnh COVID-19 cần phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định phòng bệnh. Trong đó, không thể bỏ qua quy định “5K” đã được Bộ Y tế khuyến cáo. Tránh tụ tập nơi đông người, tránh xa những nơi tập trung nhiều người lạ. Rửa tay thường xuyên, giữ vệ sinh cơ thể. Khi ra ngoài cần phải đeo khẩu trang. Nên chọn cách làm việc tại nhà trong thời điểm dịch bệnh có diễn biến phức tạp.
Có thể thấy, người bệnh đái tháo đường trong dịch bệnh COVID-19 luôn có những nguy cơ phức tạp về biến chứng, gây nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng. Do vậy, cách tốt nhất để phòng bệnh là thực hiện đúng các phải pháp phòng dịch theo hướng dẫn. Đồng thời giữ tâm lý thoải mái, lạc quan trong mùa dịch, tránh những lo âu và phiền muộn không đáng có, ảnh hưởng đến sức khỏe bản thân.