Nhiễm candida có thể xảy ra ở tất cả các cơ quan trong cơ thể, tuy nhiên hay gặp nhất là tổn thương da và niêm mạc. Trên lâm sàng có thể gặp:
Bệnh nấm ở niêm mạc
Nấm miệng (tưa miệng): trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh, người già yếu, đối tượng suy giảm miễn dịch như HIV/AIDS,… hay mắc bệnh. Người bệnh có biểu hiện niêm mạc miệng đỏ, lưỡi bóng và có gai nhọn, xuất hiện các điểm, vết, mảng màu trắng như kem trong miệng, tính chất mềm dễ bóc,…

Nấm candina xảy ra ở trong khoang miệng của người bệnh
Nấm thực quản: người bệnh ăn kém, nôn, buồn nôn, nuốt đau, khó nuốt, cảm giác bỏng rát sau xương ức kèm theo có thể có nấm miệng, người bệnh gầy sút cân, suy kiệt dần,... Nội soi dạ dày thực quản thấy hình ảnh niêm mạc sưng đỏ kèm theo có các vết, mảng nấm màu trắng, dễ bóc
Viêm ruột: người bệnh thường đau bụng, tiêu chảy kéo dài, cảm giác sôi bụng, ngứa hậu môn,… Trên hình ảnh nội soi, niêm mạc đường tiêu hóa có rất nhiều vết loét. Trường hợp nặng gây viêm phúc mạc do thủng ruột hoặc vi nấm theo đường máu đến gây bệnh tại các cơ quan khác như gan, lách, phổi,…
Nhiễm nấm sinh dục
+ Viêm âm hộ, âm đạo: người bệnh thường ngứa, cảm giác rát bỏng âm hộ, ra huyết trắng giống như sữa, đau khi quan hệ. Niêm mạc sưng đỏ, nhiều mảng trắng khi thăm khám.
+ Viêm bao quy đầu: người bệnh có các sẩn đỏ, mụn mủ, thấy lớp giả mạc trắng khi lộn bao quy đầu, ngứa lỗ sáo, đau khi đi tiểu và quan hệ, nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể dẫn đến viêm niệu đạo.
Viêm hậu môn và quanh hậu môn: biểu hiện ngứa hậu môn, da quanh rìa hậu môn viêm đỏ, trầy xước, loét,…
Nấm da
- Viêm da: hay gặp ở các vùng da có nếp gấp như bẹn, hai mông, nách,… Tổn thương thường thành mảng to, đỏ, cảm giác ngứa, nặng có thể loét và xuất hiện các mụn mủ,…
- Viêm da hạt: vi nấm tạo các u hạt trên da, tổn thương dạng hạt nổi trên da đầu, các chi hoặc thân mình trên nền mảng đỏ, dày sừng ở da, niêm mạc hoặc móng,…
- Nấm móng: ban đầu móng sưng đỏ, đau, chảy dịch vàng hoặc mủ, theo tiến triển thời gian nấm dần trở nên đục, mất bóng, biến dạng mỏng,…
Nhiễm nấm tạng
- Đường tiêu hóa: nấm thực quản đã miêu tả trên. Tiêu chảy kéo dài gặp trong nhiễm nấm đường ruột.
- Đường hô hấp: người bệnh có thể bị nhiễm trùng tại thanh quản, khí quản tắc nghẽn, viêm phế quản phổi, viêm phổi,…
- Viêm nội tâm mạc: ít gặp
Nhiễm nấm huyết
- Nhiễm nấm huyết hay gặp bệnh nhân HIV/AIDS, bệnh lý ác tính, người bệnh đang điều trị hóa chất, sau phẫu thuật lớn, nuôi dưỡng tĩnh mạch lâu dài,…
- Biểu hiện lâm sàng không đặc hiệu, có thể có triệu chứng nhiễm trùng huyết nặng, khó phân biệt với nhiễm trùng do vi khuẩn. Các triệu chứng tại các cơ quan thay đổi, tùy thuộc vào căn nguyên và đáp ứng miễn dịch của người bệnh.
Nhiễm nấm lan tỏa
- Từ nhiễm nấm huyết, bất kỳ loài Candida có thể xâm nhập nhiều cơ quan khác nhau như mắt gây viêm kết mạc mắt, viêm võng mạc, nhiễm khuẩn hệ tiết niệu, nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương gây viêm màng não,... Người bệnh thường nặng, tiên lượng tử vong cao.